Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2016
(LĐXH) - Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Mức phụ cấp đặc thù của một số chức danh tư pháp trong Quân đội; Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50% tiền sử dụng đất cho Nhà nước; Chi phí bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của người mang thai hộ; Đánh giá định kỳ học sinh tiểu học theo 3 mức… sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 11/2016.
Nhiều chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng
Một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/09/2016 kèm theo Quyết định 38/2016/QĐ-TTg.
Trong đó, đáng chú ý là các chính sách về hỗ trợ trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán và khuyến lâm; hỗ trợ đầu tư trồng và quản lý rừng giống, vườn giống; hỗ trợ đầu tư vườn ươm giống… Cụ thể, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trồng rừng trên đất trống, đồi núi trọc được quy hoạch là rừng sản xuất được hỗ trợ 8 triệu đồng/ha nếu trồng các loại cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây đa mục đích, cây bản địa; 5 triệu đồng/ha với các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi) và cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha); riêng với các xã biên giới, các tỉnh Sơn Lai, Lai Châu, Điện Biên và các tỉnh vùng Tây Nguyên được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/ha.
Mức chi hỗ trợ cho công tác khuyến lâm; khảo sát, thiết kế, ký kết hợp đồng trồng rừng và mức hỗ trợ một lần cấp chứng chỉ rừng bền vững cho các doanh nghiệp, cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình lần lượt là 500.000 đồng/ha/4 năm (1 năm trồng và 3 năm chăm sóc); 300.000 đồng/ha và 70% chi phí, tối đa không quá 300.000 đồng/ha quy mô tối thiểu 100 ha trở lên…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/11/2016.
Chi phí bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của người mang thai hộ
Ngày 15/09/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 32/2016/TT-BYT quy định người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có thẻ bảo hiểm y tế khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh sẽ được cơ quan bảo hiểm thanh toán chi phí thực tế để bảo đảm chăm sóc sức khỏe sinh sản của mình trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo quy định; các chi phí còn lại sau khi trừ đi phần chi trả của cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ do bên nhờ mang thai hộ chi trả.
Trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không có thẻ bảo hiểm y tế, các chi phí này sẽ do bên nhờ mang thai hộ chi trả, bao gồm: Chi phí đi lại tới cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế; Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản; Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh; Chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/11/2016.
Đánh giá định kỳ học sinh tiểu học theo 3 mức
Từ 6/11/2016, sẽ đánh giá định kỳ học sinh tiểu học vào giữa học kỳ I, cuối học kỳ I, giữa học kỳ II và cuối năm học theo 3 mức Hoàn thành tốt, Hoàn thành và Chưa hoàn thành thay vì 02 mức như trước; trong đó mức Hoàn thành tốt là thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Hoàn thành là thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Chưa hoàn thành là chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.
Cũng từ ngày 6/11/2016, học sinh lớp 4, 5 sẽ có thêm bài kiểm tra định kỳ môn Tiếng Việt, Toán vào giữa học kì I và giữa học kỳ II. Điểm các bài kiểm tra định kì không dùng để so sánh học sinh này với học sinh khác; nếu kết quả bài kiểm tra cuối học kỳ I và cuối năm học bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả học tập của học sinh.
Trên đây là những nội dung đáng chú ý của Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ ngày 6/11/2016.
Nguyên tắc sàng lọc, chẩn đoán trước sinh
Ngày 21/09/2016, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 34/2016/TT-BYT quy định việc sàng lọc, chẩn đoán và xử trí trước sinh đối với phụ nữ mang thai chỉ được thực hiện tại các cơ sở khám, chữa bệnh có Giấy phép hoạt động, có phạm vi chuyên môn kỹ thuật phù hợp và phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, trừ trường hợp người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Về xử trí trước sinh, Thông tư quy định việc chấm dứt thai kỳ chỉ được xem xét khi có bất thường nghiêm trọng về hình thái, cấu trúc của bào thai, nguy cơ tàn phế cao; có bất thường nhiễm sắc thể; bào thai có bệnh di truyền phân tử do đột biến gen mà không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Việc chấm dứt thai kỳ vì lý do dị tật bào thai sẽ được xem xét khi có sự đồng ý bằng văn bản của người phụ nữ mang thai sau khi đã được cán bộ y tế tư vấn đầy đủ.
Trước khi thực hiện chấm dứt thai kỳ, cơ sở khám, chữa bệnh phải tổ chức hội chẩn các chuyên khoa liên quan; các bác sĩ chuyên khoa tham gia hội chẩn phải có ít nhất 05 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, tim mạch, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm và giải phẫu bệnh lý; có thể thuộc các khoa, phòng của cơ sở khám, chữa bệnh hoặc được mời từ các cơ sở khám, chữa bệnh khác.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/11/2016.
Bán nhà ở xã hội phải nộp từ 50% tiền sử dụng đất cho Nhà nước
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 139/2016/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.
