Phát triển thị trường lao động ở Tuyên Quang
(LĐXH)- Để tạo những chuyển biến tích cực trong công tác giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động, thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc quan tâm phát triển thị trường lao động.
Năm 2021, Tuyên Quang thực hiện mục tiêu giải quyết việc làm cho 21.000 lao động. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, kết hợp với tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, đào tạo nghề, kết nối thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp với nhu cầu tìm việc của người lao động để đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Nhằm tập trung nguồn lực thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động, ngày 20/9/2021, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND về việc thực hiện "Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, sử dụng hiệu quả thời gian lao động để nâng cao năng suất lao động; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu lao động góp phần xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo bền vững, giáo dục nghề nghiệp gắn với tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.
Về mục tiêu cụ thể, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ 30% và đến năm 2030 tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 40%; 100% học viên tham gia đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có các kỹ năng công nghệ thông tin.
Tỷ lệ thất nghiệp chung dưới 2%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Năm 2025, tỷ lệ lao động làm việc trong ngành nông nghiệp khoảng 42% và năm 2030 khoảng 35,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 7%/năm
Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không đi học hoặc không được đào tạo dưới 8%. Duy trì tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 7%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 6%.
Năm 2025, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 45% và đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 60%; trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm khoảng 5,5% lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2025 và chiếm khoảng 7,5% vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Tuyên Quang đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó có việc hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại; chức thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động cho các nhóm lao động đặc thù.
Đối với giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tỉnh triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề trước khi đi làm cho sinh viên mới tốt nghiệp; các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho lao động trong quá trình làm việc phù hợp với tính chất đặc thù của từng đối tượng lao động. Khuyến khích doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, thúc đẩy phát triển du lịch - dịch vụ, nông nghiệp thông minh.
Tuyên Quang cũng sẽ phối hợp triển khai giải pháp để số hóa, cập nhật thông tin dữ liệu về người lao động; lưu trữ và quản lý dữ liệu tập trung theo cấp tỉnh, cấp vùng và trung ương; có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội. Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc thu thập, lưu trữ số liệu, phân tích, khai thác và dự báo về cung - cầu lao động phục vụ yêu cầu quản lý, phân tích, chia sẻ, công bố thông tin về thị trường lao động đối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48