Giáo dục - Nghề nghiệp
Quảng Ninh: Gắn kết doanh nghiệp và nhà trường để nâng cao hiệu quả đào tạo nghề
10:59 AM 02/10/2021
(LĐXH) – Những năm qua, công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã từng bước chuyển đổi theo hướng tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm. Các cơ sở GDNN đã tập trung đào tạo các nhóm nghề có khả năng cạnh tranh cao; lao động được đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN của tỉnh cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN; trong đó có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác nhau. Thời gian qua, các cơ sở GDNN đã chủ động đa dạng hình thức, phương pháp đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các trình độ. Mở rộng hình thức dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đặt hàng với doanh nghiệp. Chủ động trong liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong việc tạo điều kiện cho người học nghề được tham gia thực tập tại các xưởng sản xuất để họ có cơ hội được tiếp cận với công nghệ sản xuất tiên tiến, ứng dụng kiến thức được trang bị trong nhà trường vào thực tiễn làm việc tại các doanh nghiệp.
Một giờ học thực hành tại Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó nâng cao chất lượng nguồn lao động trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các cơ sở GDNN không ngừng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên. Đến nay, các cơ sở này có gần 1.700 giáo viên cơ hữu và tham gia đào tạo nghề nghiệp. Trong đó, số giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn đạt từ 78% trở lên, tùy theo khối các trường.
Các cấp, ngành của tỉnh cũng luôn quan tâm đến việc thu hút học sinh, sinh viên theo học tại các cơ sở GDNN trên địa bàn cũng như giải pháp nâng cao chất lượng cho các cơ sở GDNN. Các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương phối hợp giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu kinh tế, các địa phương và các cơ sở GDNN tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về nhu cầu nguồn nhân lực, nhằm đưa ra kế hoạch đào tạo đối với các cơ sở GDNN đảm bảo phù hợp với thị trường lao động của tỉnh.
Về phía các doanh nghiệp cũng tích cực hỗ trợ các cơ sở GDNN trong vấn đề đào tạo nghề, như: Tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên các trường đến thực tập tại doanh nghiệp; phối hợp cùng tham gia tư vấn, tuyển chọn nhân lực; phối hợp xây dựng chương trình đào tạo nghề; cùng tham gia đào tạo nghề... Một số doanh nghiệp còn hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với các cơ sở GDNN, cung cấp thông tin tuyển dụng ngắn hạn đối với các trường, trung tâm dịch vụ việc làm.
Công tác phối hợp với nhà trường bước đầu giúp nhiều doanh nghiệp giải quyết bài toán về tuyển dụng lao động hiện nay, nhất là tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực về cơ khí, kỹ thuật, công nghệ... Chất lượng đào tạo của các cơ sở GDNN về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN ngày càng được nâng cao đã góp phần vào chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh năm 2020 đạt khoảng 85%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45,5%.
Có thể thấy, việc liên kết đào tạo giữa các cơ sở GDNN với doanh nghiệp là một yêu cầu tất yếu khách quan, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp cần nguồn lao động có chất lượng cao như hiện nay. Trong thời gian tới, để cung ứng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, theo Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Ninh: Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của xã hội, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc phát triển GDNN và nhân lực có kỹ năng nghề. Các cơ sở GDNN và doanh nghiệp cần phối hợp, liên kết trong việc xây dựng chương trình đào tạo; đào tạo cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; liên kết trong việc sử dụng thiết bị đào tạo, hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề… tham gia giảng dạy tại trường hoặc hướng dẫn học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp trên địa bản tỉnh nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Minh Hưng
Từ khóa: