Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam
(LĐXH) - Với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và giao lưu học thuật, thiết lập mạng lưới kết nối các trường đại học, các viện nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước về Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng nhằm xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp khoa học vào thực hành trong hoạt động đào tạo trong lĩnh vực này, ngày 17/5/2023, tại Hà Nội, Trường Đại học Lao động - Xã hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính - Ngân hàng tại Việt Nam”.
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng; NGƯT. TS Hà Xuân Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cùng hơn 100 đại biểu là chuyên gia đến từ Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, các tổ chức nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán, doanh nghiệp, lãnh đạo các khoa Kế toán, Kiểm toán cùng các nhà khoa học đến từ các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu; cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Lao động - Xã hội.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng hoan nghênh Trường Đại học Lao động - Xã hội đã đăng cai chủ trì Hội thảo nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán và Tài chính - Ngân hàng trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập sâu, rộng.
Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số gắn liền với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với các đột phá và cộng hưởng của nhiều công nghệ, trong đó có công nghệ số và tạo ra sản xuất thông minh, giúp xóa dần khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống trên toàn thế giới. Chuyển đổi số sẽ làm thay đổi toàn diện phương thức sản xuất, tăng năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, thúc đẩy tăng trưởng nhanh về kinh tế.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhận được sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương cũng như của mỗi người dân Việt Nam. Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã xác định lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Như vậy, chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng cần được xác định là một trong những khâu đột phát trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.
Thay mặt lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng hoan nghênh các nhà khoa học, chuyên gia, các học giả, các nhà quản lý trong và ngoài nước đã có mặt và dành nhiều thời gian, công sức chuẩn bị các nội dung nghiên cứu và trao đổi tại các phiên của Hội thảo. Đồng thời, mong muốn các đại biểu có những trao đổi, phản biện thẳng thắn để lựa chọn bước đi hợp lý trong thời gian tới, đóng góp quý báu cho công cuộc chuyển đổi số lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng nói riêng cũng như chuyển đổi số quốc gia nói chung.
Phát biểu tại Hội thảo, NGƯT. TS Hà Xuân Hùng nhấn mạnh: Chuyển đổi số là sự tích hợp các tiến bộ của khoa học công nghệ số vào các lĩnh vực, hoạt động của mỗi tổ chức để vận dụng các thành quả đó nhằm thay đổi và nâng cao hiệu quả các mô hình đang vận hành. Chuyển đổi số là vấn đề mới nhưng cần mạnh dạn làm. Thời gian qua, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Trường Đại học Lao động - Xã hội đã xây dựng phần mềm quản lý đào tạo, trong đó có cấu phần về thi trắc nghiệm khách quan trên máy vi tính với bộ ngân hàng câu hỏi thi trắc nhiệm của tất cả các môn học. Khi sinh viên đi học trực tiếp trở lại, nhà trường đã đầu tư thêm nhiều phòng máy vi tính, vừa có thể tổ chức thi trắc nghiệm online, vừa thi trực tiếp. Việc Trường Đại học Lao động - Xã hội chuyển từ hình thức thi viết sang thi trắc nghiệm online chính là một phần chuyển đổi số, một sự thay đổi rất lớn so với cách thi truyền thống, rút ngắn rất nhiều thời gian so với trước đây, làm thay đổi hoàn toàn mô hình quản lý, tác động sâu rộng đến người học và người thầy, mang lại tác động rất tích cực.
“Việc tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia hôm nay cũng là một phần trong quá trình chuyển đổi số với mục tiêu đào tạo cho được những công dân số trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng từng bước đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay” - Hiệu trưởng Hà Xuân Hùng nêu rõ.
Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Lê Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Lao động - Xã hội cho biết: Kế toán, Kiểm toán là một trong những lĩnh vực chịu sự ảnh hưởng bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số. Theo đó, thực hành kế toán tại các doanh nghiệp, các tổ chức trên thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng trong bối cảnh ứng dụng chuyển đổi số được khái quát thông qua 5 công nghệ: Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Dữ liệu lớn (Big Data), Điện toán đám mây (Cloud), Chuỗi khối (Blockchain). Những công nghệ trong ứng dụng chuyển đổi số đều hướng đến giúp quy trình kế toán, kiểm toán được thực hiện theo thời gian thực, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và bảo mật hơn, tổ chức kế toán trong doanh nghiệp cũng trở nên linh hoạt hơn và các báo cáo tài chính cung cấp nhiều thông tin đa chiều có giá trị.
Cùng với Kế toán - Kiểm toán, lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng cũng được xác định là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước. Ngành tài chính - Ngân hàng đang tiên phong chủ động triển khai lộ trình chuyển đổi số, trong đó đặt ra các mục tiêu trong giai đoạn 2021-2025 xây dựng tài chính điện tử, tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở. Tới năm 2030, phấn đấu thiết lập hệ thống tài chính số hóa hoàn toàn và nền tài chính thông minh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung tham luận và trao đổi 3 chủ đề chính: (1) Chuyển đổi số trong lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng; (2) Đào tạo Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng trong thời đại công nghệ số; (3) Nghiên cứu chuyên sâu Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng và một số vấn đề khác.
Theo các chuyên gia tại Hội thảo, làn sóng chuyển đổi số, công nghệ thông tin và truyền thông là không thể tránh khỏi và không thể đảo ngược. Kết quả các các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 80% áp lực chuyển đổi số tại các quốc gia/tổ chức đến từ các yếu tố bên ngoài như công nghệ thay đổi (34%) và áp lực từ môi trường doanh nghiệp (48,9%). Hơn nữa, chuyển đổi số cũng định hình lại quá trình vận hành và tương tác lẫn nhau giữa các chủ thể trong nền kinh tế như chia sẻ dữ liệu, giải quyết xung đột, và đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong giai đoạn mới.
Chuyển đổi số giúp giảm chi phí giao dịch trong nền kinh tế thông qua chia sẻ hiệu quả thông tin, chuẩn hóa quy trình làm việc và nâng cao tương tác của khu vực nhà nước, minh bạch thông tin và giảm tham nhũng, và cải thiện năng suất hoạt động của khu vực nhà nước nhờ áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng (i) khuếch đại bất bình đẳng vốn dĩ tồn tại dai dẳng của một xã hội truyền thống, (ii) đối mặt với thách thức về bảo mật thông tin, quyền tự do cá nhân cũng như an ninh quốc gia trên một nền tảng mới. Tại Việt Nam, cùng với quá trình hội nhập quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nói chung, quá trình chuyển đổi số nói riêng có những tác động nhất định đến nền kinh tế Việt Nam trong đó có lĩnh vực Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng. Bên cạnh đó, công nghệ kỹ thuật số đã phổ biến khắp nơi và ngày càng tham gia sâu vào cuộc sống, thì lao động ngày càng trở nên thiếu hụt các kỹ năng cơ bản để tồn tại và phát triển như năng lực trong khoa học, công nghệ và kỹ thuật, năng lực kỹ thuật số; năng lực tự học; tinh thần kinh doanh…
Để quá trình chuyển đổi số hạn chế được những tác động tiêu cực cũng như tối đa hóa được các ảnh hưởng tích cực, các đại biểu đã kiến nghị cần tiếp tục nghiên cứu và đổi mới các chính sách về quản lý kinh tế cũng như các chính sách về Kế toán - Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng. Đồng thời, cần nhanh chóng đổi mới cách thức giảng dạy, học tập và tổ chức việc đào tạo Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng tại các cơ sở giáo dục để nhanh chóng triển khai các công nghệ kỹ thuật số nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng khung năng lực chung mới trong thời đại kỹ thuật số.
Đức Dương
Từ khóa:
-
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
22-11-2024 18:20 48
-
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Quảng Nam
19-11-2024 09:19 32
-
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II chuyển đổi mạng mẽ sang mô hình đào tạo kép và chuyển chuyển đổi số
21-11-2024 08:58 45
-
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
10-10-2024 09:31 40
-
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
17-11-2024 09:46 36
-
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
16-11-2024 17:19 24