Lao động
Tăng cường công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động
01:42 PM 12/05/2023
(LĐXH) - Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng, trong năm vừa qua, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đã tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động cho 313.662 lượt người, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2021.

Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã có những chuyển biến và đạt được một số kết quả tích cực. Với các hoạt động phổ biến kiến thức về ATVSLĐ, nhận thức và hiểu biết về công tác ATVSLĐ của người lao động và người sử dụng lao động đã dần được nâng cao. Vai trò người lao động trong công tác ATVSLĐ được phát huy đã góp phần hạn chế tai nạn lao động và giảm thiểu thiệt hại do tai nạn lao động. Nhiều sáng kiến cải tiến kĩ thuật do chính người lao động đưa ra đã góp phần giải quyết ngay những vấn đề trong hạn chế nguy cơ rủi ro dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại nơi làm việc.

Việc huấn luyện ATVSLĐ giúp cho người lao động có thể chủ động nhận biết được các mối nguy hiểm tiềm ẩn, sớm có các biện pháp phòng tránh rủi ro tai nạn

Trong bối cảnh đại dịch đã được kiểm soát, các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã phục hồi lại các dây chuyền sản xuất, công tác ATVSLĐ cũng đồng thời được kiểm soát sát sao, bao gồm công tác huấn luyện ATVSLĐ. Theo báo cáo của các đơn vị, doanh nghiệp năm 2022, các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ theo đúng luật định cho 313.662 lượt người, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2021 (năm 2021 đã tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động định kỳ cho 167.221 lượt người lao động).

Năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hải Phòng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền những văn bản quy phạm pháp luật mới trong lĩnh vực lao động và an toàn, vệ sinh lao động với hơn 800 người.  

Hội Nông dân thành phố đã phối hợp tổ chức 06 hội nghị tuyên truyền về Luật An toàn, vệ sinh lao động và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm cho 720 Hội viên nông dân.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch số 258/KH-LĐLĐ ngày 27/5/2022 về tuyên truyền, đạo tạo tập huấn bồi dũng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động; trong đó có nội dung về an toàn vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước, liên đoàn lao động các quận, công đoàn ngành. Theo đó, Liên đoàn Lao động thành phố đã tổ chức 65 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 2.865 cán bộ công đoàn cơ sở, an toàn vệ sinh viên và tuyên truyền đến trên 15.000 công nhân lao động về an toàn vệ sinh lao động.

Ngành Y tế đã tổ chức huấn luyện về y tế lao động và bệnh nghề nghiệp cho 147 cơ sở lao động với 33.176 lượt người tham dự, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2021 (năm 2021 huấn luyện sơ cấp cứu tại 126 cơ sở lao động cho 12.686 người), huấn luyện lực lượng sơ cấp cứu cho 175 đơn vị với 11.420 người tham dự (tăng gần gấp hai lần so với năm 2021, năm 2021  huấn luyện sơ cấp cứu cho 152 cơ sở với 6.900 người tham dự). Tổ chức 02 lớpTập huấn phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn cho cán bộ y tế trường học, cán bộ y tế phường trên địa bàn quận Dương Kinh và tại huyện Cát Hải.

Sở Công Thương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức huấn luyện, sát hạch và cấp thẻ kiểm tra viên điện lực cho 220 học viên là cán bộ công chức đang công tác tại cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân các quận, huyện, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của các đơn vị điện lực hoạt động lĩnh vực phân phối và bán lẻ điện; tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp Giấy Chứng nhận Huấn luyện kỹ thuật an toàn vật liệu nổ công nghiệp cho 66 người lao động là các đối tượng liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp.

Các khoá huấn luyện an toàn vệ sinh lao động được các doanh nghiệp phối kết hơp cùng các đơn vị chuyên trách tổ chức thường xuyên theo kế hoạch 

Xác định ý nghĩa quan trọng của công tác ATVSLĐ, thời gian tới đây, Hải Phòng tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về thực hiện ATVSLĐ; thúc đẩy các chương trình hành động cụ thể trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ; Quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ. Theo đó, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng cường triển khai công tác ATVSLĐ, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng các kỹ năng, nghiệp vụ về ATVSLĐ cho người lao động; hướng dẫn người lao động nhận diện, đánh giá và tham gia đánh giá nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng sẽ chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ gắn với đặc điểm, đặc thù sản xuất của ngành, nghề, lĩnh vực đặc biệt là trong các công việc có nguy cơ rủi ro cao như làm việc trên cao, hàn cắt, làm việc trong không gian hạn chế, an toàn hóa chất, điện, khai thác khoáng sản, vận hành máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động...; chú trọng huấn luyện thực hành, kỹ năng đánh giá nguy cơ, rủi ro mất an toàn trong lao động.

Trần Huyền

Từ khóa: