Lao động
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động trong những tháng cuối năm 2021
10:05 AM 05/11/2021
(LĐXH) – Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, trong tháng 10/2021, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bắt đầu có sự phục hồi. Số doanh nghiệp thành lập mới tháng 10/2021 tăng cả về số lượng và vốn đăng ký so với tháng trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8% so với tháng trước. Trên cơ sở đó, nhiều chương trình giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp được các địa phương trên cả nước triển khai đồng loạt trong những tháng cuối năm.
8.233 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 10/2021
Trong tháng 10/2021, cả nước có 8.233 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 108,6 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 58,8 nghìn lao động, tăng 111,2% về số doanh nghiệp, tăng 73,9% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 9/2021; so với cùng kỳ năm 2020, giảm 32,5% về số doanh nghiệp, giảm 34,4% về số vốn đăng ký và giảm 18,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 13,2 tỷ đồng, giảm 17,6% so với tháng trước và giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2020. Trong tháng, cả nước còn có 4.304 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 29,8% so với tháng trước và giảm 14,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu (Ảnh minh hoạ)
Tính chung 10 tháng năm 2021, cả nước có 93,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.304,4 nghìn tỷ đồng với tổng số lao động đăng ký là 707,7 nghìn lao động, giảm 15,7% về số doanh nghiệp, giảm 18,2% về vốn đăng ký và giảm 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.879,3 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 34,6 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 10 tháng năm nay là 3.183,6 nghìn tỷ đồng, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 35,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 6,3% so với 10 tháng năm 2020, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng lên 129 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 12,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong 10 tháng qua, có 1.603 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 26,7% so với cùng kỳ năm trước; 25,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 24,6%; 66,9 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 11,5%.
Cũng trong tháng Mười, có 3.492 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 55,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020; 3.048 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 21,5% và giảm 14,8%; có 806 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33% và giảm 43%.
Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước; 35 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 15,7%; 13,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,8%, trong đó có 12,1 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 1,1%; 162 doanh nghiệp có quy mô vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 27,4%. Bình quân một tháng có 9,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Để tạo đà cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Nghị định hướng dẫn 4 nhóm giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19 gồm: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019; miễn thuế (thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021.
Tăng cường kết nối cung – cầu lao động
Tăng cường dự báo nhu cầu tuyển dụng, kết nối cung-cầu lao động trên cơ sở sát thực cả về số lượng cần tuyển dụng cũng như nguồn lao động hiện có, nhiều chương trình giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm trực tuyến hoặc trực tiếp được các địa phương trên cả nước triển khai đồng loạt trong những tháng cuối năm.
Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn
Tại Hà Nội, theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm, quý IV-2021, thị trường lao động đã xuất hiện nhiều dấu hiệu chuyển biến tích cực khi hầu hết các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh. Dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng tăng cao và thị trường lao động sẽ khởi sắc dịp cuối năm. Điển hình như tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh), Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh)... xuất hiện nhiều thông báo tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Trên các trang web tuyển dụng việc làm hay trang thông tin của các khu công nghiệp cũng có nhiều nội dung liên quan đến tuyển dụng lao động ở nhiều vị trí. Cụ thể, Công ty Hitachi đang tuyển 100 công nhân sản xuất phụ tùng cơ khí ô tô, xe máy với mức thu nhập 6,6-8,6 triệu đồng/người/tháng. Công ty TNHH Canon cũng đăng tuyển dụng 1.000 lao động 18-35 tuổi…
Ngoài ra, nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng, kinh doanh... trên địa bàn thành phố cũng tăng cao. Cụ thể, tại sàn giao dịch việc làm của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội luôn có hơn 3.000 vị trí cần tuyển dụng với mức lương 7-20 triệu đồng/người/tháng, trong đó ngành bán hàng có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Trên các website tuyển dụng lao động khác cũng đăng tải hàng nghìn vị trí kinh doanh chờ người lao động.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên thành phố tiếp tục tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với gói hỗ trợ tìm việc làm "3 trong 1" đến hết tháng 11 gồm: cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm; hỗ trợ tìm nhà trọ với chi phí hợp lý và xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí trước khi vào làm việc. Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu tháng 11, hơn 1.340/1.400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã có thông báo phục hồi sản xuất kinh doanh với trên 216.000 người lao động đăng ký đi làm trở lại.
Tại Long An, UBND tỉnh Long An đã thành lập Tổ vận động, hỗ trợ công dân, người lao động làm việc trên địa bàn; thông tin về Kế hoạch phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn để người lao động nắm bắt chính xác và có cơ sở quyết định ở lại làm việc. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố, qua đó thông tin kịp thời nhu cầu tuyển dụng, điều kiện làm việc và chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp cũng như các cơ quan chức năng đối với người lao động.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An Nguyễn Đại Tánh, đơn vị đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022. Trên cơ sở này, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các phiên giao dịch việc làm, kết nối trực tiếp với người lao động; mở rộng các phiên giao dịch chuyên đề đến các trường đại học, cao đẳng hay các trường hợp vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương.
Tại Thanh Hoá, tính đến hết tháng 10/2021, toàn tỉnh có hơn 166.300 lượt người lao động trở về từ vùng dịch. Để hỗ trợ nhóm người này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Phương án số 198/PA-UBND về việc đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động Thanh Hóa hồi hương từ vùng dịch sau khi thực hiện xong việc cách ly. Theo đó, người lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ được đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, phù hợp với trình độ tay nghề, sức khỏe, độ tuổi, giới tính giúp họ vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là gần 33.300 lao động, chủ yếu là lao động nữ, chiếm 70%. Nhu cầu cần lao động tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất giày da, may mặc cần tuyển dụng lao động, với số lượng lớn như: Công ty TNHH ROLLSPORT 1 Việt Nam (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giày Aleron Hoàng Long (tuyển 2.000 lao động); Công ty TNHH Giày ROLLSPORT 2 Việt Nam (tuyển 3.700 lao động); Công ty TNHH MTV TCE JEAN (tuyển 1.100 lao động); Công ty TNHH Giày SUNJADE (tuyển 1.500 lao động)… nên khả năng giải quyết việc làm cho lao động Thanh Hóa trở về từ vùng dịch sẽ đáp ứng khoảng 90%. Thời gian qua Trung tâm DVVL tỉnh đã và đang tư vấn, hỗ trợ cho người lao động tìm kiếm việc làm mới. Bằng nhiều hình thức: Tư vấn, kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên cơ sở việc làm, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng của người lao động.
Để doanh nghiệp yên tâm phục hồi sản xuất, người lao động an tâm làm việc gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19, tỉnh cũng quy định rõ nhiều nội dung phối hợp để cùng xử lý, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người lao động với phương châm chia sẻ khó khăn cho những địa phương vùng tâm dịch, đồng thời, thể hiện trách nhiệm với công dân là người địa phương, trách nhiệm ổn định xã hội và bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Khánh Quyên

 
 
 
Từ khóa: