Lao động
Qò Quao: Tập trung đào tạo nghề giải quyết việc làm cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025
11:24 AM 04/05/2021
(LĐXH) - Quy mô, chất lượng, hình thức và phương pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Gò Quao (Kiên Giang) ngày càng được đổi mới theo hướng gắn với nhu cầu người học, nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp và của nền kinh tế, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện từ 40% năm 2015 lên 50,1% vào năm 2020…
Giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn
Với mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 58,2%, trung bình mỗi năm giới thiệu việc làm cho 2.900 lao động, tổ chức đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động trở lên… Cụ thể trong giai đoạn (2021 – 2025), Gò Quao sẽ tập trung thực hiện tổ chức đào tạo nghề phải gắn với thực hành và nơi sản xuất. Đây cũng chính là yếu tố để đảm bảo tăng tính khả thi, giúp người lao động dễ tiếp cận hơn với việc làm. Đa dạng các ngành, nghề đào tạo cho lao động nông thôn, thời gian đào tạo phải phù hợp với đặc điểm, quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng và phù hợp với nhu cầu của người học; đồng thời huy động các nguồn lực trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn phải được linh hoạt, tổ chức lồng ghép công tác đào tạo nghề giữa các đề án, chương trình do các hội, đoàn thể phụ trách nhằm nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật cho cộng đồng; lồng ghép với các vấn đề về giới, môi trường văn hóa, xã hội, kiến thức kinh doanh linh hoạt phù hợp với đối tượng người học để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực...
Để thực hiện các nhiệm vụ trên được tốt, UBND huyện đã đề ra các giải pháp:
Một là, tập trung tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trọng tâm là các quyết định, đề án của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của cấp trên về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2021-2025, nhằm nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân về công tác đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm. Chú trọng những nghề có cơ chế chuyển đổi phù hợp với thị trường hiện nay, nhằm từng bước chuyển dịch cấu lao động hợp lý, phát huy tốt vai trò của các tổ chức hội đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội khuyến học và các tổ chức xã hội khác...trong việc tạo nguồn cho đào tạo nghề, thông qua lồng ghép trong các buổi sinh hoạt định kỳ.
Hai là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện đề án để có sự chỉ đạo kịp thời. Tuyên truyền cho người lao động nông thôn nắm được các chính sách ưu việt của đề án thông qua các buổi sinh hoạt của các hội đoàn thể. Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông, làm tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho những em học sinh không tiếp tục học trung học phổ thông hoặc trượt đại học, cao đẳng đi học sơ cấp, trung cấp hoặc cao đẳng nghề; giới thiệu về chương trình đào tạo nghề nông thôn để cho các em lựa chọn. Đào tạo các nghề sản xuất công nghiệp và dịch vụ để cung ứng nhu cầu lao động có tay nghề của địa phương cho các cụm công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng; mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp.
Ba là, thực hiện kế hoạch liên kết với các trung tâm, cơ sở dạy nghề khác để đa dạng các lĩnh vực đào tạo. Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện huy động tối đa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, phù hợp với các ngành nghề mới theo nhu cầu học nghề của người lao động. Tuyển chọn, bố trí cán bộ chuyên trách dạy nghề phải đảm bảo về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, dạy nghề. Đổi mới phương pháp dạy nghề thông qua những thực nghiệm cụ thể chủ yếu là dạy thực hành và được thực hiện tại nơi sản xuất. Thời gian đào tạo phải phù hợp với nghề đào tạo, đặc điểm của quy trình sản xuất, quy trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi ở từng vùng, từng địa phương và phù hợp với nhu cầu của người học. Các nghề đào tạo phải đa dạng, cụ thể, theo nhu cầu của người học và thực tiễn sản xuất; từ đào tạo một công đoạn, một kỹ năng nghề nhất định, đến đào tạo cấp văn bằng, chứng chỉ một cách đầy đủ, toàn diện theo quy định.
Bốn là, phòng Lao động- Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các hội, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động nhất là lao động đã qua đào tạo; gắn kết với các công ty, nhà máy trên địa bàn, trong đó ưu tiên cho cụm công nghiệp của huyện; hình thức liên kết hợp đồng đào tạo theo đơn đặt hàng, đảm bảo đào tạo đạt chất lượng theo yêu cầu, đồng thời cung ứng lao động cho các đơn vị sử dụng lao động nhằm giải quyết việc làm qua đào tạo. Tranh thủ với các sở, ngành cấp tỉnh và các ngành chuyên môn cấp huyện về vốn, khoa học kỹ thuật, tìm đầu ra sản phẩm.
NHB
 
Từ khóa: