Phú Thọ tăng cường bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại
(LĐXH)- Nhằm tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa các vụ việc trẻ em bị xâm hại, đặc biệt là phòng ngừa xâm hại tình dục, bạo lực trẻ em, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này.
Đến nay, trẻ em dưới 16 tuổi ở Phú Thọ chiếm 26,5% dân số toàn tỉnh, trong đó có 2.846 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hưởng chính sách bảo trợ xã hội từ 405.000 – 675.000 đồng/trẻ/tháng; 407 trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được các gia đình nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng; gần 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội.
Qua đánh giá, mặc dù vấn đề xâm hại trẻ em ở Phú Thọ không quá “nóng”, nhưng cũng là vấn đề khá phức tạp và bức xúc dư luận xã hội. Theo thống kê của Sở Lao động - TBXH, chỉ tính riêng năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ trẻ em bị xâm hại, trong đó 5 vụ hiếp dâm, 5 vụ giao cấu và 1 vụ dâm ô với trẻ em. Thực tế cho thấy, 90% vụ xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng có quan hệ quen biết với gia đình nạn nhân, trong khi nạn nhân thường là các cháu nhỏ, không có khả năng tự bảo vệ mình hoặc chưa có ý thức về việc bị xâm hại nên không nói với cha mẹ hoặc bị đe dọa nên đã giấu gia đình. Trong số những vụ xâm hại trẻ em, có bé còn ở lứa tuổi mầm non, ngây thơ, chưa biết cách bảo vệ mình.
Ông Cao Xuân Hòa, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động – TBXH Phú Thọ), trao đổi: Khi bị xâm hại tình dục, đa phần các em đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti, nên không dám chia sẻ với người thân và tố giác kẻ phạm tội. Về phía cha mẹ do ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên thường có tâm lý né tránh tố giác kẻ phạm tội. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng xâm hại trẻ là sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm đã dẫn đến nhiều đối tượng có nhận thức lệch lạc, vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực đạo đức xã hội, phát sinh các hành vi trái thuần phong mỹ tục đáng lên án. Bên cạnh đó, việc cha mẹ mải làm ăn, sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân nảy sinh các hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật… dẫn đến việc trẻ em bỏ học, không có chỗ nương tựa và bị bạo lực, xâm hại.
Để tăng cường công tác phòng tránh xâm hại trẻ em, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao cho Sở Lao động - TBXH chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các đoàn thể, UBND các huyện, thành, thị tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong việc quản lý, giáo dục trẻ em; duy trì, thực hiện tốt hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng đang triển khai tại các huyện, phát huy vai trò ban bảo vệ trẻ em cấp xã và cộng tác viên bảo vệ trẻ em khu dân cư, quản lý, theo dõi nhóm trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, đặc biệt nguy cơ xâm hại tình dục từ đó có biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, thông báo rộng khắp về đường dây tư vấn miễn phí 18001567 để mọi trẻ em, cơ quan, tổ chức liên hệ khi có nhu cầu tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân cho đối tượng trẻ em và tập huấn kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ, người trực tiếp làm việc với trẻ em.
Trước thực trạng nạn xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và để nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại, trách nhiệm trước tiên thuộc về các gia đình. Khi phát hiện con em mình có những dấu hiệu, biểu hiện bị xâm hại tình dục thì cha mẹ phải kịp thời lên tiếng, báo cáo với các cơ quan chức năng nhờ can thiệp, giải quyết. Cha mẹ nên thường xuyên dành thời gian trò chuyện, tâm sự, làm bạn với con cái, tạo cho các con điểm tựa vững chắc về tinh thần sẵn sàng sẻ chia bất kỳ lúc nào. Mỗi gia đình cần trang bị cho mình những kỹ năng về chăm sóc và bảo vệ con cái, chủ động tiếp nhận kiến thức trên sách báo, các hoạt động truyền thông cộng đồng… về bảo vệ trẻ em.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bắc Giang: Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác rà soát hộ nghèo năm 2024
12-09-2024 18:03 02
-
Những chuyến xe nghĩa tình chở thực phẩm LC Foods chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Bắc
12-09-2024 18:02 59
-
Lâm Đồng: Tăng cường phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
19-07-2024 17:31 04
-
AIA trao gói hỗ trợ cho gia đình và trẻ em chịu ảnh hưởng của bão Yagi
11-09-2024 09:32 30
-
Vinamilk và Quỹ sữa năm 2024: Gắn nửa triệu hộp sữa cùng trẻ em khó khăn đến trường
11-09-2024 00:29 58
-
Khẩn trương ứng phó, khắc phục hậu quả của cơn bão số 3
10-09-2024 17:26 22