Lao động
Tăng cường các biện pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
10:02 AM 09/06/2021
(LĐXH)- Theo Nghị quyết 28 của Ban Chấp hành Trung ương thì tiến tới năm 2021 mở rộng đối tượng bảo hiểm thất nghiệp đạt 28% lực lượng lao động trong độ tuổi, đến năm 2025 đạt 35% và đến năm 2030 đạt 40%.
Còn số lượng lớn người lao động chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Thông tin từ Cục Việc làm (Bộ LĐTB&XH) cho biết, tính đến hết năm 2019, đã có khoảng 13,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt tỷ lệ 27,5%, tiệm cận được chỉ tiêu của năm 2021. Tuy nhiên, theo báo cáo về tình hình lao động của các địa phương, số người đang trong quan hệ lao động khoảng hơn 20 triệu người. Như vậy, số lao động tham gia hiện nay là chưa đầy đủ. Để phát triển, mở rộng được số đối tượng này trước tiên cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thực hiện việc đóng đúng, đóng đủ đối tượng.
Về lâu dài, cần sửa đổi quy định về mở rộng đối tượng, như mở rộng đối tượng là lao động có giao kết hợp đồng theo mùa vụ, từ đủ 01 tháng trở lên để đồng nhất với đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp hiện nay.
Ngoài ra cần xem xét, phát triển, mở rộng đối tượng ở khu vực chính thức và ở khu vực phi chính thức. Phi chính thức ở đây là nhóm đối tượng đáng lẽ phải có giao kết hợp đồng lao động nhưng không thực hiện giao kết hợp đồng lao động. Do đó cần tăng trường thanh tra và tuyên truyền để thông tin đến được người lao động về quyền và trách nhiệm của họ khi tham gia chính sách này. Trên cơ sở đó, người lao động có quyền đòi hỏi quyền lợi của mình và người sử dụng lao động phải đáp ứng những quyền đó.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền về quyền và trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động khi thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vì, chính sách bảo hiểm thất nghiệp là hoàn toàn có lợi ích thiết thực đối với cả hai nhóm đối tượng này. Khi chấm dứt quan hệ lao động, thay vì người sử dụng lao động phải chi trả trợ cấp thôi việc, mất việc thì nếu tham gia chính sách này thì người sử dụng lao động sẽ được miễn trách nhiệm chi trả.
Thêm vào đó, khi quy định tham gia là bắt buộc thì đối tượng thì dù không muốn họ cũng phải tham gia và ngược lại, người trong thuộc diện dù muốn tham gia cũng không được. Hiện nay các quy định này đã rất đầy đủ, có chế tài từ xử phạt vi phạm hành chính tới xử lý hình sự theo các nghị định và luật liên quan.
Trên cơ sở tuyên truyền về quyền lợi, trách nhiệm cũng như xử lý các vi phạm, cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan liên quan thực hiện chính sách thì sẽ thúc đẩy các đối tượng tích cực tham gia.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính để có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các đối tượng tham gia, qua đó có thể mở rộng đối tượng theo quy định đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các đối tượng liên quan khi tham gia chính sách này.
Hoàn thiện luật pháp về bảo hiểm thất nghiệp
Lãnh đạo Cục Việc làm cũng cho biết, ngày 23/5/2018,  Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có cải cách về bảo hiểm thất nghiệp. Trong Nghị quyết cũng đánh giá chính xác bảo hiểm thất nghiệp đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên chưa thể hiện được vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động, mới đang tập trung vào những xử lý những hậu quả của thất nghiệp và chưa có những biện pháp chủ động để duy trì việc làm.
Do vậy, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới đây đối với Bộ ngành, đặc biệt là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan quản lý nhà nước giúp Chính phủ về lĩnh vực bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 125 ngày 10/8/2018 về chương trình hành động thực hiện cải cách bảo hiểm theo Nghị quyết 28.
Trong Nghị quyết 125 đã xây dựng 26 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm những giải pháp trực tiếp về bảo hiểm thất nghiệp. Một trong những giải pháp quan trọng nhất đó là hoàn thiện nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách bảo hiểm thất nghiệp, tập trung vào những giải pháp để chủ động phòng ngừa thất nghiệp để bảo hiểm thất nghiệp thật sự trở thành một công cụ quản trị thị trường lao động.
Hiện nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng kết đánh giá triển khai Luật Việc làm nói chung và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nói riêng để trên cơ sở đó hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, để xây dựng Luật Việc làm, phải xây dựng hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để đưa vào chương trình sửa đổi của chương trình xây dựng luật pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa tới .
Dự kiến, trong năm 2021 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ hoàn thiện hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Việc làm và sẽ đưa vào chương trình vào năm 2022 hoặc có thể thông qua vào năm 2023.
Về nội dung, theo tinh thần cải cách của Ban Chấp hành Trung ương về bảo hiểm xã hội nói chung và bảo hiểm thất nghiệp nói riêng, đã cải cách toàn diện thì tập trung vào kể cả mở rộng diện bao phủ bảo hiểm thất nghiệp, tức là xác định lại đối tượng tham gia để có thể mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Cùng với đó, có thể bổ sung các chính sách tăng cường duy trì việc làm. Trên cơ sở đó, sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng các chính sách để sử dụng hiệu quả quỹ; đối tượng tham gia có thể tiếp cận dễ dàng hơn với các chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cũng như thụ hưởng chính sách này trong thời gian tới.
Tăng cường nâng cao các vai trò, chức năng của các đơn vị liên quan trực tiếp đến thực hiện chính sách bảo thất nghiệp để làm sao cải cách bộ máy, cải cách về nhân sự liên quan đến cải cách hành chính để các đối tượng tham gia được thụ hưởng chính sách này một cách tốt hơn và nhanh hơn./
Hồng Anh
Từ khóa: