Lao động
Ninh Thuận ưu tiên nguồn vốn ưu đãi cho giải quyết việc làm
11:11 AM 07/07/2021
LĐXH - Chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm của Chính phủ được xem là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Thông qua tín dụng chính sách, nhân dân tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự gắn kết trong toàn Đảng, toàn dân.

Ninh Thuận là tỉnh ven biển thuộc vùng duyên hải Nam Trung bộ, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 20,8%, chủ yếu là đồng bào dân tộc Chăm và dân tộc Raglai, còn lại là các dân tộc khác. Xác định tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, thiết thực, hiệu quả và có tính nhân văn sâu sắc, ngày 23/4/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Thuận đã ban hành Chỉ thị số 67-CT/TU để lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân.

Tính đến cuối tháng 3/2020, tổng nguồn vốn của chi nhánh Ngân hàng CSXH Ninh Thuận đạt 2.363 tỷ đồng, tăng so với khi thành lập là 2.283 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH là 68 tỷ đồng, trong đó, ngân sách UBND tỉnh là 55,6 tỷ đồng; Tỉnh Đoàn thanh niên 430 triệu đồng; UBND các huyện, thành phố là 12 tỷ đồng, tăng so với năm 2014 là 48,2 tỷ đồng. Hiện NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đang triển khai 15 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 2.295 tỷ đồng so với từ khi thành lập; doanh số cho vay đạt 6.504 tỷ đồng với 443.361 lượt khách hàng được vay vốn. Mức cho vay bình quân/hộ qua các năm đã tăng lên, từ 3,3 triệu đồng/hộ năm 2003 lên là 35,6 triệu đồng/hộ năm 2020.

Người dân được hỗ trợ vốn và hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả để phát triển sản xuất 

Nguồn vốn tín dụng trong 18 năm qua đã góp phần giúp 59.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút tạo việc làm 167.000 lao động; hơn 70.000 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 68.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; hỗ trợ hơn 8.000 căn nhà ở cho hộ nghèo an cư lạc nghiệp và phòng, tránh bão, lụt; hơn 40.200 lượt hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn được được vay vốn; giúp cho hơn 38.200 hộ ở các xã thuộc vùng khó khăn vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh; 1.820 hộ vay vốn phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi; 500 hộ vay vốn chăn nuôi có tham gia hoạt động bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP; giải quyết cho 149 lượt khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội; trên 200 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; khôi phục và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống các dân tộc, nhất là các làng nghề dệt thổ cẩm, làm gốm của dân tộc Chăm. Nguồn vốn vay ưu tiên cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động và vốn để cho vay GQVL đối với những đối tượng là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp. Trên cơ sở bám sát các định hướng, chủ trương phát triển kinh tế ở từng khu vực địa phương, nhiều lao động sau khi được vay vốn đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng các mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn; phát triển ngành nghề truyền thống… mở ra hướng đi mới trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân từ 1,5% - 2% và giảm từ 14,93% cuối năm 2015 xuống còn 5,33% cuối năm 2020 (-9,6%). Vốn tín dụng ưu đãi đã tập trung hướng vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, huyện nghèo và các xã thuộc vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng dư nợ cho vay tại các xã vùng khó khăn đạt 1.527 tỷ đồng, chiếm 64,8% tổng dư nợ, với 46.487 hộ vay; dư nợ cho vay đồng bào dân tộc thiểu số là đạt 779 tỷ đồng, chiếm 33% tổng dư nợ, với 28.271 hộ vay.

Ngoài trách nhiệm nhận ủy thác cho vay, các cấp hội, đoàn thể ở địa phương của tỉnh Ninh Thuận luôn tích cực hướng dẫn hội viên xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất kinh doanh. Từ đó nhiều hội viên đã năng động, sáng tạo, biết làm giàu chính đáng và trở thành những điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi từ vốn vay. Hầu hết hộ vay có những chuyển biến tích cực về nhận thức, sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đầy đủ. Nhiều hộ dân đã biết cách làm ăn, trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, buôn bán nhỏ phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện đời sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của về đời sống vật chất và tinh thần… góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong điều kiện dịch covid, công tác hỗ trợ người dân có nhu cầu vay vốn chính sách vẫn được đảm bảo kịp thời

Phát huy kết quả đạt được, cấp uỷ các cấp và chính quyền, MTTQ, đoàn thể ở Ninh Thuận sẽ tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, xem đây là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên; qua đó để hoạt động tín dụng chính sách ngày càng có hiệu quả hơn, chất lượng tín dụng ngày một được nâng lên, góp phần thực hiện tốt mục tiêu của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo trật tự, an toàn và an sinh xã hội, đẩy lùi “tín dụng đen” trên địa bàn.

Trần Huyền

 

 

Từ khóa: