Lao động
Quảng Bình: Quan tâm hỗ trợ việc làm cho bộ đội xuất ngũ
08:37 AM 08/10/2021
Hàng năm, có khoảng hơn 1.000 thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình lên đường nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự (NVQS) phục vụ có thời hạn tại các đơn vị quân đội và công an nhân dân, trong đó, TP. Đồng Hới khoảng từ 80-100 thanh niên. Sau khi hoàn thành NVQS trở về địa phương, tùy vào nguyện vọng, BĐXN sẽ có sự lựa chọn nghề nghiệp riêng.
Lực lượng lao động dồi dào
Thượng tá Nguyễn Xuân Khoa, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự (CHQS) TP. Đồng Hới cho biết, về cơ bản đây là lực lượng đã được học tập, rèn luyện nền nếp chính quy, tính kỷ luật và chấp hành kỷ luật từ trong quân đội. Họ lại có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và khả năng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách do đã được luyện tập trong quân ngũ. Hầu hết BĐXN có tuổi đời rất trẻ nên tác phong nhanh nhẹn, dễ thích ứng với nhiều vị trí công việc khác nhau. Những tố chất đó sẽ giúp họ trở thành lực lượng lao động tốt của các đơn vị, doanh nghiệp. Bởi vậy, công tác tư vấn, định hướng, giới thiệu việc làm tốt sẽ tạo nguồn nhân lực chất lượng cao bổ sung thị trường lao động.
Tặng quà cho bộ đội xuất ngũ trở về địa phương
 
Đầu tháng 2-2021, TP. Đồng Hới đón 70 BĐXN hoàn thành NVQS trở về địa phương; trong đó, 4 chiến sỹ được kết nạp Đảng, 16 chiến sỹ được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc hoàn thành NVQS. Ngoài tổ chức gặp mặt, biểu dương, tặng quà, UBND và Ban CHQS thành phố còn phối hợp với các doanh nghiệp, trường dạy nghề tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho BĐXN.
Chủ tịch UBND TP. Đồng Hới Hoàng Ngọc Đan cho biết, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, địa phương phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp để tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho quân nhân ngay sau khi hoàn thành NVQS. Những năm trước, công tác hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho quân nhân hoàn thành NVQS do địa phương tiến hành, nên chưa thu hút được nhiều nhà trường, doanh nghiệp lớn tham gia tuyển dụng.
 
Rút kinh nghiệm, năm nay, UBND thành phố tổ chức mời các trường, gồm: Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình, Trường cao đẳng Nghề Quảng Bình, Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 cùng tham dự. Đây đều là những đơn vị tiêu biểu, uy tín trong lĩnh vực đào tạo nghề được UBND TP. Đồng Hới lựa chọn và đang có nhu cầu tuyển dụng đối tượng là BĐXN.
 
Cụ thể, các trường đã có chương trình tư vấn, như: Đào nghề miễn phí cho BĐXN; giải đáp các chính sách, chế độ liên quan đến pháp luật lao động cho BĐXN; kỹ năng phỏng vấn; hướng nghiệp, học nghề và giới thiệu việc làm; tìm hiểu thông tin về thị trường lao động trong và ngoài nước; tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng mong muốn và nguyện vọng…
 
Qua trao đổi, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Quảng Bình Dương Vũ Nhật Đồng cho rằng, thực tế là lực lượng BĐXN rất phù hợp với những công việc vừa đòi hỏi tay nghề, vừa đáp ứng tính tỉ mỉ, cẩn trọng, an toàn trong lao động. Vì vậy, trong quá trình đào tạo nghề, so với những học viên khác, thì BĐXN chịu khó, có nền nếp, tác phong và chấp hành nội quy rất tốt… Những năm qua, trường đã có nhiều BĐXN được cung cấp thông tin về đào tạo nghề và tham gia học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học, nhiều BĐXN được giới thiệu việc làm và được tuyển dụng vào các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn với thu nhập ổn định…
 
Ưu tiên tạo điều kiện cho bộ đội xuất ngũ
 
Bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, các trường dạy nghề, địa phương trên địa bàn TP. Đồng Hới đã thực hiện tốt việc hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho BĐXN.
 
