Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0
(LĐXH)- Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0. Đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội…
Đây là một trong những thông tin được Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 lần thứ 11 theo hình thức trực tuyến được diễn ra vào chiều ngày 28/10/2020.
Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN (ALMM) lần thứ 26 và Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN+3 (ALMM+3) do bà Ida Fauziyah – Bộ trưởng Bộ Nhân lực Indonesia, chủ trì với sự tham dự của các Bộ trưởng phụ trách lao động các nước thành viên, Tổng thư ký ASEAN và đại biểu các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung làm trưởng đoàn Việt Nam.
Chủ động thích ứng tương lai việc làm
Với chủ đề “Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm”, các đại biểu dự Hội nghị Bộ trưởng lao động ASEAN+3 (ALMM+3) lần thứ 11 cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và nêu ý tưởng để nâng cao tính cạnh tranh, sự kiên cường và linh hoạt của người lao động Asean trong việc tận dụng lợi thế của các cơ hội cũng như biết vượt qua những thách thức về việc làm trong tương lai.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng: Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với việc làm và phúc lợi của người lao động trong khu vực thúc giục các thành viên Asean phải hợp tác hiệu quả hơn. Cùng với đó là chuẩn bị cho người lao động trong khu vực có thể trở lại với công việc một cách an toàn.
Ông Lee Jae – Kap, Bộ trưởng Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc, cho biết: Hàn Quốc đánh giá cao chiến lược của ASEAN trong việc xây dựng phát triển lấy con người làm trung tâm. Đặc biệt là chủ đề nói về việc thúc đẩy cạnh tranh chủ động thích ứng trong tương lai việc làm, thì vấn đề đảm bảo cạnh tranh thích ứng được với những yêu cầu mới, những yêu cầu về công nghệ mới rất quan trọng. Như vậy, rõ ràng đây là thời điểm mà các nước ASEAN cần phải hợp tác về mặt chính sách cũng như điều phối. Hàn Quốc hy vọng hội nghị hôm nay sẽ là cơ hội để chia sẻ với chính sách thích ứng và hợp tác trong lĩnh vực lao động việc làm và có thể giúp người lao động có tương lai việc làm tốt đẹp hơn.
Việt Nam cam kết thực hiện các nỗ lực cùng ASEAN
Với vai trò Trưởng đoàn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đánh giá cao chủ đề "Thúc đẩy tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt của người lao động ASEAN trong tương lai việc làm" vì nội dung này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Những nội dung chia sẻ về chủ đề sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng năng lực và sự chuẩn bị sẵn sàng cho nguồn nhân lực ASEAN nhằm giúp họ có thể tiếp tục công việc của mình và ứng phó kịp thời, hiệu quả trước những thay đổi của thế giới công việc.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chiến lược phát triển nhân lực giai đoạn 2021 - 2030 đang được Việt Nam xây dựng với việc tập trung vào Phát triển nhân lực thích ứng với cách mạng 4.0. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược giai đoạn này là “Phát triển nhân lực Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của 4.0 và hội nhập quốc tế, đưa nhân lực Việt Nam thực sự trở thành nền tảng và yếu tố quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước, hội nhập quốc tế và ổn định xã hội, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của nhân lực Việt Nam lên mức tương đương các nước tiên tiến trong khu vực, một số mặt tiếp cận trình độ các nước phát triển trên thế giới.
“Việt Nam cam kết thực hiện các nỗ lực cùng ASEAN nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay, Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh vì sự công bằng và tăng trưởng bao trùm, Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm. Đồng thời, Việt Nam cũng mong muốn sự hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và ASEAN+3 sẽ không ngừng được thúc đẩy hướng tới xây dựng một lực lượng lao động ASEAN mang tính cạnh tranh, chủ động thích ứng và linh hoạt trong tương lai việc” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn ghi nhận các Tuyên bố được thông qua bao gồm: Tuyên bố ASEAN về Phát triển Nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về tương lai việc làm: áp dụng công nghệ hướng tới tăng trưởng toàn diện và bền vững; Tuyên bố ASEAN về thúc đẩy việc làm xanh hướng tới công bằng và tăng trưởng bao trùm, Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư; Tuyên bố Viêng Chăn về chuyển đổi từ việc làm phi chính thức sang việc làm chính thức hướng tới thúc đẩy việc làm thỏa đáng trong ASEAN; Tuyên bố của các Bộ trưởng Lao động ASEAN về thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để các nước thành viên triển khai cụ thể các hoạt động và dự án trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng đã thông qua một số văn kiện để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng đã Hội nghị ALMM lần thứ 27 sẽ được tổ chức tại Phi-líp-pin vào năm 2022.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48