Quảng Ngãi có nhu cầu nhưng không tuyển dụng được lao động vì dịch Covid-19
(LĐXH)- Theo báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, từ nay đến cuối năm 2021, có 55 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng 9.203 người. Tuy nhiên, để phòng chống dịch Covid-19, các doanh nghiệp chưa tuyển được lao động.
Tỉnh Quảng Ngãi có dân số trung bình khoảng 1.234.300 người, quy mô lực lượng lao động tham gia hoạt động kinh tế gần 741,2 nghìn người (chiếm 60,05% dân số); trong đó, nữ chiếm khoảng 60%, lao động từ 15 tuổi trở lên tham tham gia hoạt động kinh tế 729.559 người. Từ đầu năm đến hết tháng 8/2021, số người nhận quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp 4.265 người, giảm 566 người so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp phải thay đổi liên tục kế hoạch sản xuất vì nguyên phụ liệu về không đồng bộ, không đảm bảo thời gian, tăng chi phí đầu vào; các hạng mục mua sắm vật tư, thiết bị từ nước ngoài bị ảnh hưởng về tiến độ giao hàng do các Công ty sản xuất hàng hóa thiếu hụt nhân sự; nhiều đơn hàng sản xuất không thể giao đúng tiến độ, bị dời lịch giao hàng do khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa dẫn đến chi phí vận chuyển tăng theo.
Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Foster (Khu công nghiệp Tịnh Phong, Quảng Ngãi)
Bên cạnh đó, những quy định về các biện pháp giãn cách xã hội, hạn chế lưu thông, vận chuyển hàng hóa của các tỉnh, khu vực không thống nhất, gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp hoạt động các lĩnh vực như khách sạn, nhà hàng… dẫn đến lượng khách giảm đáng kể.
Đối với dịch vụ Cảng biển và Logistics cũng thay đổi kế hoạch liên tục nên ảnh hưởng đến sản lượng hàng hóa thông qua Cảng. Cụ thể, sản lượng hàng dăm gỗ xuất khẩu qua Trung Quốc, Nhật Bản bị giảm; trong khi đó hàng hóa nhập qua Cảng chủ yếu là hàng soda, muối cũng giảm vì các Nhà máy vẫn còn tồn kho nhiều nên chưa nhập hàng. Từ đó làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Hiện tại, một số doanh nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn tổ chức duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ chủ động trong công tác phòng chống Covid-19 theo chỉ đạo của các cấp chính quyền như: khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế, tổ chức tiêm vaccine Covid-19; tổ chức làm việc online/kích hoạt cấp độ 3 trong phương án chống dịch “ăn, ở, sinh hoạt và làm việc tập trung tại công ty” nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt và hoàn thành kế hoạch được giao.
Để duy trì sản xuất, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có phương án "3 tại chỗ", nhưng chủ yếu vẫn là doanh nghiệp có nguồn lực. Còn nhiều doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, vừa tập trung chống dịch vừa phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh với năng lực tài chính hạn chế thì gặp rất nhiều khó khăn, phải tạm ngừng hoặc dừng hoạt động.
Theo báo cáo các doanh nghiệp trên địa bàn thì lĩnh vực đã, đang và sẽ bị ảnh nặng nề nhất do đại dịch Covid-19 là các ngành công nghiệp chế biến, ngành vận tải kho bãi và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống… Ngoài ra, do các tỉnh phía Nam và một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên phải áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 trong một thời gian dài, khiến sản lượng xăng dầu tiêu thụ giảm mạnh. Đây là những thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất trong nước, chiếm 60 - 70%. Điển hình như Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị cung cấp sản phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố nêu trên…
Hiện nay, thực tế nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp ở Quảng Ngãi là rất lớn. Tuy nhiên để phòng chống dịch Covid-19, nên các doanh nghiệp chưa tuyển được lao động. Theo báo cáo của các doanh nghiệp trên địa bàn Khu Kinh tế Dung Quất và các Khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, từ nay đến cuối năm 2021, có 55 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng 9.203 người.
90% hợp tác xã bị giảm doanh thu
Tính đến 30/6/2021, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 271 hợp tác xã (trong đó, có 14 hợp tác xã thành lập mới), số lượng thành viên và lao động là 305.729 người. Trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, các hợp tác xã trên trong tỉnh vốn đã khó khăn từ những đợt dịch trước chưa kịp phục hồi, nay càng khó khăn hơn.
Một số hợp tác xã bị thiệt hại do tác động của dịch bệnh nhưng sử dụng nguồn dự phòng để tự trang trải, chăm lo đời sống cho các thành viên, người lao động. Ước tính có tới 90% hợp tác xã bị giảm doanh thu, lợi nhuận sụt giảm, thu nhập của người lao động và thành viên gặp nhiều khó khăn.
Trao quà cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở Quảng Ngãi
Ở Quảng Ngãi, các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải là đối tượng bị thiệt hại rõ nét nhất, doanh thu bị giảm từ 50% đến 90%. Các hoạt động vận tải gần như tạm dừng, hoặc hoạt động rất cầm chừng. Tuyến xe khách cố định Quảng Ngãi – Đà Nẵng đã tạm dừng hoàn toàn, dẫn đến đội ngũ lái xe, nhân viên không có thu nhập. Các loại xe chạy hợp đồng, xe du lịch,xe tải chở hàng chỉ hoạt động dưới 30%.
Tiêu biểu như Hợp tác xã Xếp dỡ xây dựng và dịch vụ Dung Quất đang gặp phải những khó khăn như: lĩnh vực xếp dỡ hàng hóa tại cảng Dung Quất; xây dựng bảo trì bảo dưỡng tại nhà máy lọc dầu; gia công cơ khí các công trình tại khu kinh tế Dung Quất, giảm xuống từ 35% đến 45% doanh thu, khối lượng công việc giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2020. Việc làm và thu nhập cho người lao động giảm xuống, giảm bớt số lao động do hết việc, thực hiện tạm ngừng việc, điều tiết luân phiên nghỉ việc, làm việc giữa các nhóm, tổ đội sản xuất…
Cũng theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi, lực lượng lao động phi chính thức (lao động tự do, lao động không có giao kết hợp đồng lao động) là đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19. Ước số lao động bị ảnh hưởng là 11.041 người/tổng số 82.348 lao động phi chính thức tại địa phương. Ngoài ra, Quảng Ngãi cũng có nhiều người lao động trở về từ một số tỉnh, thành phố giãn cách xã hội, phong tỏa với khoảng 13.650 người, trong đó số lao động có nhu cầu tìm việc làm là 5.419 người.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động, Quảng Ngãi đề nghị cần có chính sách đồng bộ hỗ trợ vận chuyển để đảm bảo chuỗi cung ứng liên tục trong quá trình thực hiện vừa sản xuất, vừa chống dịch của các doanh nghiệp; có chính sách miễn, giảm thuế xem xét khấu trừ cho doanh nghiệp các khoản chi phí đóng góp trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các khoản nộp ngân sách để duy trì sản xuất… Đồng thời, hỗ trợ kịp thời việc tiêm vắc xin cho người lao động và người thân lao động để họ yên tâm lao động sản xuất, ổn định đời sống.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48