Lao động
Thái Nguyên: Dịch bệnh không làm giảm cơ hội việc làm
08:14 AM 30/09/2021
9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Thái Nguyên đã tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm, đạt 71% kế hoạch năm.
Sàn Giao dịch việc làm trực tuyến được Trung tâm Dịch vụ việc làm duy trì vào các ngày trong tuần
Theo bà Phạm Như Thùy, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội): Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp (DN) cao hơn  rất nhiều lần so với lực lượng lao động của tỉnh. Do đó, Trung tâm đã tích cực kết nối, đưa thông tin tuyển dụng của DN đến với người lao động (NLĐ) chưa có việc làm tại các tỉnh lân cận. Trong tình hình dịch COVID-19, ngoài việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm truyền thống, Trung tâm chủ động tổ chức các phiên giao dịch trực tuyến, tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng và NLĐ được gặp gỡ, thỏa thuận. Thông qua Trung tâm, người tuyển dụng và NLĐ được gặp gỡ, trực tiếp trao đổi, phỏng vấn qua hệ thống mạng trực tuyến. 
Các trung tâm dịch vụ việc làm liên kết với Thái Nguyên như T.P Hà Nội và các tỉnh: Hải Dương, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Bắc Ninh, Bắc Giang… luôn có sự phối hợp chặt chẽ để kết nối các phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Kết quả, thời gian qua, đã có hàng nghìn lượt NLĐ được tư vấn miễn phí, giới thiệu và tìm được việc làm ổn định qua các sàn giao dịch việc làm trực tuyến. Riêng các DN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được gần 2.000 lao động trong 7 tháng đầu năm. 
Một tín hiệu vui là trong những tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có hơn 200 DN trước đó phải tạm ngừng đã hoạt động trở lại, trên 150 DN được cấp mới đăng ký kinh doanh. Trong đó có nhiều dự án lớn, nhu cầu sử dụng nhiều lao động như: Công ty TNHH DONGWHA Việt Nam, có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng; Trung tâm Thương mại Việt - Nhật (Siêu thị GO! Big C) có tổng mức đầu tư 540 tỷ đồng… 
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Dịch vụ việc làm: Tính đến hết tháng 7/2021, có gần 2.400/4.000 DN trên địa bàn tỉnh gia tăng hoạt động tuyển dụng nhân lực. So với cùng kỳ năm trước, nhu cầu tuyển dụng lao động tại các DN tăng 6,2%. Thị trường lao động, việc làm được đánh giá đang “ấm” trở lại, sôi động nhất phải kể đến Khu công nghiệp Sông Công 2 và Khu công  nghiệp Điềm Thụy với nhu cầu tuyển dụng lao động hiện cao hơn so với nguồn  cung. Vì thế, NLĐ có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với năng lực của  bản thân. 
Hiện, những ngành nghề cần tuyển dụng nhiều nhân lực là: Điện tử, điện công nghiệp, điện lạnh với các vị trí tuyển dụng: Công nhân sản xuất linh kiện, kỹ thuật viên, kỹ thuật lắp ráp và kỹ sư điện tử. Ngành dệt, may, giày da cần tuyển khá nhiều chỉ tiêu công nhân may, kỹ thuật chuyền trưởng, kỹ thuật may mẫu, nhân viên kiểm hàng, nhân viên dệt, thợ ủi/cắt chỉ, vắt sổ.
Ngành cơ khí, tự động hóa cần tuyển kỹ thuật viên cơ khí, kỹ sư cơ khí thuỷ lực, kỹ sư  thiết kế chế tạo máy, nhân viên vận hành máy móc - thiết bị, công nhân kỹ thuật cơ khí, gia công cơ khí. Ngoài ra còn có hàng nghìn chỉ tiêu xuất khẩu lao động được mời chào đến thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc… 
Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đang hướng tới việc kết nối cho DN tuyển dụng được nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời tạo cơ hội về  việc làm cho NLĐ Thái Nguyên và các tỉnh phụ cận. Hơn thế, khi có thông tin về  thị trường lao động, NLĐ có nhiều lựa chọn trước khi quyết định đến làm việc tại các DN, khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. 
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm, đạt 71% kế hoạch năm. Kết quả có hơn 10.200 lượt người lao động được tư vấn miễn phí về việc làm và nghề học, đạt 68% kế hoạch năm. Hơn 1.000 người lao động được giới thiệu đến làm việc tại các doanh nghiệp, đạt 101,4% kế hoạch năm.
Với tinh thần vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, vừa triển khai hiệu quả Sàn Giao dịch việc làm, bảo đảm vai trò kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; triển khai tư vấn, giới thiệu việc làm trực tuyến thông qua các ứng dụng gọi điện thoại, email, qua mạng xã hội Facebook, Zalo, Website của Trung tâm. Mở ra các cuộc trao đổi, phỏng vấn trực tuyến cho người lao động và doanh nghiệp thông qua công tác nghiệp vụ của cán bộ Trung tâm.
Cùng thời gian, Trung tâm tiến hành thu thập thông tin về lao động việc làm tại 305 lượt doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 25 vị trí việc làm, với gần 16.000 chỉ tiêu tuyển dụng./.
PV
 
Từ khóa: