Tảo hôn và những hệ lụy
(LĐXH) - Do phong tục, tập quán và quan niệm về hôn nhân ăn sâu, bám rễ vào nếp nghĩ qua nhiều thế hệ, cho nên dù các cấp, ngành đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, nhưng nạn tảo hôn vẫn đang diễn ra trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Để hạn chế, giảm thiểu những hệ lụy từ những cuộc hôn nhân bất hợp pháp giữa các ông bố, bà mẹ “trẻ con” vẫn đang là bài toán khó đối với nhiều địa phương ở miền Tây xứ Nghệ
Bài 1: Những cặp vợ chồng “ăn chưa no, lo chưa tới”
13 tuổi, sau lễ cưới hai bên họ hàng tổ chức, Và Y Mại bước chân về nhà chồng mà chưa đăng ký kết hôn. Năm nay mới 16 trăng tròn nhưng cuộc sống vất vả khiến Y Mại trông già dặn hẳn so với tuổi. Ngồi thẫn thờ ở bậc cửa ôm đứa con nhỏ, Y Mại lí nhí thổ lộ: “Em cũng muốn đi học, nhưng con gái em còn nhỏ, bây giờ một chữ cũng không biết, nghe người ta nói cũng không hiểu, sau này nếu có lớp dạy xóa mù chữ em cũng muốn được đi học như người khác…”.
Cưới trước, đăng ký kết hôn sau
Và Y Mại hiện sinh sống tại bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Y Mại chỉ là một trong rất nhiều những trường hợp tảo hôn vốn vẫn diễn ra ở khắp các vùng có đông đồng bào các dân tộc thiểu số thuộc các huyện miền Tây Nghệ An. Những cặp “vợ chồng trẻ con” vẫn hình thành theo kiểu cưới trước, khi nào đủ tuổi quy định thì đi đăng ký kết hôn…
Địa bàn Kỳ Sơn chủ yếu tập trung đông đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Mông (27.530 người, chiếm 35,37%), Thái (20.912 người, chiếm 26,87%), Khơ Mú (27.731 người, chiếm 35,6%)... Mặc dù được cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền đến đồng bào các dân tộc về luật hôn nhân gia đình nhưng tình trạng tảo hôn vẫn còn xảy ra khá phổ biến. Như ở xã Huồi Tụ - cách trung tâm huyện gần 23km, trong năm 2017, toàn xã có 23 cặp tảo hôn đều là đồng bào Mông, 6 tháng đầu năm 2018 có 24 trường hợp. Xã Mường Lống năm 2017 có 37 cặp, 6 tháng đầu năm 2018 có 11 cặp... trong đó có những trường hợp mới sinh năm 2002.
Trao đổi về vấn đề này, Bà Cụt Thị Hợi - Trưởng phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn cho hay: Nạn tảo hôn thường tập trung nhiều ở đồng bào Mông với phong tục lấy vợ, lấy chồng khá sớm, chủ yếu rơi vào học sinh cấp hai, và các “cặp đôi trẻ con” thường làm lễ cưới vào dịp tết về. “Thời gian gần đây các cấp chính quyền, ban ngành liên quan đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, số lượng các cặp tảo hôn có giảm nhưng vẫn xảy ra ở nhiều địa bàn: - bà Cụt Thị Hợi nhấn mạnh.
Rời Kỳ Sơn, chúng tôi đến xã biên giới Nhôn Mai, huyện Tương Dương đúng dịp bà con thu hoạch vụ mùa. Gặp Bí thư Chi bộ bản Huồi Cọ Và Ca Sua, hỏi ông “Trai, gái bản ta có còn kết hôn sớm không?”. Thoáng phút trầm ngâm, ông trả lời “Vẫn có đấy”. Qua mấy ngày lưu lại xã biên giới Nhôn Mai tìm hiểu thực tế về nạn tảo hôn và suy nghĩ của cộng đồng nơi đây về vấn đề này như thế nào. Câu trả lời tìm được khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn, duy dứt bởi cái sự “lực bất tòng tâm” của nhiều người, trong đó có cả cán bộ chính quyền lẫn các bậc phụ huynh của những cặp “vợ chồng trẻ con”.
Cũng vì thế mà mặc dù cô con gái Và Y Cừ sinh ngày 08/07/2005, chưa đủ điều kiện kết hôn theo luật định nhưng ông Và Chứ Già ở bản Phá Mựt xã Nhôn Mai vẫn tổ chức lễ cưới cho con. Với hành vi này, ngày 27/3/2018, ông Và Chứ Già đã bị UBND xã Nhôn Mai lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Đồng thời buộc con gái ông Già là Và Y Cừ và con rể là Xồng Bá Thò thường trú tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong chấm dứt quan hệ chung sống như vợ chồng. Tương tự là trường hợp ông Lô Văn Nhất, ở bản Nhôn Mai bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý vi phạm hành chính khi tổ chức cưới cho con gái là Lô Thị Dùi - sinh ngày 27/7/2001 tại thời điểm con gái ông chưa đủ tuổi kết hôn.
Hàng xóm trú cùng bản với ông Nhất là ông Lô Văn Tình cũng bị lập biên bản vì tổ chức cưới cho con gái Lô Thị Ét Tâm và con rể là Vi Đức Minh, trú tại bản Áng xã Xá Lượng, huyện Tương Dương. Cả hai cùng sinh năm 2001.
Ông Xồng Bá Bì - cán bộ Tư pháp xã Nhôn Mai thống kê, năm 2017 toàn xã Nhôn Mai có 14 trường hợp tảo hôn. Còn năm 2018 (chỉ tính từ ngày 01/01-18/07/2018) ở xã biên giới này đã có18 cặp nam, nữ ở độ tuổi từ 14-16 tuổi tảo hôn. Chủ yếu tập trung ở các bản Phá Mựt, Huồi Măn, Huồi Cọ...
Theo khảo sát của Ban dân tộc huyện Tương Dương thì tình trạng tảo hôn chủ yếu tập trung vào vùng dân tộc Mông, Khơ Mú, Thái thuộc những nơi có điều kiện kinh tế thấp kém, nhận thức về hôn nhân chưa đầy đủ như các xã biên giới: Nhôn Mai, Mai Sơn; Tam Hợp, Nga My, Xiêng My… Chỉ tính riêng trong năm 2017, trên địa bàn huyện Tương Dương có 98 cặp tảo hôn, trong đó dân tộc Mông 43 cặp; Thái 42 cặp, Khơ mú 11 cặp. Tại huyện Con Cuông, theo số liệu thống kê riêng 6 tháng đầu năm 2018 có 14 trường hợp tảo hôn, chủ yếu là tộc người Đan Lai và dân tộc Thái ở các xã vùng sâu, vùng xa, tập trung nhiều ở 2 xã biên giới Môn Sơn và Châu Khê...
Thông thường khi tổ chức cưới, những cặp “vợ chồng trẻ con” không đến Tư pháp xã đăng ký kết hôn mà tự chung sống với nhau khi đến tuổi mới đến đăng ký. Mặc dù có nhiều trường hợp cấp ủy, chính quyền đã kịp thời phát hiện và trực tiếp đến tận nhà (có khi phải đi bộ mất mấy tiếng đồng hồ mới đến tận nơi) để tuyên truyền, nhắc nhở, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính nhưng rồi “đâu lại vào đấy” bởi tư tưởng “không cho ta cũng lấy” đã ăn sâu vào suy nghĩ của những đứa trẻ và phần nào đó còn có sự đồng tình của cộng đồng, gia đình nơi con trẻ sinh sống.
Những hệ lụy...
