Ngành Y tế phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình cho biết: Tháng Công nhân năm 2024 với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”; Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề “Tăng cường đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Đặc biệt y tế là ngành đặc thù, đòi hỏi quy định an toàn nghiêm ngặt hơn các ngành khác, vì liên quan đến tính mạng người bệnh, nên Công đoàn Y tế Việt Nam đã chủ động phối hợp với Cục quản lý Môi trường Y tế tổ chức lễ phát động này.
Thông qua các hoạt động tuyên truyền trong lễ phát động, Công đoàn Y tế Việt Nam mong muốn các Công đoàn cơ sở phối hợp với người sử dụng lao động quan tâm, chú ý hơn việc kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024
Đồng thời, tích cực tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, để có kỹ năng làm việc an toàn và tác phong chuyên nghiệp, qua đó cải thiện điều kiện lao động; áp dụng "5S - Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng”, xây dựng cơ sở y tế “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, không khói thuốc”. Đây là những tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ và làm hài lòng người bệnh, cũng như hài lòng đoàn viên người lao động.
Đặc biệt, cán bộ y tế là những người cần có sức khỏe đầu tiên, và cũng là tuyên truyền viên hiệu quả nhất cho người dân chủ động nâng cao sức khỏe. Do đó, trong Tháng hành động về ATVSLĐ năm nay, Công đoàn Y tế Việt Nam kết hợp trao giải thưởng cho các tập thể có nhiều đoàn viên tham gia và cá nhân có thành tích xuất sắc nhất trong Cuộc thi online “Tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm” lần thứ nhất năm 2024.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Phan Văn Anh phát biểu tại buổi lễ.
Cuộc thi đã thu hút được gần 50 ngàn đoàn viên, người lao động ngành Y tế tham gia. Kết quả, có 26 tập thể và 42 cá nhân được giải thưởng của các Công đoàn cơ sở trực thuộc và Công đoàn ngành Y tế các tỉnh, thành phố.
Cũng trong sự kiện này, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tôn vinh 167 người lao động tiêu biểu. Đây là những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa của ngành Y tế năm 2024, những người có nhiều nỗ lực cố gắng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mọi vị trí công việc, được các tập thể suy tôn.
Ngoài hoạt động trong Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ, trong thời gian tới Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ phối hơp chặt chẽ với Bộ Y tế thăm, tặng quà nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Hà Nam; phối hợp tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra, tự kiểm tra tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, các Công đoàn cơ sở cũng đang có nhiều hoạt động sáng tạo hưởng ứng và triển khai Tháng Công nhân như: Lễ kết nạp đoàn viên; tập huấn ATVSLĐ; các hoạt động nâng cao thể lực cho người lao động, tọa đàm...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, đồng chí Phan Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận và biểu dương Công đoàn Y tế Việt Nam đã triển khai chuỗi hoạt động rất ý nghĩa, thiết thực dành cho đoàn viên, người lao động trong ngành nhân Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024. Đồng thời, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng chúc mừng 167 đồng chí là công nhân lao động giỏi ngành Y tế, các tập thể và cá nhân được nhận giải Cuộc thi online “Tìm hiểu kiến thức về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm” lần thứ nhất.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình
Nhằm tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, để đội ngũ công nhân, lao động ngành Y tế có thể cống hiến nhiều hơn nữa, đồng chí Phan Văn Anh yêu cầu Công đoàn Y tế Việt Nam, các cấp Công đoàn ngành Y tế cần quan tâm và thực hiện một số nội dung trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, các cấp Công đoàn ngành Y tế cần chú trọng nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị cho công nhân, viên chức, người lao động ngành Y tế. Công đoàn Y tế Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với Cục quản lý Môi trường Y tế tập huấn ATVSLĐ cho đoàn viên.
Các Công đoàn cơ sở phối hợp với chuyên môn tập huấn quy định, nội quy, quy trình về ATVSLĐ tại các cơ sở y tế, tham gia tích cực các phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, tiếp tục tổ chức các hoạt động nâng cao sức khỏe nơi làm việc,
Đồng thời, mỗi đoàn viên ngành Y tế cần nghiêm túc tuân thủ các quy trình, nội quy an toàn khi lao động; tích cực học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn phối hợp với chuyên môn thường xuyên quan tâm chăm lo lợi ích chính đáng của đoàn viên và thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để thu hút đông đảo người lao động tự nguyện tham gia Công đoàn, luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn.
Tiếp tục phát động và triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công tác như phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”.
Lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo Công đoàn Y tế Việt Nam trao khen thưởng cho các nhân viên y tế giỏi của Ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương: Chăm sóc sức khỏe là một ngành lao động đặc thù, với cường độ cao ở hầu hết các hoạt động trong ngành. Nhân viên y tế phải trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân và trực tiếp tham gia xử lý các vụ dịch bệnh như: Covid-19, dịch SARS,... Bên cạnh những tác hại lây nhiễm, nhân viên y tế phải tiếp xúc với rất nhiều tác hại không lây nhiễm, bao gồm các hóa chất, trong đó có hóa chất dùng để khử khuẩn, những tác hại vật lý như nóng, tiếng ồn, bức xạ ion hóa, siêu âm..., các tác hại đến da và stress.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã luôn ưu tiên cho việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhân viên y tế, người lao động trong toàn ngành. Bộ Y tế phối hợp với Công đoàn Y tế Việt Nam và các bộ,ngành tham mưu, đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời cho các cơ sở y tế, nhân viên y tế để đáp ứng công tác phòng, chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh như mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức y tế dự phòng, y tế cơ sở. Theo đó, mức phụ cấp 100% được áp dụng đối với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng, y tế cơ sở... Mặc dù có nhiều cố gắng và đạt được một số kết quả, nhưng công tác an toàn, vệ sinh lao động trong ngành Y tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Vẫn còn có lãnh đạo một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức, đầy đủ, kịp thời đến công tác an toàn, vệ sinh lao động như thời giờ làm việc, chế độ phụ cấp độc hại nguy hiểm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại… Cùng đó, nguồn lực dành cho công tác an toàn vệ sinh lao động ở các cơ sở y tế công lập còn hạn chế do chưa được tính đầy đủ trong ngân sách chi thường xuyên hoặc trong giá khám bệnh, chữa bệnh.
Tại lễ phát động, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng của các cơ sở y tế tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Kịp thời chỉ đạo nghiên cứu, rà soát chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động để đề xuất hoàn thiện thể chế, chính sách. Xây dựng các quy định, quy trình làm việc theo hướng chú trọng phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại. Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho công tác chăm lo đời sống, sức khỏe cán bộ y tế; cải thiện điều kiện lao động tại đơn vị.
Thảo Lan