Xã hội
Nỗ lực xây dựng một tương lai bền vững, hòa nhập và phát huy vai trò của người khuyết tật trong bối cảnh dịch bệnh và thời kỳ hậu COVID-19
09:33 AM 06/12/2021
(LĐXH)-Khuyết tật là một vấn đề về quyền con người. Người khuyết tật có thể gặp phải rào cản, kỳ thị và phân biệt đối xử khi tiếp cận các dịch vụ và chiến lược liên quan đến y tế, sức khỏe, việc làm, tham gia các dịch vụ giao thông, giáo dục, pháp lý... Tỷ lệ người khuyết tật thường có xu hướng cao hơn ở các nước có thu nhập thấp, khuyết tật và nghèo đói lại là hai vấn đề thường đi cùng nhau. Người khuyết tật có thể bị xâm phạm các quyền, bao gồm các hành vi bạo lực, lạm dụng, thành kiến và không được tôn trọng vì khuyết tật của họ. Vì vậy, người khuyết tật được coi là một ưu tiên trong quá trình phát triển.
Theo nghị quyết 47/3 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, từ năm 1992, Liên hợp quốc lấy ngày 3/12 hàng năm làm Ngày Quốc tế Người khuyết tật, với mục đích thúc đẩy sự hiểu biết về vấn đề khuyết tật và huy động hỗ trợ cho nhân phẩm, quyền và phúc lợi của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội và phát triển, đồng thời nâng cao nhận thức về thực trạng của người khuyết tật trong mọi khía cạnh đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa.
Chủ đề của Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay là “Quyền lãnh đạo và tham gia của người khuyết tật hướng tới một thế giới hậu COVID-19 toàn diện, dễ tiếp cận và bền vững”, trong đó đưa ra những thách thức gia tăng mà người khuyết tật phải đối mặt trong đại dịch COVID-19, đồng thời hướng tới mục tiêu, đảm bảo quyền lãnh đạo và tham gia có ý nghĩa của người khuyết tật trong tương lai, toàn diện hơn, với tiếp cận thuận lợi hơn, và bền vững hơn cho tất cả mọi người, sau khi đại dịch được kiểm soát.
Người khuyết tật tham gia lao động sản xuất
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật 3/12/2021, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ, việc nhận thức được quyền, vai trò lãnh đạo của người khuyết tật sẽ thúc đẩy tương lai chung của chúng ta. Tất cả mọi người, kể cả người khuyết tật cần đóng vai trò trong hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các nước cũng cần xây dựng quan hệ đối tác, giải quyết những bất công và phân biệt đối xử, mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và củng cố thể chế nhằm xây dựng một thế giới hậu COVID-19 bền vững, dễ tiếp cận và toàn diện hơn.
Trong bối cảnh chính phủ các nước và cộng đồng quốc tế đang theo đuổi cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 và vạch ra lộ trình phía trước, thì cần coi trọng vấn đề hòa nhập của người khuyết tật, coi người khuyết tật là trọng tâm của quá trình hoạch định chính sách, phát triển và hệ thống y tế. Các hệ thống y tế mạnh mẽ, hiệu quả sẽ đóng vai trò hỗ trợ đẩy mạnh việc quản lý các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Vấn đề hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ của người khuyết tật ngày càng được quan tâm
Nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật năm nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cam kết hỗ trợ các quốc gia thành viên và các đối tác phát triển thực hiện cam kết không để ai bị bỏ lại phía sau bằng cách nhấn mạnh vai trò của người khuyết tật trong lĩnh vực y tế, trong một phần nỗ lực nhằm chấm dứt đại dịch COVID-19.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm hơn 7% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em; gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng nhưng chỉ có 31,7% trong số này nằm trong lực lượng lao động.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn dành cho NKT sự quan tâm, chăm lo sâu sắc. Năm 2014 Việt Nam đã phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, năm 2019 phê chuẩn Công ước 159 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật. Điều này khẳng định mạnh mẽ hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc đảm bảo người lao động khuyết tật không bị phân biệt đối xử về lao động việc làm, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và Chiến lược Inchoen về hiện thực hóa quyền của người khuyết tật một cách hiệu quả nhất.
Năm 2019 Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật,khẳng định quan điểm, chủ trương, yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, định hướng việc hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền của người khuyết tật. 
Hiện nay, đã có nhiều chính sách về NKT được ban hành mới và điều chỉnh phù hợp với thực tế, ưu tiên bố trí nguồn lực cho việc thực hiện các chính sách, chương trình, đề án trợ giúp NKT. Cụ thể là, trợ giúp pháp lý là một trong những chính sách nổi trội về trợ giúp trong lĩnh vực tư pháp dành cho NKT, trợ giúp y tế, trợ cấp xã hội, trợ giúp xã hội, trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng, trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông, trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế. 
Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch thực hiện Công ước của liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật, Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 39, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành nhiều Chương trình, kế hoạch để hiện thực hóa việc chăm sóc, trợ giúp người khuyết tật.
“Nhân Ngày Quốc tế về Người khuyết tật, chúng ta hãy cam kết xây dựng một tương lai bền vững, hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người, không để ai bị bỏ lại phía sau '' - Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi./.
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: