Phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật: Phương thức chủ yếu để hiện thực hóa các quyền cơ bản của người khuyết tật
(LĐXH) - Các hoạt động về phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam là hướng đến thực hiện mục tiêu về giáo dục cho mọi người năm 2030, cụ thể là nhằm “hiện thực hóa” quyền của NKT tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Ngày 20/9/2019, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phát triển bền vững giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật ở Việt Nam”. Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình hợp tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Tổ chức UNICEF thuộc Dự án “Học tập cho trẻ em” nhằm đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững giáo dục hòa nhập (GDHN) trong giai đoạn tới ở Việt Nam.
Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học đến từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Ucraine..., các cơ quan nghiên cứu và đào tạo trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt trong cả nước; các cơ sở giáo dục và cung cấp dịch vụ hỗ trợ giáo dục đặc biệt trên toàn quốc; các tổ chức quốc tế và phi chính phủ; các liên hiệp hội, hiệp hội, hội của NKT và vì NKT ở trung ương và địa phương; các trung tâm hỗ trợ phát triển GDHN, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của các địa phương trên toàn quốc.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững GDHN cho người khuyết tật ở Việt Nam” diễn ra trong bối cảnh nước ta đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nhấn mạnh đến: Chất lượng cuộc sống, dân chủ, an sinh toàn cầu, một trường học bền vững chính là trường học đặt trọng tâm trên việc học hỏi từ cộng đồng, trong đó trẻ em, người lớn và cộng đồng giao lưu và học hỏi cùng nhau. Các hoạt động về phát triển bền vững GDHN cho NKT ở Việt Nam là hướng đến thực hiện mục tiêu về giáo dục cho mọi người năm 2030, cụ thể là nhằm “hiện thực hóa” quyền của NKT tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi về phát triển bền vững GDHN cho NKT: Hiệu quả, thách thức, cách tiếp cận, bài học và giải pháp phát triển bền vững trên phương diện quốc tế và Việt Nam, đặc biệt là đưa ra những đề xuất, khuyến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong định hướng xây dựng chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững GDHN cho NKT tại Việt Nam.
Giáo dục hòa nhập là một xu thế thời đại và được thực hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. GDHN được tiến hành với các tiền đề mà theo đó nhà trường sẽ tốt hơn với mọi người nếu nhà trường thu nhận mọi trẻ em trong cộng đồng. Giáo viên sẽ tốt hơn khi họ có trách nhiệm với mọi trẻ em. Đảm đương được trách nhiệm này, giáo viên sẽ trở nên tích cực hơn, sáng tạo hơn và hiểu được nhu cầu của từng trẻ.
Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là nước đầu tiên của Châu Á ký cam kết thực hiện Công ước quốc tế về Quyền trẻ em vào năm 1991. Trên cơ sở đó, các văn bản pháp qui hướng dẫn thực hiện cam kết này đã được Nhà nước ban hành, đặc biệt thời gian gần đây là Luật Người khuyết tật (2010) và hàng loạt các văn bản pháp qui nhằm thực hiện cam kết của Công ước quốc tế về quyền của NKT (được Chính phủ ký vào năm 2007 và Quốc hội phê chuẩn vào tháng 11 năm 2014). Mục tiêu GDHN cho NKT đã được khẳng định trong văn bản mới nhất mà Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành tại Điều 3 của Thông tư 03/2018/TT-BGDĐT ngày 29/1/2018: “1. NKT được phát triển khả năng của bản thân, được hòa nhập và tăng cơ hội đóng góp cho cộng đồng; 2. Đảm bảo quyền học tập bình đẳng, chất lượng và phù hợp với đặc điểm, khả năng của NKT”.
Việt Nam đã thực hiện GDHN từ năm 1991 với các dự án thí điểm tại Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Phúc và Phú Thọ), Thừa Thiên Huế và Tiền Giang. Đến năm 2002, GDHN đã được Nhà nước chính thức coi là phương thức giáo dục chủ yếu để thực hiện các quyền cơ bản của NKT. Thời điểm hiện tại, hầu hết NKT đã được hưởng quyền học tập, đến trường, hòa nhập.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu ở nước ta về GDHN cho NKT ở các cấp, bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các nghiên cứu này tập trung chủ yếu theo các hướng: chiến lược, kỹ thuật đánh giá, can thiệp, chăm sóc, giáo dục và dạy học hòa nhập, làm và sử dụng đồ dùng dạy học cho NKT ở các dạng khác nhau; mô hình dịch vụ và hoạt động của một số cơ sở giáo dục trong hỗ trợ giáo dục NKT; hệ thống chính sách và các điều kiện đảm bảo thực hiện GDHN có chất lượng và hiệu quả.
Nghiên cứu về việc làm thế nào để GDHN cho NKT ở nước ta ngày càng phát triển bền vững, có thể đảm bảo được chất lượng trị liệu, can thiệp, giáo dục và dạy học của NKT là một vấn đề rất cần quan tâm.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00