Lao động
Nam Định tạo việc làm hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách cho người mù
02:37 PM 20/10/2021
(LĐXH)-Vốn vay giải quyết việc làm được xác định là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người lao động có thêm “cần câu” để tìm kiếm cơ hội việc làm, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững cho các địa phương. Thời gian qua, Hội người mù tỉnh Nam Định đã quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng và mang lại hiệu quả tích cực, góp phần tích cực vào thành tích giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo chung của toàn tỉnh.
Hội Người mù tỉnh Nam Định hiện có khoảng 3.000 cán bộ, hội viên thường xuyên sinh hoạt (trong đó có 1.420 hội viên nữ, gần 50% số hội viên trong độ tuổi lao động và gần 150 trẻ em mù đang trong độ tuổi đến trường).
Hội Người mù tỉnh đã được cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ, cải thiện đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần, nâng cao chất lượng cuộc sống của người không may mắn. Sự thay đổi về nhận thức xã hội đã giúp người mù tự tin và chủ động hòa nhập đời sống xã hội ngày càng tốt hơn; đồng thời từng bước giảm dần rào cản, tạo động lực để những người không may mắn phát huy năng lực, vươn lên hòa nhập, đóng góp nhiều hơn cho xã hội và trợ giúp thiết thực người cùng hoàn cảnh.
Cùng với việc củng cố và phát triển tổ chức Hội, hoạt động vay vốn, dạy nghề và tạo việc làm chăm sóc đời sống hội viên được Hội thường xuyên quan tâm. Các cấp hội đã đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay ưu đãi, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế từng bước xóa đói, giảm nghèo. Hội viên vay vốn sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao, hoàn trả gốc lãi cho Nhà nước đúng thời gian quy định, được Ngân hàng Chính sách xã hội đánh giá cao. Nhiều hội viên Hội Người mù tỉnh phấn khởi, mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, làm ăn có lãi, tạo việc làm, xây dựng được nhà ở, mua sắm được các đồ dùng sinh hoạt, nuôi dạy con ăn học trưởng thành...
Trong năm 2020, Hội Người mù tỉnh đã triển khai chương trình vay vốn từ quỹ quốc gia cho 7 dự án đầu tư chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, làm dịch vụ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Để đồng vốn được sử dụng hiệu quả, Hội Người mù tỉnh đã mở 4 lớp cho 84 hội viên, trong đó có 2 lớp xoa bóp, bấm huyệt, 1 lớp tin học văn phòng, 1 lớp dạy chữ nổi. Ngoài ra, các cấp hội còn tổ chức mở 10 lớp tập huấn truyền nghề cho 130 hội viên.
Người mù tỉnh Nam Định làm việc tại một cơ sở xoa bóp, bấm huyệt
Tới thăm ông Ngô Nguyên Quang ở thôn Bình Điền, xã Yên Lợi (Ý Yên), chúng tôi được biết nhờ việc vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, ông đã vượt qua mặc cảm, mạnh dạn trong kinh doanh, phát triển kinh tế, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Ông Quang tâm sự, khi đến độ tuổi đi học, dù bố mẹ đều khuyết tật nhưng vẫn cố gắng tạo điều kiện để ông được đến trường cùng với bạn bè trang lứa. Không được bao lâu thì mắt ông bỗng nhiên mờ dần, gây khó khăn cho việc học tập. Mặc dù đã được các thầy, cô giáo, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho ngồi bàn đầu nhưng do mắt quá yếu nên ông vẫn không thể nhìn thấy gì ở trên bảng nên không thể tiếp tục đến trường. Đang trong độ tuổi ăn, tuổi học mà không thể nhìn thấy ánh sáng nữa nên lúc đó ông rất buồn. Được sự giúp đỡ, động viên của chính quyền địa phương, họ hàng, làng xóm, ông đã dần bình tĩnh trở lại. Hai anh em ông Quang đã tự trồng rau màu, trồng lúa, nuôi lợn, gà... kiếm tiền chăm lo cho bố mẹ, trang trải cuộc sống. Sau khi xây dựng gia đình, ông Quang nghĩ đến việc buôn phân, đạm cho người dân trồng lúa, trồng rau màu... Năm 1996, vợ chồng ông Quang đi vay người thân một số tiền để mua xe thồ, mua phân, đạm về bán cho người dân trên địa bàn xã. Ai có nhu cầu mua, vợ chồng ông dùng xe thồ vận chuyển đến tận nhà. Năm 1997, Hội Người mù huyện Ý Yên tạo điều kiện cho ông Quang vay vốn từ Quỹ quốc gia để phát triển kinh doanh. Từ việc buôn bán nhỏ lẻ phân, đạm, ông Quang đã tận dụng nguồn vốn được vay để lấy nhiều hàng hơn. Ngoài ra ông còn thu mua thóc, gạo của người dân trong xã đem đi bán. Năm 2001, sau khi tích lũy thêm được chút vốn, cuộc sống đã bớt khó khăn phần nào, ông Quang lại thuê đất của người dân trong xã để mở hàng tạp hóa. Cần cù, chịu khó, năm 2007, vợ chồng ông đã dành dụm được tiền để mua đất. Đến năm 2013, gia đình ông đã xây được ngôi nhà khang trang, rộng rãi để ở. Hiện nay, trung bình mỗi năm, gia đình ông Quang bán được khoảng 130 tấn thóc. Tổng thu nhập từ buôn thóc, phân, đạm và bán hàng tạp hóa là trên 200 triệu đồng/năm. Ông tâm sự: “Có được thành quả như hôm nay vợ chồng tôi luôn nhận được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã, Hội Người mù huyện Ý Yên trong việc tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống”. 
Cũng bằng nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm, nhiều hội viên Hội Người mù ở các địa phương đã vươn lên ổn định cuộc sống. Anh Trần Văn Khôi, cũng là hội viên của Hội Người mù Nam Trực được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các cấp Hội cũng đã mở 2 cơ sở tẩm quất ở thành phố Nam Định và thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng). Ông Nguyễn Gia Bình, hội viên Hội Người mù Vụ Bản được Hội tạo điều kiện dạy nghề tăm tre chổi đót với thu nhập hơn 1 triệu đồng/tháng. Được Hội Người mù huyện tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm, ông mở hướng chăn nuôi lợn; mỗi năm thu lãi khoảng 70 triệu đồng. Ông Trần Xuân Dương, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh cho biết: “Chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần lớn vào thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm trong đó có những người khiếm thị. Sau khi người khiếm thị có việc làm, xóa được đói, giảm được nghèo, tư duy nhận thức đã có nhiều thay đổi, không trông chờ ỷ lại như trước đây. Được Hội cho vay vốn, hướng dẫn cách làm ăn tích cực sản xuất chăn nuôi, có việc làm nên hội viên đã có nguồn thu nhập ổn định, nhiều gia đình đã vươn lên khá giả”.
Bằng ý chí, nghị lực, cùng sự quan tâm của cấp ủy, sự hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi của chính quyền từ kinh phí hoạt động đến phương tiện làm việc, dạy nghề, cho vay vốn, sắp xếp việc làm…, người khiếm thị tỉnh Nam Định đã nỗ lực vượt qua số phận, tự khẳng định mình, ngày càng hòa nhập với cộng đồng./.
Minh Hằng
 
Từ khóa: