Nghĩa Hưng: Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay để giải quyết việc làm
(LĐXH) – Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) đã triển khai nhiều hoạt động người dân vay vốn tín dụng chính sách xã hội để tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Đến ngày 30/6/2021, tổng nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là hơn 529 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Trung ương là 461,5 tỷ đồng, chiếm 87,22%, nguồn vốn huy động là 63,9 tỷ đồng, chiếm 12,08%, nguồn vốn UBND tỉnh và huyện chuyển ủy thác là 3,7 tỷ đồng, chiếm 0,7%. Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt trên 126 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào chương trình cho vay hộ cận nghèo, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, cho vay nhà ở xã hội. Dư nợ tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đạt 523,5 tỷ đồng. Nhiều xã dư nợ cao như Nghĩa Hải 45 tỷ đồng, Phúc Thắng 39 tỷ đồng, Nghĩa Sơn 36 tỷ đồng... Nguồn vốn này đã phát huy hiệu quả, giúp người dân trên địa bàn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập
Những năm trước, xã Nghĩa Tân (Nghĩa Hưng) có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; đa dạng các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Cùng với đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã còn tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn mở rộng sản xuất, trong đó ưu tiên hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận vốn vay. Đến nay, xã có 780 hộ được vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ 69,241 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều gia đình có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như gia đình ông Phạm Văn Sự, xóm 6 đầu tư nuôi trồng thủy sản, trồng rau màu và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô diện tích 3ha cho thu nhập hàng chục triệu/tháng. Hộ ông Nguyễn Văn Năng, xóm 8 mở xưởng chuyên sơn P.U cao cấp đồ gỗ mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động có thu nhập ổn định. Chị Vũ Thị Đông ở xóm 7 từ nguồn vốn vay của các ngân hàng đã vượt qua những khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi. Chị Đông cho biết: năm 2019, dịch tả lợn châu Phi khiến gia đình chị phải tiêu huỷ 11 con lợn, thiệt hại gần 100 triệu đồng. Được Hội Phụ nữ xã hướng dẫn, chị vay 48 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư 3 con lợn nái. Đến nay, đàn lợn của chị đã tăng thêm hàng chục con lợn con, bước đầu tái đàn thành công.
Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề của xã Nghĩa Tân đã tạo chuyển biến tích cực cho công tác giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Đến nay, xã có 2.966 người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/năm xã chỉ còn 14 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội chủ yếu là người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa.
Thời gian qua, xã Nghĩa Thành luôn quan tâm hỗ trợ và khuyến khích người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nhiều việc làm cho người lao động. Hiện tại, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng trên địa bàn xã đạt hơn 20 tỷ đồng với 513 hộ vay; trong đó, dư nợ cho vay uỷ thác qua Hội Phụ nữ là 16 tỷ 970 triệu đồng, qua Hội Cựu chiến binh là 3 tỷ 67 triệu đồng. Thông qua nguồn vốn uỷ thác của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã năm 2020 xuống còn 0,3% (6 hộ).
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng chính sách, xã cũng hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng khác của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Quỹ Tín dụng nhân dân Nghĩa Lâm… Hiện tại, dư nợ của Agribank trên địa bàn xã đạt 36,9 tỷ đồng với 191 hộ còn dư nợ. Dư nợ tại Quỹ Tín dụng nhân dân Nghĩa Lâm là 35 tỷ đồng với 153 hộ còn dư nợ. Ngoài ra, còn 15 tỷ đồng cho vay qua các tổ chức tín dụng khác. Được vốn tín dụng trợ lực, các hộ dân trong xã đã đầu tư phát triển sản xuất thuỷ, hải sản, phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp như may công nghiệp, chạm khắc đá, dệt chiếu… đạt hiệu quả kinh tế cao. Đáng kể như nuôi trồng thủy hải sản cho thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha/năm; thương mại dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh trên toàn xã. Giúp nâng cao đời sống của người dân.
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nghĩa Hưng đã góp phần quan trọng giúp thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế của địa phương./.
Minh Cảnh
Từ khóa:
-
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
13-01-2025 16:33 35
-
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
13-01-2025 13:46 14
-
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
13-01-2025 12:56 46
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
12-12-2024 18:13 43
-
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
31-12-2024 11:23 09