Cụ thể, khi được phép bán lại nhà ở xã hội là căn hộ nhà chung cư, người bán phải nộp cho ngân sách Nhà nước 50% tiền sử dụng đất được phân bổ cho căn hộ đó; 100% tiền sử dụng đất nếu nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề.
Bên cạnh đó, Thông tư cũng có quy định chi tiết về việc miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Theo đó, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quỹ đất để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với toàn bộ diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sử dụng quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị, bao gồm cả phần diện tích đất 20% để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội…
Mức phụ cấp đặc thù của một số chức danh tư pháp trong Quân đội
Ngày 10/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 42/2016/QĐ-TTg sửa đổi khoản 1 Điều 1 Quyết định 72/2007/QĐ-TTg ngày 23/05/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội.
Theo đó, mức phụ cấp 15% được áp dụng đối với Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán thuộc Tòa án quân sự các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên thuộc Thanh tra quốc phòng; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương; Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, Điều tra viên thuộc cơ quan Điều tra hình sự, cơ quan an ninh điều tra các cấp; Chấp hành viên thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân và Bộ Tổng Tham mưu.
Mức phụ cấp 10% được áp dụng đối với Kiểm tra viên thuộc Viện kiểm sát quân sự các cấp; Thẩm tra viên và Thư ký tòa án thuộc Tòa án quân sự các cấp; Thẩm tra viên thi hành án thuộc Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; Thẩm tra viên và Thư ký thi hành án thuộc cơ quan Thi hành án quân khu, quân chủng Hải quân, Bộ Tổng tham mưu.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2016; mức phụ cấp đặc thù nêu trên được tính hưởng kể từ ngày 01/01/2016.
Phải công khai thông tin chương trình mục tiêu quốc gia
Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 41/2016/QĐ-TTg, trong đó, yêu cầu chủ chương trình, cơ quan chủ trì dự án thành phần và các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phải công khai thông tin về chương trình mục tiêu quốc gia theo chức năng, nhiệm vụ theo một hoặc một số hình thức như: Phát hành văn bản đến cơ quan liên quan; Đăng trên Cổng thông tin điện tử của các cơ quan liên quan; Thông báo trên phương tiện đại chúng.
Nội dung công khai thông tin bao gồm: Quyết định đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia trong từng giai đoạn; Tiêu chí, định mức phân bổ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia; Các chỉ tiêu kế hoạch thực hiện chương trình giai đoạn 5 năm và hàng năm ở mỗi cấp; Kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm, các vụ tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức tham gia quản lý, điều hành và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia; Các ý kiến phản hồi từ nhân dân và kết quả xử lý ý kiến phản hồi…
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 25/11/2016.
Quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra các kỳ thi
Nhằm mục đích phòng ngừa, phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm quy chế; giúp cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục làm tốt công tác thi, xét tuyển, xét công nhận tốt nghiệp; kịp thời kiến nghị cơ quan quản lý giáo dục các cấp có biện pháp để đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế…, ngày 13/10/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư 23/2016/TT-BGDĐT quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra các kỳ thi.
Theo Thông tư, thanh tra các kỳ thi được tiến hành theo kế hoạch hoặc đột xuất; trong đó, thanh tra theo kế hoạch được tiến hành theo kế hoạch hàng năm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; giám đốc Đại học Quốc gia…; thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thi, xét tuyển, xét tốt nghiệp, tổ chức thực hiện và đánh giá luận văn, luận án; theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng giao.
Về thời hạn thanh tra, cuộc thanh tra do Hiệu trưởng quyết định tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.
Thông tin này có hiệu lực từ ngày 28/11/2016.
Ngoài ra, còn có quy định về Phân cấp vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; Định mức tiêu hao năng lượng trong ngành công nghiệp thép; Quản lý hoạt động của thủy phi cơ, sân bay chuyên dùng trên mặt nước, bãi cất, hạ cánh trên mặt nước; Cơ chế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc và nuôi dưỡng người bệnh phong, tâm thần tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phong, tâm thần của Nhà nước… cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 11/2016.
PV
Từ khóa:
-
Cụ ông 72 tuổi bị trung tâm mai mối lừa sạch tiền tiết kiệm
14-01-2025 14:37 33
-
Cháy rừng ở California: Chi đậm thuê lính cứu hỏa tư nhân, đại gia bị chỉ trích ích kỷ
14-01-2025 14:37 27
-
Mẹ chồng làm bánh mừng năm mới, con dâu bỏ độc hại cả nhà
14-01-2025 14:37 04
-
Từ vợ chồng hờ mẫu giáo đến hôn lễ thật sau 20 năm
12-01-2025 09:54 27
-
Nhân viên dùng hết thưởng Tết mua 10kg vàng
11-01-2025 14:45 05
-
Kinh tế biến động, người tiêu dùng toàn cầu 'liệu cơm gắp mắm' thế nào?
11-01-2025 08:32 02