Giáo dục - Nghề nghiệp
Nâng cao nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước
09:37 AM 12/11/2021
(LĐXH)- Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trả lời chất vấn của các đại biểu về giải pháp đổi mới giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của kinh tế đất nước.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, đổi mới giáo dục nghề nghiệp trước hết theo tinh thần chung, bám vào nguyên tắc chung là thực hiện theo Nghị quyết 29 của Trung ương, phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nghề nghiệp.
Bên cạnh đó, đổi mới giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng; gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp, phấn đấu để thực hiện mục tiêu là các bậc cha mẹ ủng hộ cho con cái học nghề.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các trường nghề lớn ký kết cụ thể với doanh nghiệp, từ khâu đặt hàng đào tạo tới bố trí việc làm để sinh viên chưa ra trường đã biết bản thân mình sẽ làm công việc cụ thể thế nào sau khi tốt nghiệp.
Bộ trưởng dẫn chứng kinh nghiệm từ các quốc gia có thị trường lao động ổn định và phát triển cho thấy cần phải chú trọng vấn đề đào tạo, đào tạo lại, nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, tháo gỡ rào cản và tạo cơ chế thông thoáng tối đa trong khuôn khổ pháp lý hiện hành để doanh nghiệp có thể tổ chức đào tạo, đào lại cho người lao động.
Đặc biệt, cần sử dụng nguồn kinh phí bảo hiểm thất nghiệp như một công cụ “giá đỡ” hỗ trợ phát triển thị trường lao động. “Chúng ta phải thật sự có các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đầu tư cho lĩnh vực này”, Bộ trưởng khẳng định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tạo chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng các thương hiệu tốt của các trường nghề để thu hút học sinh tham gia nhiều hơn. Đồng thời trong quá trình học nghề, học sinh được học liên thông nếu có nhu cầu. Đối với trường nghề, phải bảo đảm khi học sinh ra trường có việc làm và có thu nhập tốt.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ xây dựng một chương trình “nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” để đáp ứng yêu cầu hội nhập theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ.
Lập 80 trường đào tạo lao động chất lượng cao
Trước ý kiến của đại biểu nêu thực trạng đang có làn sóng “di chuyển kép” – người lao động về quê tránh dịch, một bộ phận lao động chân tay đơn thuần bị đảo thải trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4. Vậy vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động thời gian tới được sẽ được thực hiện như thế nào? Làm sao trong thời gian ngắn để người lao động ngang tầm ASEAN?
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, thực tế lao động ở Việt Nam tay nghề còn hạn chế. Theo dự báo thời gian tới, 30% công việc yêu cầu kỹ năng lao động phải nâng lên. Mục tiêu đề ra đến hết 2025 có 30% lao động có bằng cấp chứng chỉ, đến năm 2030 con số này là 40 - 45%. Bộ trưởng nhận định đây là chỉ tiêu rất khó song phải quyết liệt thực hiện, tập trung vào việc đào tạo tại doanh nghiệp mới làm được.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao. Chính phủ có chủ trương đào tạo lao động chất lượng cao nhằm tiếp cận và bắt kịp các nước ASEAN và G20, trọng tâm là đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao, làm nền tảng trong đào tạo nghề.
Trung ương đã đồng ý chủ trương lập 80 trường đào tạo chất lượng cao trong nhiệm kỳ này. Thủ tướng cũng đồng ý thiết lập một số trung tâm vùng quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành, có chức năng dẫn dắt và đào tạo nghề trong tương lại, lĩnh vực trọng điểm mà Việt Nam đang thiếu chất lượng cao; phân bố ở 3 khu vực trọng tâm ở 3 miền Bắc, Trung và Nam. Đào tạo nghề cũng thiết kế theo hướng mở, liên thông linh hoạt, bao trùm gắn với học tập suốt đời.
Bộ trưởng đề cập vấn đề hợp tác công tư trong đào tạo nghề; việc này có ý nghĩa quan trọng khi nhà nước xác định con người là trung tâm, là động lực cho phát triển. Bộ trưởng nhấn mạnh, trong 5 năm tới, ngành giáo dục cũng như hệ thống đào tạo nghề phải đạt được bước tiến nổi bật so với hiện tại.
Trả lời câu hỏi về thông tin tình hình lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Tổng cục Thống kê (GSO) đã có các báo cáo quý, ngành Lao động cũng có cập nhập, nhưng thông tin vẫn đi chậm so với thị trường. Thời gian tới, trong chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất phối hợp với GSO công bố các ấn phẩm về việc làm, bản đồ việc làm, dự kiến từ năm 2022. Việc công bố sách trắng lao động, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, ở thời điểm cho phép và có tác động đến thị trường sẽ làm.
Giải pháp nâng tầm lao động
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh về "các chính sách trung tâm và chương trình chuẩn bị lực lượng lao động, chuyển hướng đào tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, chuyển đổi số thời gian tới có thể mất đi một số việc làm nhưng sẽ mở ra cơ hội mới.
Vì vậy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định hướng 5 giải pháp.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng dự báo nhu cầu nhân lực làm cơ sở điều tiết và đào tạo.
Thứ 2, bổ sung, quan sát đánh giá cụ thể về ngành nghề, lĩnh vực cụ thể; thu hút nguồn lực để đào tạo và đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho người lao động.
Thứ 3, rà soát các cơ chế, chính sách trong phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là chính sách thúc đẩy liên kết nhà nước, doanh nghiệp và nhà trường.
Thứ 4, nhấn mạnh kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, ngoại ngữ... thể hiện từ khâu đào tạo bồi dưỡng nhà giáo, phát triển chương trình, tổ chức đào tạo, kiểm tra đánh giá.
Thứ 5, có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, người lao động khi tham gia đào tạo lại, đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng chuyển đổi công việc đáp ứng yêu cầu, trong đó mở rộng đối tượng hỗ trợ gồm người lao động thất nghiệp, nguy cơ thất nghiệp cao từ kinh phí, quỹ hợp pháp, vốn sự nghiệp cho phép./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa: