Theo nhận định của các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực trẻ em, nếu các quyền tham gia của trẻ em được thực hiện đầy đủ sẽ làm tăng mức độ tự tin và phát triển lòng tự trọng, xây dựng được hoài bão của trẻ. Các em được làm quen với ý nghĩa của sự dân chủ, bình đẳng và tôn trọng, phát triển khả năng giao tiếp, học cách giải quyết vấn đề và ra quyết định một cách có trách nhiệm, góp phần tạo nên một xã hội dân chủ, công bằng và quan trọng hơn sẽ phát huy được tối đa các tiềm năng của mỗi trẻ em, mỗi công dân.
Các yếu tố để bảo đảm sự tham gia của trẻ em có sự tương tác, bổ trợ cho nhau được xem xét, cụ thể: các em cần có một không gian an toàn, tương tác hai chiều và không có định kiến; được tạo điều kiện để nói lên những quan điểm, ý kiến của mình. Và những quan điểm, ý kiến đó của trẻ em phải được lắng nghe bởi những người có quyền ra quyết định; được áp dụng vào thực tiễn một cách phù hợp. Mặc dù xác định được các yếu tố để đảm bảo quyền tham gia của trẻ, song, trong quá trình tổ chức thực hiện 04 nhóm quyền của trẻ em, quyền tham gia của trẻ vẫn còn một số hạn chế còn hiện hữu từ trong nhận thức cho tới quá trình tổ chức thực hiện tại các địa phương.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Phú Yên, hiện, dân số trẻ em toàn tỉnh tương đối lớn, chiếm hơn 28% tổng dân số nên công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ngày càng được quan tâm và đã dần đi vào chiều sâu với nhiều kết quả tích cực. Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách. Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề trẻ em tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2016-2020.
Đến nay, qua 03 năm thực hiện chương trình, Phú Yên đã triển khai thí điểm 10 Câu lạc bộ Quyền tham gia trẻ em tại 09 huyện, thị xã, thành phố và 01 Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ tại Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên tỉnh. Mỗi câu lạc bộ có sự tham gia của 30 em học sinh. Hàng năm, thành viên câu lạc bộ đều được tham gia tập huấn về phòng chống xâm hại tình dục, kỹ năng tự bảo vệ khi tham gia mạng xã hội cho trẻ em, Luật trẻ em.... Bên cạnh đó, các em còn tự mình tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, tham gia làm các sản phẩm truyền thông với những chủ đề phù hợp với lứa tuổi do chính các em đề xuất. Từ đó, mỗi thành viên lại là một tuyên truyền viên mang những kiến thức, vấn đề được thảo luận chia sẻ cho những bạn học khác xung quanh mình.
Riêng Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ, trong 10 năm qua, đã xuất bản 14 tập san “Tuổi thơ Phú Yên”, thực hiện hàng trăm tin, bài trên Báo Phú Yên, Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên, Đài Tiếng nói Việt Nam, các tạp chí ở Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ còn tổ chức thành công các diễn đàn “Trẻ em nói về quyền trẻ em”, “Phát thanh măng non” và tham gia các hoạt động xã hội từ thiện... Năm 2018 là năm thứ 2 câu lạc bộ Phóng viên nhỏ đứng vào hệ thống Câu lạc bộ Phóng viên nhỏ quốc gia.
Nhằm tạo một môi trường để trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng của trẻ em hoặc để các cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em về những vấn đề có liên quan đến trẻ em, cứ 2 năm/lần, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh, tham gia diễn đàn có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành đoàn thể, phụ huynh học sinh và hơn 300 em học sinh đến từ 09 huyện, thị xã, thành phố. Đây là dịp để các em tham gia các trò chơi, giao lưu văn nghệ, thảo luận nhóm để đưa ra các khuyến nghị, thông điệp, trẻ em tham gia giao lưu với đại diện của lãnh đạo Đảng, chính quyền, Hội đồng nhân dân, các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Và đây cũng là dịp để các cơ quan ban ngành, đoàn thể, gia đình lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.
Ngoài ra, với mục tiêu nâng cao năng lực trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách về bảo đảm quyền tham gia của trẻ em cho các cấp chính quyền, các tổ chức, chú trọng đối tượng cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, giáo viên, cán bộ đoàn, đội. Trong 03 năm triển khai chương trình, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã tổ chức các lớp tập huấn cho hơn 500 đối tượng làm công tác trẻ em.
Các hoạt động được tổ chức không nằm ngoài mục đích giúp trẻ em có thể nói lên tiếng nói, ý kiến của mình với các cơ quan có trách nhiệm. Tuy nhiên đến thời điểm này, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy rằng quan niệm về quyền tham gia của trẻ vẫn chủ yếu mới tập trung vào công tác tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí và những hoạt động đáp ứng quyền cơ bản mà chưa có sự sâu sát ở các lĩnh vực/vấn đề liên quan trực tiếp đến trẻ, đặc biệt là trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách không hề có sự tham vấn nhóm đối tượng này. Do đó, để trẻ em thực sự được phát triển quyền tham gia của mình, người lớn cần tạo cơ hội cho các em có thể thực hiện được nhóm quyền này ở tất cả các hành động và quyết định có ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ trong gia đình, trường học, ở cấp địa phương cũng như cấp quốc gia.
Trần Huyền
-
Đắk Nông kiềm chế, tiến tới đẩy lùi những hiểm họa và hệ lụy do tội phạm ma túy
18-11-2024 22:41 42
-
Long Phước: Ấp Tập Phước đón nhận Khu dân cư nông thôn mới
18-11-2024 11:06 07
-
Tập huấn đạo đức công vụ, quy tắc ứng xử, văn hóa công vụ trong cơ quan
18-11-2024 11:05 28
-
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
15-11-2024 16:26 16
-
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
15-11-2024 16:24 56
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
15-11-2024 16:24 46