Phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại Thái Nguyên: Cơ hội giúp trẻ hòa nhập cộng đồng
(LĐXH) Trẻ mắc bệnh tự kỷ không những chậm phát triển về quan hệ xã hội, ngôn ngữ, học hành mà còn có những rối loạn hành vi ảnh hưởng lớn đến cuộc sống tương lai của bản thân và là gánh nặng cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và can thiệp sớm, các em sẽ được trợ giúp ngay từ đầu các kỹ năng ngôn ngữ, xã hội, nhận thức để có thể hòa nhập với cuộc sống.
Tự kỷ là một hội chứng rối loạn phát triển lan tỏa ở trẻ em, được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về khả năng tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và những hoạt động mang tính hạn hẹp, định hình. Trẻ tự kỷ điển hình có thể bị rối loạn nhiều kỹ năng phát triển như: Tự chăm sóc, ngôn ngữ, giao tiếp ứng xử, quan hệ xã hội, hành vi, cảm xúc, trí tuệ…
Hội chứng tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi song thường được phát hiện muộn hơn. Bố mẹ thường khó phát hiện sự bất thường của con mình vì cho đến trước 2 tuổi, sự phát triển của trẻ dường như diễn ra bình thường. Các cháu vẫn có vẻ ngoài dễ thương hiền lành, ăn uống và ngủ tốt, phát triển vận động tốt. Chỉ đến khi đã hơn 2 tuổi mà không chịu nói gì hoặc không nói nữa (nếu trước đó đã bập bẹ vài từ) và có vài ứng xử khác thường so với trẻ cùng tuổi, cha mẹ mới nghi ngờ về sự phát triển của con mình. Tuy nhiên, cũng có nhiều người chỉ cho đó là biểu hiện của cá tính của trẻ hoặc không chấp nhận thực tế con mình có thể mắc bệnh tự kỷ nên kiên quyết không đưa con đi khám.
Cán bộ Trung tâm CTXH tỉnh Thái Nguyên trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ
Theo tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 1/1/2016, ước tính trên toàn thế giới, cứ 160 trẻ thì có 1 trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK). Tuy nhiên, một số nghiên cứu được tiến hành sát sao hơn lại đưa ra con số cao hơn rất nhiều. Ví dụ, theo Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), tại Mỹ cứ 68 trẻ thì có 1 trẻ mắc RLPTK. Hiện chưa có báo cáo về tỷ lệ mắc RLPTK ở nhiều quốc gia có thu nhập ở mức thấp và trung bình.
Theo thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, hiện nay có khoảng 200.000 người có chứng tự kỷ và con số này vẫn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Theo số liệu của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đánh giá sàng lọc đầu vào tại Trường Mầm non 19/5 - TP. Thái Nguyên, có khoảng 10% trẻ có vấn đề rối loạn phát triển, trong đó có trẻ tự kỷ, trẻ chậm phát triển.
Trước thực trạng đó, việc phát hiện sớm trẻ có những dấu hiệu tự kỷ là vô cùng quan trọng. Càng phát hiện sớm trẻ tự kỷ, chúng ta càng có cơ hội can thiệp sớm, bằng cách nâng đỡ, hướng dẫn, chia sẻ, đồng cảm. Phát hiện sớm là sàng lọc phát triển của trẻ theo độ tuổi nhằm phát hiện những trẻ có nguy cơ bị tự kỷ để có biện pháp hỗ trợ và can thiệp kịp thời. Đối tượng phát hiện sớm và can thiệp sớm là từ 0 - 6 tuổi, trong đó giai đoạn để phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác các rối loạn phổ tự kỷ là từ 18 - 36 tháng tuổi.
Can thiệp sớm là một biện pháp giáo dục sớm cho trẻ có khó khăn trong phát triển trí tuệ trước 5 tuổi. Can thiệp sớm trong 5 năm đầu nhằm kích thích và huy động tối đa sự phát triển của trẻ làm giảm nhẹ hay khắc phục những hạn chế của trẻ, giúp trẻ mắc chứng tự kỷ phát triển các kỹ năng xã hội, ngôn ngữ, nhận thức để trẻ có cơ hội học tập và hòa nhập với cộng đồng.
Trẻ tự kỷ cần được đánh giá, hướng dẫn tập luyện bởi đội ngũ nhiều chuyên gia như bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ tâm thần nhi, nhà tâm lý, cán bộ phục hồi chức năng, nhà trị liệu ngôn ngữ, giáo viên giáo dục đặc biệt. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ được hướng dẫn, tư vấn để hỗ trợ trẻ ngay tại gia đình và cần kết hợp chặt chẽ với các nhà chuyên môn để có hiệu quả tốt nhất. Việc can thiệp có thể không dừng lại ở 5 tuổi mà có thể kéo dài tới khi trẻ vào trường phổ thông nếu điều này là cần thiết và có lợi cho trẻ.
Hiện nay, chưa có cách chữa trị hoàn toàn cho trẻ tự kỷ, nhưng việc can thiệp sớm trong những năm đầu đời của trẻ rất quan trọng trong việc phát huy tối đa khả năng phát triển của trẻ. Tại Thái Nguyên hiện nay, việc đánh giá, sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ đã được triển khai ở Văn phòng tham vấn tâm lý và giáo dục - trị liệu của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên bằng nhiều phương pháp can thiệp khác nhau như: Teach (là phương pháp giáo dục hướng dẫn trẻ tự kỷ kỹ năng sống tự lập và hòa nhập khi trưởng thành); Pecs (là hệ thống giao tiếp trao đổi hình); ABA (là ứng dụng phân tích hành vi) âm ngữ trị liệu; Điều hòa giác quan; Tâm vận động; Trị liệu nhóm; Trị liệu cá nhân và âm nhạc.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên đã can thiệp, trị liệu cho 55 trường hợp trẻ chậm phát triển, tự kỷ. Trong đó, thực hiện đánh giá, tư vấn trực tiếp cho 65 trường hợp, tiếp nhận mới 38 trường hợp trẻ chậm phát triển, tự kỷ; Thường xuyên trao đổi thông tin liên lạc với gia đình trẻ nhằm nâng cao chất lượng dạy học, trị liệu cho trẻ. Trường hợp bé N.H.T ở phường Hoàng Văn Thụ, TP. Thái Nguyên là một điển hình. T sinh ra trong một gia đình khó khăn. Mẹ em là người vợ hai của bố, chính bởi vậy mẹ sinh em khi đã nhiều tuổi. Lúc mới sinh, T trắng hồng, vô cùng xinh xắn nhưng đến 2 tuổi, em mới biết đi, hơn 2 tuổi em vẫn chưa biết nói, gia đình vẫn nghĩ lớn lên em sẽ biết nói. Đầu năm học mới, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên thực hiện đánh giá sàng lọc để phát hiện sớm các bé chậm phát triển, tự kỷ và bé T đã được Trung tâm đánh giá là có nguy cơ tự kỷ với các dấu hiệu như: Đi kiễng chân, tay xoay tròn đồ vật, gọi ít đáp ứng, ít giao tiếp mắt, bé không muốn tiếp xúc với người lạ, chưa nói được từ nào và âm vô nghĩa rất nhiều. Sau khi được trung tâm tư vấn, gia đình đã cho bé can thiệp chuyên biệt tại Trung tâm. Nhờ được phát hiện và can thiệp sớm, sau hơn 3 năm can thiệp liên tục, giờ bé T đã có thể đi học hòa nhập ở trường tiểu học cùng các bạn đồng trang lứa.
Cũng giống như bé T, bé N.P.A, ở phường Trưng Vương, TP. Thái Nguyên cũng là một trường hợp có dấu hiệu tự kỷ được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên can thiệp hỗ trợ thành công. Khi A được 21 tháng nhưng bé vẫn chưa nói được từ nào. Khi chơi cùng bố mẹ và người thân, A không tập trung chú ý, gia đình đã tìm đến Trung tâm đề nghị hỗ trợ cho A. Sau khi được đánh giá, A bị chậm phát triển, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch trị liệu cá nhân cho A. Sau một tháng can thiệp, A đã bật ra các âm đầu tiên. Sau ba tháng, A đã nói được các từ đơn và biết ghép câu 2 từ. Gia đình A chia sẻ: Nếu không được Trung tâm phát hiện và can thiệp sớm chắc chắn gia đình sẽ bỏ qua giai đoạn vàng từ 0 – 3 tuổi của con mà đợi đến khi con lớn thì đã muộn. Gia đình thực sự cảm ơn Trung tâm và mong rằng sẽ có nhiều bé được Trung tâm can thiệp sớm để giúp các con phát triển và hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Theo khảo sát của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Thái Nguyên, hiện nay những người có hội chứng tự kỷ nhận được rất ít sự quan tâm giúp đỡ của xã hội và các ngành có liên quan. Dường như họ bị “bỏ lửng” và đang đứng giữa ranh giới rất mong manh. Một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ nếu được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ hiểu hiết, có điều kiện kinh tế sẽ có cơ hội hòa nhập tốt hơn một đứa trẻ sinh ra trong một gia đình cha mẹ thiếu hiểu biết và điều kiện kinh tế khó khăn. Vì vậy, để một đứa trẻ tự kỷ được phát hiện sớm, can thiệp sớm và có cơ hội hòa nhập xã hội thì rất cần sự cảm thông, chia sẻ và chung tay giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu thiếu đi một trong các vai trò ấy thì đứa trẻ mất đi cơ hội được can thiệp sớm trong “giai đoạn vàng”, giúp trẻ tự kỷ tiến bộ và hòa nhập.
Nguyễn Hữu Điệp
Từ khóa:
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21
-
Mang chim thú, cây lạ về nhà, coi chừng phạm pháp
13-01-2025 13:46 10
-
Chương trình Tết đồng bào 2025: Mang Tết sớm đến với đồng bào vùng cao huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng
13-01-2025 12:22 32
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
BHXH TP.HCM không tổ chức làm việc ngoài giời vào sáng 11/1/2024
10-01-2025 19:53 38
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32