Xã hội
Quảng Bình: Phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đáp ứng nhu cầu trợ giúp
07:04 PM 28/06/2021
Thời gian qua, công tác chăm sóc, trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) của mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã phần nào đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của gia đình đối tượng và cộng đồng, góp phần quan trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, ổn định trật tự xã hội tại địa phương.

Theo thông tin từ Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Quảng Bình hiện có 5 cơ sở BTXH, trong đó có 3 cơ sở công lập và 2 cơ sở ngoài công lập đang nuôi dưỡng, chữa trị cho 434 đối tượng BTXH, nghiện ma túy, gồm: 270 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 14 người cao tuổi, 107 người khuyết tật, 43 đối tượng cai nghiện. Qua quá trình thực hiện, nhìn chung, các cơ sở BTXH hoạt động tuân thủ quy định pháp luật; đối tượng tiếp nhận vào sống tại các cơ sở BTXH được quan tâm chăm sóc chu đáo, phục hồi chức năng, lao động sản xuất, tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và một số hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng.
Các cơ sở cũng đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống; tư vấn công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình ở cộng đồng; tổ chức cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy.
Tại các Trung tâm BTXH, dịch vụ chăm sóc người tự nguyện đang ngày được chú trọng, mở rộng và hoàn thiện chuyên nghiệp hơn
Theo bà Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm BTXH tỉnh, khó khăn nhất hiện nay là mạng lưới các cơ sở BTXH mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng BTXH thuộc diện đặc biệt khó khăn, không tự lo được cuộc sống; ít cung cấp các loại dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng theo nhu cầu của cá nhân, gia đình; cơ sở vật chất chưa đầy đủ, thiếu trang thiết bị phục hồi chức năng. Cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại từng cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội, thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Một số cơ sở thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với cơ quan phúc lợi xã hội, cơ sở y tế, giáo dục, cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác… 
Hiện nay, dân số đang theo xu hướng già hóa, sự tác động của nền kinh tế thị trường, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa..., do đó, dự báo số lượng các đối tượng thuộc diện BTXH, như: người cao tuổi (đặc biệt là người cao tuổi không có điều kiện tự chăm sóc tại gia đình), người khuyết tật, người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, phụ nữ bị bạo hành, trẻ em bị xâm hại, bạo hành, bị bỏ rơi, đối tượng cần trợ giúp đột xuất do thảm họa, thiên tai... có xu hướng tăng. Đến năm 2030, dự ước trên địa bàn tỉnh có khoảng 90.000 người cần trợ giúp xã hội. Trước tình hình đó, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, toàn tỉnh đề ra mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu trợ giúp của các nhóm đối tượng BTXH và điều kiện kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các cơ sở trợ giúp xã hội tiếp cận với các tỉnh, thành phố phát triển ở khu vực và trong nước, hướng tới phát triển xã hội công bằng, văn minh; đồng thời đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và mở rộng mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội để bảo đảm đến năm 2030 đạt quy mô công suất tiếp nhận đối tượng BTXH của mạng lưới này tăng thêm khoảng 50-70% so với năm 2020. 
Ông Nguyễn Duy, phường Đồng Sơn, TP. Đồng Hới, chia sẻ: "Tôi về nghỉ hưu đã được hơn 20 năm, lương hưu khá cao nhưng nhà neo người quá, nếu các tổ chức bảo trợ có hỗ trợ dịch vụ cho người có nhu cầu tự nguyện, tôi cũng muốn tham gia một thời gian để thay đổi không khí và giảm bớt những công việc hàng ngày mà một người già rất khó khăn để tự phục vụ. Tôi nghĩ, các tổ chức BTXH dịch vụ ra đời sẽ giúp cho những người có hoàn cảnh như tôi có điều kiện được chăm sóc tốt hơn."
 Theo thông tin từ Trung tâm BTXH tỉnh, trong năm 2020, đơn vị đã tiếp nhận vào chăm sóc và nuôi dưỡng 9 đối tượng tự nguyện, trong đó, 7 đối tượng có khả năng tự phục vụ, 2 đối tượng không có khả năng tự phục vụ. Trong năm 2021, trung tâm sẽ tiến hành sửa chữa khu nhà ở dành cho đối tượng tự nguyện; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế phục vụ các nhu cầu thiết yếu của đối tượng như: khám và cấp phát thuốc cho các bệnh thông thường; phục hồi chức năng cho các đối tượng cần phục hồi…
Cùng với những nhu cầu từ thực tế, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh ta sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn; thực hiện nghiêm túc việc thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp giấy chứng nhận thành lập và giấy phép cho các cơ sở trợ giúp xã hội đăng ký thành lập để bảo đảm tất cả các cơ sở trợ giúp đều được thành lập theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng, ban hành hệ thống quy chế, quy định nhằm cụ thể hóa yêu cầu của pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội; thường xuyên kiểm tra, thanh tra hoạt động của các cơ sở để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong hoạt động của cơ sở trợ giúp xã hội; đồng thời duy trì tốt quy định về tiêu chuẩn chăm sóc nhằm bảo đảm quyền cơ bản của đối tượng được trợ giúp. 
Theo đó, các địa phương đổi mới hình thức, cơ chế cung cấp dịch vụ trợ giúp của các đơn vị sự nghiệp công lập; đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ trợ giúp người cao tuổi, người khuyết tật và các nhóm đối tượng có nhu cầu khác theo cơ chế tự nguyện, có trả phí đối với đối tượng có điều kiện chi trả; đồng thời, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động tại cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó ưu tiên đào tạo về chuyên ngành như: y tế, tâm lý học, xã hội học, công tác xã hội để nâng cao chất lượng của hoạt động trợ giúp cho người yếu thế và các nhóm đối tượng có nhu cầu khác theo cơ chế tự nguyện./.
Hiền Phương
 
 
Từ khóa: