Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững
(LĐXH) - Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã đạt được các những kết quả tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Bước vào năm 2021, GDNN sẽ tiếp tục gặp phải rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 qua 2 đợt bùng phát dịch lớn hơn trong năm 2020 nhưng dưới sự chỉ đạo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cùng sự nỗ lực của các cơ sở GDNN và từng học viên, việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp gắn với thị trường lao động và việc làm bền vững sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa.
Những kết quả nổi bật
Năm 2020, Bộ LĐTBXH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Công nhận ngày 04/10 hằng năm là ngày Kỹ năng lao động Việt Nam. Tiếp tục triển khai đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Đức, Úc. Triển khai đào tạo liên thông chất lượng cao từ trung cấp lên cao đẳng đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở, góp phần đẩy mạnh phân luồng và nâng cao chất lượng tuyển sinh. Tổng kết 10 năm thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, năm 2020 cả nước tuyển sinh GDNN cho 2,28 triệu người, đạt 100,9% kế hoạch; trong đó, tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng khoảng 580 nghìn người; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các hình thức đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người. Tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 2,19 triệu người, trong đó: tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 510 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,68 triệu người. Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở GDNN theo lộ trình, đến nay cả nước có 1.911 cơ sở GDNN (408 trường cao đẳng, 446 trường trung cấp và 1.057 trung tâm GDNN), trong đó cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 35,8%.Tính chung trong 5 năm 2016-2020, cả nước tuyển sinh đạt 1,1 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 2,47 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,63 triệu người. Số người tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo khoảng 10,2 triệu người; trong đó: Tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp khoảng 1,99 triệu người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 8,21 triệu người. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.
Kết quả nêu trên đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động: Tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đáng kể và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6% năm 2015 lên 64,5% năm 2020; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 20,29% năm 2015 lên 24,5% năm 2020. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, một số ngành nghề, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế; chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam trong nhóm phát triển cao, đứng thứ 110/189 quốc gia; trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đứng sau Singapore.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ LĐTBXH sẽ tập trung xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, phát triển GDNN trong tình hình mới; xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện tốt Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Thực hiện phân tầng cơ sở GDNN và phân tầng chất lượng đào tạo; chú trọng đầu tư các trường chất lượng cao, đa ngành, đa lĩnh vực đào tạo; phát triển một số trường chất lượng cao tiếp cận trình độ của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, có năng lực cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; trong đó, đẩy mạnh phân luồng học sinh từ trung học cơ sở và trung học phổ thông vào các cơ sở GDNN. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN; trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo, nâng cao chất lượng GDNN. Tăng cường đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp…/.
Đức Tùng
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00