Nhắc đến câu chuyện tảo hôn, chúng tôi cứ ám ảnh mãi về đôi mắt buồn xa xăm của cô bé Và Y Mại ở Pù Khả 1 xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn. Học chưa xong lớp 4 thì bố Y Mại mất sớm, nhà lại khó khăn nên em phải bỏ học ở nhà. Lấy chồng từ thuở 13 - Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, cuộc sống của gia đình Y Mại gặp phải muôn vàn khó khăn, vừa thiếu vốn, lại không có kinh nghiệm trong việc chăn nuôi sản xuất nông nghiệp nên thu nhập bấp bênh. Mỗi mùa lúa rẫy, nếu thời tiết thuận lợi thì thu hoạch được 30 đến 40 bì lúa, năm mất mùa chỉ được hơn 10 bì. Mọi việc lớn, bé, nặng nhọc trong gia đình đều đè nặng lên đôi vai của người mẹ trẻ khi chưa bước qua tuổi 16. Y Mại chia sẻ: “Lấy chồng sớm khổ lắm, vất vả lắm, không như bạn bè vẫn còn đi học, được biết nhiều thứ, đi nhiều nơi...”.
Những trường hợp như Y Mại khi biết được cái khổ của việc lấy chồng sớm thì cũng đã muộn màng. Ông Và Bá Tồng, trưởng bản Phù Khả 1, xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, cho hay: “Bản Phù Khả có 82 hộ dân, trong đó có các cặp vợ chồng trẻ tuổi 13, 14 đã lấy nhau và tách ra ở riêng thì có đến 15 hộ. Nguyên nhân do không chịu đi học, một phần vì gia đình khó khăn nên bỏ về ở nhà, thấy có bạn lấy chồng thì cũng lấy theo, không nghĩ cuộc sống sau khi lập gia đình sẽ vất vả như thế nào… Dân bản khổ, chính quyền cũng đau đầu lắm”.
Thực tế cho thấy, hiếm có cặp “vợ chồng trẻ con” nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, thất học, chưa kể gặp phải các vấn đề về sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Có không ít trường hợp do kết hôn sớm, tuổi còn trẻ nhưng đã một nách 3-4 đứa con. Ví như trường hợp Lầu Y Lỳ ở Nậm Cắn (Kỳ Sơn) lấy chồng năm 15 tuổi, năm nay mới 20 tuổi đã một nách 4 con. Bà Xồng Y Xồng ở bản Ải Khe (xã Mường Ải, Kỳ Sơn) mới 13 tuổi đã có 1 con, năm nay 50 tuổi bà Y Xồng đã có 10 đứa con, đứa nhỏ nhất mới 16 tháng tuổi, trong khi con đầu của bà cũng đã lập gia đình...
Kết hôn sớm cộng với thói quen sinh đẻ nhiều cứ kéo dài từ thế hệ này qua thế hệ khác khiến cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn, trong đó thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ, trẻ em gái. Ông Mùa Dua Thái - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi, Kỳ Sơn, bộc bạch: Là địa bàn rộng với 19 thôn bản, trong đó 17 bản có người Mông sinh sống. Theo phong tục trai gái đã theo nhau thì phải tổ chức cưới, nhiều cặp vợ chồng mới 13, 14 tuổi, có những trẻ em gái thậm chí mới 12 tuổi cũng đã cưới chồng. Xã đã áp dụng nhiều biện pháp tuyên truyền để vận động người dân, ở các bản cũng có 19 cộng tác viên, rồi lồng ghép các hội nghị để tuyên truyền cho bà con thấy được tác hại của việc cưới vợ, cưới chồng sớm, tuy nhiên tình trạng tảo hôn vẫn không giảm...”
Khánh Ly- Hoài Thu ( Còn nữa)
Theo Báo Nghệ An
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
03-01-2025 20:40 19
-
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
03-01-2025 17:05 48
-
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
03-01-2025 15:22 03
-
An Giang: Quan tâm, chăm lo đời sống người có công với cách mạng
14-12-2024 23:46 28
-
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng
16-12-2024 23:42 17
-
Lào Cai: Tập trung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
07-10-2024 23:41 45