Sơn La: Tăng cường kết nối việc làm, phục hồi thị trường lao động
(LĐXH) - Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian gần đây, hàng chục nghìn lao động của tỉnh Sơn La từ các khu công nghiệp trong nước đã, đang trở về địa phương; nhiều người trong số này về từ các tỉnh phía Nam.
Tính đến cuối tháng 10/2021, tổng số lao động đi làm việc ngoài tỉnh là 115.989 người, trong đó số lao động ở lại tiếp tục làm việc tại các tỉnh, thành phố là 63.302 người, số đã trở về địa phương là 52.687 người. Để người lao động có cuộc sống ổn định trước mắt và lâu dài, các địa phương trong tỉnh đang tính nhiều phương án để giải bài toán về giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho người lao động.
Đẩy mạnh các hoạt động vay vốn, hỗ trợ người lao động
Trước thực trạng phần lớn người lao động trên địa bàn đang làm việc tại các tỉnh trọng điểm phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP. Hồ Chí Minh… còn gặp khó khăn vì chưa thể trở về địa phương, UBND tỉnh Sơn la đã phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan đã lên kế hoạch vận hành dịch vụ công hỗ trợ trực tuyến cho các đối tượng này qua hình thức chuyển khoản hoặc thông qua gia đình và có giấy ký cam kết. Tính đến 22/10/2021, toàn tỉnh có 4.932 lao động, bao gồm: 636 người ở Đồng Nai, 3.772 người ở Bình Dương, 497 người tại TP. Hồ Chí Minh, 27 người tại Long An. Qua rà soát, Sơn La đã thực hiện hỗ trợ 845 lượt đối tượng, với số tiền 468,5 triệu từ nguồn kinh phí vận động ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19.
Mô hình nho Hạ Đen tại bản Mé, xã Mường Bon (Mai Sơn).
Cùng với đó, tỉnh còn tổ chức đón và bàn giao 214 công dân từ các tỉnh, thành phố phía Nam trở về các huyện, thành phố đảm bảo an tàn tuyệt đối. Cùng với đó, tổng hợp danh sách công dân các tỉnh Điện Biên, Lai Châu qua điểm chốt rừng già xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ đểt thông tin cho các địa phương này cùng phối hợp hỗ trợ công dân. Tính từ 31/8-15/10/2021, tổng số công dân tỉnh Điện Biên qua chốt thuộc địa phận 2 tỉnh là 2.297 người; Lai Châu là 136 người.
Trong bối cảnh dịch bệnh đang từng bước được kiểm soát, Chính phủ cũng đã ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, ngoài phối hợp với các địa phương hướng dẫn người lao động tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt để ổn định đời sống, hiện ngành Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Sơn La cũng đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, đặc biệt là Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tăng cường kết nối cung - cầu lao động với các công ty, doanh nghiệp ngoài tỉnh để người lao động địa phương có việc làm, tăng thu nhập.
Theo đó, các hoạt động tư vấn việc làm, học nghề, thông tin thị trường lao động, xuất khẩu lao động tiếp tục được tỉnh quan tâm đẩy mạnh. Tính đến hết tháng 10, Sơn La đã tư vấn cho 9.538 lượt người, trong đó, tổ chức 37 hội nghị tư vấn việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động với sự tham gia của 3.671 lượt người; tư vấn trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm cho 2.205 lượt người; tư vấn qua điện thoại, Website, Facebook cho 3.662 lượt người; kết nối việc làm thành công cho 1.318 lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp trong nước. Trung tâm DVVL cũng đăng thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp lên Website và Fanpape Facebook cho 185 doanh nghiệp và 332 hồ sơ tìm việc, qua đó, thu hút 73.444 lượt người truy cập Website và 62.777 lượt người tiếp cận trang Facebook dịch vụ việc làm của Trung tâm
Song song đó, tỉnh cũng tăng cường các hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm. Từ đầu năm đến nay, doanh số cho vay toàn tỉnh đạt 76.198 triệu đồng với 1.565 dự án, góp phần tạo việc làm cho 1.716 lao động. Trong đó, vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là 15.043 triệu đồng với 325 dự án, tạo việc làm cho 354 lao động; vốn vay huy động từ Ngân hàng CSXH là 21.406 triệu đồng với 432 dự án, tạo việc làm cho 481 lao động; nguồn vốn ủy thác địa phươnglà 39.749 triệu đồng với 808 dự án, tạo việc làm cho 881 lao động. Trong 10 tháng qua, Sơn La cũng đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 16.520 người, đạt 82,6% chỉ tiêu giao năm 2021.
Phát huy hiệu quả chính sách bảo hiểm thất nghiệp
Trong bối cảnh thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, chính sách BHTN đã và đang phát huy hiệu quả to lớn, giúp người lao động có nguồn tài chính vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống; đồng thời giúp người sử dụng lao động không bị áp lực về tài chính vì không phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Thời gian qua, việc triển khai thực hiện các chính sách về BHTN trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm. Theo thống kê, số lao động mất việc làm trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2021 đến nay có chiều hướng tăng, nhất là sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Cụ thể, Trung tâm DVVL đã tiếp nhận trên 3.136 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số doanh nghiệp trên địa bàn ngừng sản xuất, kéo theo hệ lụy người lao động bị mất việc làm, không có thu nhập, dẫn đến cuộc sống gặp không ít khó khăn.
Ông Vũ Quang Khải, Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Sơn La cho biết, người lao động khi đến làm các thủ tục liên quan đến hồ sơ thất nghiệp thường nhanh gọn. Theo đó, người lao động chỉ cần mang sổ bảo hiểm, quyết định thôi việc, bản phô tô hợp đồng lao động nộp tại Trung tâm, từ đây, đơn vị sẽ trình Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh ký, sau đó chuyển toàn bộ hồ sơ sang Bảo hiểm xã hội tỉnh Sơn La để chi trả. Đến nay, đơn vị đã giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 2.995 với tổng số tiền chi trả hơn 46,5 tỷ đồng.
Ngoài ra, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, được thực hiện xuyên suốt trong quá trình người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp như: Tư vấn ban đầu trước khi lao động làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn khi lao động đến nhận kết quả hưởng trợ cấp thất nghiệp; tư vấn mỗi lần lao động đến thông báo tình trạng việc làm mỗi tháng. Tất cả những người thất nghiệp có nguyện vọng học nghề đều được hỗ trợ học nghề theo đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh theo quý, năm để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động. Ngoài ra, tổ chức tư vấn thông tin thị trường lao động, dạy nghề giới thiệu việc làm cho người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Đồng thời, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ có nghiệp vụ chuyên sâu để triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ viên chức đối với lao động bị thất nghiệp khi tham gia hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyên truyền chính sách Bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh theo quý, năm để nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, người lao động. Ngoài ra, tổ chức tư vấn thông tin thị trường lao động, dạy nghề giới thiệu việc làm cho người lao động sớm trở lại thị trường lao động. Đồng thời, nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ có nghiệp vụ chuyên sâu để triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ viên chức đối với lao động bị thất nghiệp khi tham gia hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, ngày 01/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh các hoạt động chi hỗ trợ nhằm giúp NLĐ sớm nhận được hỗ trợ. Tính đến ngày 10/11/2021, BHXH tỉnh Sơn La đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của 1.278 đơn vị với 19.286 lao động, đã giải quyết và chi trả cho 20.867 người với số tiền hỗ trợ gần 52.650 triệu đồng. Trong quá trình giải quyết chính sách, BHXH tỉnh Sơn La cũng ghi nhận tổng cộng 94 trường hợp NLĐ thuộc hai đơn vị tự nguyện không nhận hỗ trợ. Ngoài ra, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Sơn La còn làm cầu nối tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong thời gian tới, Sơn La xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư các nhà máy chế biến lớn… để tạo việc làm và thu nhập cao cho người dân. Bên cạnh đó, tỉnh nhân rộng các mô hình hiệu quả để người dân ổn định đời sống, sản xuất trên chính quê hương của mình, bởi như vậy sẽ hạn chế được các rủi ro về thu nhập, việc làm do tác động của các yếu tố bên ngoài, như dịch COVID-19 hiện nay.
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam - Phần Lan
13-01-2025 16:33 35
-
Kiếm hàng nghìn USD nhờ bán video cho các công ty AI
13-01-2025 13:46 14
-
Ký kết hợp tác về dịch chuyển chuyên gia, lao động có kỹ năng nghề giữa Việt Nam và Phần Lan
13-01-2025 12:56 46
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Phân tích các biến số vĩ mô và vi mô, chỉ ra cơ hội đầu tư tiềm năng trong thời gian tới
12-12-2024 18:13 43
-
TP.HCM tăng cường kết nối cung – cầu giải quyết việc làm cho người lao động
31-12-2024 11:23 09