Sơn La: Chú trọng tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh
(LĐXH) - Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác định hướng, phân luồng học sinh, tăng tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề.
Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Kế hoạch số 1299/KH-UBND ngày 28/5/2019 về thực hiện Đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025"; chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Đề án nhằm tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, quốc gia tiến tới hội nhập khu vực và quốc tế.

Các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh cũng xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án và phối kết hợp triển khai các nhiệm vụ theo chuyên môn. Trong đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao năng lực nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong các trường trung học; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp; huy động nguồn lực xã hội tham gia giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng học sinh phổ thông.
Những năm qua, tỉnh đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mở rộng quy mô tuyển sinh và củng cố, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Hiện nay, toàn tỉnh có 03 trường cao đẳng và 06 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, thuộc các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe; nông, lâm nghiệp; nội vụ; công tác xã hội; văn hóa; du lịch; nghệ thuật; xây dựng; cơ khí; ô tô; điện dân dụng... . Các trường cơ bản được đầu tư cơ sở vật chất; quy mô, cơ cấu ngành nghề mở rộng; chú trọng việc dạy nghề, góp phần nâng số lao động đã qua đào tạo ngày càng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng dân số độ tuổi lao động của tỉnh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh có trình độ chuyên môn đáp ứng được với công tác dạy nghề. Tổng số đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh là 435 người trong đó: Trên Đại học 284; đại học 140; các trình độ còn lại 11.
Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kịp thời triển khai, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện các chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, trong đó có chính sách học phí, học bổng cho người học nhằm khuyến khích và thu hút học sinh tham gia học nghề.
Dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể, các trường phổ thông tuyên truyền, đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT đi học nghề.

Trường Cao đẳng Sơn La là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Sơn La và các địa phương lân cận. Nhiều năm nay, Nhà trường luôn có số lượng học sinh theo học ổn định. Để có được điều đó, Nhà trường đã tập trung công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh với nhiều cách thức tuyên truyền, vận động hiệu quả, giúp cho nhiều học sinh THCS, THPT thay đổi tư duy và lựa chọn học nghề. Năm học 2023 - 2024, nhà trường đã tuyển sinh trên 1.300 học sinh, sinh viên. . Cùng với nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo nghề, Nhà trường còn ký kết hợp đồng với doanh nghiệp cho học sinh thực hành, thực tập, làm việc sau khi tốt nghiệp. Kết quả khảo sát cho thấy, trên 92% sinh viên tốt nghiệp ra trường đã có việc làm, trong đó, 80,8% sinh viên tốt nghiệp 6 tháng có việc làm phù hợp với ngành hoặc nghề đào tạo; 100% sinh viên sau khi tốt nghiệp có kỹ năng cơ bản để áp dụng kiến thức được học vào phát triển các mô hình kinh tế và sử dụng hiệu quả năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường, đặc biệt là khối ngành trồng trọt, chăn nuôi.
Nhờ làm tốt công tác tư vấn hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT đi học nghề, những năm qua, Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La luôn tuyển đủ chỉ tiêu đề ra. Hàng năm, Trường đào tạo 800 - 1.000 học viên hệ cao đẳng, trung cấp và 1.200 học viên hệ sơ cấp. Ngoài ra, tuyển sinh, đào tạo và phối hợp với Sở Giao thông Vận tải sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A1 tại các huyện từ 1.000 - 1.500 học viên/năm. Quá trình đào tạo, trường thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp tạo điều kiện cho học viên thực tập nâng cao và hoàn thiện kỹ năng nghề. Sau khi tốt nghiệp, tỷ lệ học viên có việc làm ổn định, như nghề công nghệ ô tô, hàn, xây dựng và điện công nghiệp đạt 80-85%; công nghệ thông tin đạt 50-55%, thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng.
Nhờ sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, các trường phổ thông, cơ sở GDNN, công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có những chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2016 – 2020, đã tuyển sinh và đào tạo được 4.508 học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh. Từ năm 2021 đến tháng 3/2023, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Trường Đại học Tây Bắc trên địa bàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo 40.514 lao động thuộc các cấp trình độ, trong đó: Đại học 2.708; Cao đẳng 1.353; trung cấp 4.522; Sơ cấp và đào tạo thường xuyên 19.822; tập huấn và chuyển giao công nghệ 12.109. Tính đến hết tháng 10/2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,32%, trong đó số lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 25,7%. Ước đến hết năm 2023, tỷ lệ qua đào tạo đạt 61%; tỷ lệ lao động đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ là 26%./.
Minh Hiền
Từ khóa:
định hướng phân luồng
-
Trường ĐH Y Dược, ĐH Quốc gia Hà Nội công bố quyết định thành lập các đơn vị trực thuộc và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo, quản lý
25-02-2025 08:45 32 -
Yêu cầu phụ huynh cho phép đánh con, một trường học Trung Quốc bị chỉ trích
24-02-2025 15:52 33 -
Phát triển hệ thống trang thiết bị để nâng cao chất lượng đào tạo kỹ năng nghề Cơ điện tử trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp
22-02-2025 09:52 33
-
Gần 30 địa phương công bố môn thi thứ 3 vào lớp 10
13-02-2025 15:51 40 -
Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tạo động lực phát triển bền vững đất nước
12-02-2025 15:04 19 -
Yên Bái đào tạo trên 4.000 lao động nông thôn trong năm 2025
12-02-2025 14:37 23
- Ký kết hợp tác toàn diện giữa Trường Cao đẳng Quảng Nam và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng
- Trường Cao đẳng Quảng Nam: Tổ chức Tết trồng cây và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Bài Chòi
- Trường Cao đẳng Quảng Nam: Mục tiêu cụ thể, kế hoạch rõ ràng, giải pháp tối ưu… hướng đến sự phát triển bền vững