Theo đó, sáng 7/11, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý ngoại thương. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý ngoại thương.
Ảnh minh họaBuổi chiều cùng ngày,
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Du lịch (sửa đổi).Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Du lịch (sửa đổi).
Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Đặc biệt, theo chương trình, trong phiên họp toàn thể tại hội trường vào chiều 7/11, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017.
Về dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), sau 10 năm được ban hành và thực thi, Luật Chuyển giao công nghệ đã góp phần tích cực thúc đẩy hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ ở nước ta; ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào sản xuất; từng bước góp phần cải thiện trình độ, năng lực công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Tuy nhiên, trước những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Luật đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ là cần thiết và cấp bách nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, thu hút công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, đẩy mạnh thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đồng thời, thể chế hóa kịp thời các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được xây dựng gồm 7 chương, 62 điều, trong đó sửa đổi 30/61 điều, bổ sung 2 điều mới và bỏ 01 điều, tập trung vào một số vấn đề như: phát triển thị trường khoa học và công nghệ; thương mại hóa công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ; cơ chế phối hợp và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc thúc đẩy hoạt động chuyển giao, thương mại hóa, ứng dụng và đổi mới công nghệ...
Về dự án Luật Quản lý ngoại thương, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện chính sách quản lý nhà nước về thương mại, đặc biệt là thương mại quốc tế để tận dụng tối đa cơ hội hội nhập, đồng thời hạn chế những bất lợi về vị thế và năng lực cạnh tranh. Thời gian qua, hoạt động ngoại thương diễn ra sôi động và có những đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã chặt chẽ, thông suốt, minh bạch và hiệu quả, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện. Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra. Vì vậy, việc sớm ban hành một đạo luật riêng về quản lý ngoại thương là cần thiết. Dự thảo Luật Quản lý ngoại thương được xây dựng và trình Quốc hội lần này gồm 8 chương, 115 điều.
Về dự án Luật Du lịch (sửa đổi), Luật Du lịch được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005. Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Du lịch, ngành du lịch đã có bước chuyển biến quan trọng, có sự phát triển mạnh mẽ về quy mô cũng như chất lượng, hướng đến trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn.
Tuy nhiên, hiện có nhiều vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn khiến cho Luật Du lịch hiện hành bộc lộ những hạn chế, bất cập. Do đó, việc sửa đổi Luật Du lịch là nhu cầu tất yếu và cấp thiết nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đồng thời tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước.
Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến gồm 10 chương, 79 điều (bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều).
Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ ban hành năm 2011, được sửa đổi, bổ sung năm 2013 đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định.
Vì vậy, nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập và tăng cường công tác quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới thì việc nâng cấp Pháp lệnh lên thành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là cần thiết.
Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được xây dựng gồm 8 chương, 75 điều, quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển KT-XH và vũ khí hạng nặng thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng.
Theo TTĐT Chính phủ