Xuất thân trong một gia đình khó khăn, anh Nguyễn Phương Nam (SN 2000) ở tổ dân phố 10, phường Nam Lý (TP. Đồng Hới) sau khi tốt ngiệp đại học, mặc dù gia đình còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ để rèn luyện bản thân. Tại Sư đoàn 968, Quân khu 4, Nam phấn đấu tốt và được kết nạp vào Đảng. Đầu năm 2021, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, qua buổi tư vấn, hướng nghiệp do Ban CHQS TP. Đồng Hới phối hợp tổ chức, Nam quyết định tham gia đi làm việc theo hợp đồng ở Nhật Bản. Sau một thời gian ngắn, hiện anh đã làm quen với công việc và gửi được tiền về giúp đỡ gia đình...
 
BĐXN Lê Đức Long (SN 2000), ở tổ dân phố 15, phường Nam Lý chia sẻ: “Thời gian phục vụ trong quân đội giúp tôi rèn luyện, trưởng thành trong sinh hoạt, tư tưởng, nhận thức. Tôi vinh dự được kết nạp Đảng trong thời gian thực hiện NVQS. Khi ra quân, tôi tiếp tục học lái xe tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình và chuẩn bị hành trang cho tương lai. Tôi cảm thấy yên tâm với những dự định sắp tới bởi được trang bị những kiến thức, tư vấn định hướng và giới thiệu cơ hội học nghề, việc làm tại các đơn vị, doanh nghiệp có uy tín…”
 
Ông Nguyễn Tiến Nghĩa, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Nam Lý cho biết, chính quyền địa phương, Ban CHQS phường thường xuyên tư vấn, gặp mặt động viên, giới thiệu việc làm, các trường học nghề… cho BĐXN. Chính sách đào tạo nghề đã tạo cơ hội tốt, là bước đệm hỗ trợ kịp thời cho BĐXN nhanh chóng lựa chọn theo đúng ngành nghề mình yêu thích. Từ đó, đa số BĐXN về địa phương đều “lập thân, lập nghiệp” ổn định.
 
Đã xuất ngũ cách đây hơn 16 năm, anh Đỗ Văn Cương, ở phường Đức Ninh Đông (TP. Đồng Hới) lại lựa chọn cho mình hướng đi khác. Những ngày đầu trở về địa phương, anh Cương tham gia vào lực lượng phường đội. Qua quá trình phấn đấu, anh đã phát huy tốt phẩm chất của người chiến sỹ và thể hiện được năng lực của bản thân. Nhờ vậy, anh luôn được cán bộ và người dân tin tưởng. Hiện, anh là Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường Đức Ninh Đông.
 
Anh Cương cho biết, sau khi xuất ngũ, bản thân anh và nhiều đồng đội khác đều có nhiều lựa chọn cho công việc tương lai. Ngoài tập trung phát triển kinh tế gia đình, BĐXN còn đóng góp cho các phong trào của địa phương…
 
Ông Trương Hồng Song, Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội TP. Đồng Hới cho hay, trong quá trình triển khai công tác dạy nghề cho lao động, thành phố luôn ưu tiên những người thuộc gia đình chính sách, người có công với cách mạng và lực lượng BĐXN… Đặc biệt, một số ngành nghề được BĐXN quan tâm lựa chọn, như: Cơ khí, hàn, lái xe, điện lạnh, pha chế… và đây cũng là những ngành nghề phù hợp với nhu cầu thị trường lao động hiện nay.
 
Tuy nhiên, để BĐXN sau khi học nghề có việc làm ổn định cũng rất cần có sự phối hợp của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo “đầu ra” giúp BĐXN có việc sau khi tốt nghiệp.
 
Ngoài ra, những chính sách đào tạo nghề khác, như: Đẩy mạnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, phát triển một số nghề mới đang có nhu cầu cao cũng cần được quan tâm, chú trọng…
Thùy Lâm
Từ khóa: