Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và ngày càng phức tạp
(LĐXH) - Ngày 16/3/2017, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức tổng kết Dự án đánh giá công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh năm 2016.
Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ; Ông Kyung-ho Park-Phó Chủ tích Ủy ban Chống tham nhũng và Quyền công dân tại Hàn Quốc; Bà Akiko Fujii-Phó giám đốc quốc gia UNDP Việt Nam tại Hà Nội; Ông Balazs Horvath-Giám đốc Trung tâm chính sách UNDP tại Seoul; Đại diện lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; các tổ chức quốc tế cùng đông đảo phóng viên báo chí.
Phát biểu tại lễ tổng kết, Phó tổng Thanh tra Chính Phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, tham nhũng hiện đã vượt khỏi biên giới của mỗi quốc gia và trở thành một trong những vấn đề nhức nhối, đe dọa đến sự phát triển kinh tế - xã hội của nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta đã xác định tham nhũng là quốc nạn và công tác phòng chống tham nhũng luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng và tính chất ngày càng phức tạp.
Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng, qua giới thiệu, hỗ trợ tích cực từ UNDP Hà Nội và Seoul về những thành công của Hàn Quốc trong công tác phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ đã nghiên cứu, tìm hiểu phương pháp đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của cơ quan chống tham nhũng và Bảo vệ quyền công dân Hàn Quốc (ACRC). Phương pháp đánh giá đã thành công trong việc thúc đẩy công tác phòng, chống tham nhũng tại Hàn Quốc.
Ông Kyung-ho Park, Phó chủ tịch ACRC cho biết, nguyên tắc đánh giá PCTN rất đơn giản. Trước tiên là cần cân nhắc phương pháp chính xác mang tính quốc gia, xác định các chỉ số cho hoạt động PCTN cần phải thực hiện tại các cơ quan, tổ chức công. Xác định tính chất nguy hiểm của hành vi tham nhũng, tác động ảnh hưởng đến đời sống nhân dân... Để từ đó xác định phạm vi các cơ quan tổ chức trở thành đối tượng đánh gia. Sau đó xác định tiêu chuẩn về mức độ của các hoạt động PCTN riêng biệt và sau khi thông báo đến các cơ quan, tổ chức sẽ triển khai đánh giá thực tế các hoạt động của cơ quan này.
Năm 2016 là năm đầu tiên Thanh tra Chính phủ tiến hành thử nghiệm phương pháp đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam. Việc lựa chọn đối tượng (UBND cấp tỉnh) để đánh giá bởi chính quyền cấp tỉnh giữ vai trò quan trọng trong các công việc có liên quan giữa nhà nước và người dân, doanh nghiệp. Vì vậy, UBND cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Một lí do nữa để lựa chọn đánh giá công tác này là trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tiến hành xây dựng và sử dụng 03 bộ chỉ số để đánh giá những bước tiến trong cải cách hành chính cũng như tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh ở cấp tỉnh như Chỉ số PAPI, Chỉ số PAR Index, CPI... Sự kết hợp đánh giá từ các chỉ số nêu trên với Chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng sẽ góp phần hỗ trợ việc quản trị công cấp tỉnh ở Việt Nam một cách hiệu quả hơn.
Năm 2016 cũng là năm đầu tiên áp dụng thí điểm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng theo phương pháp mới, bước đầu đã được triển khai thành công tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều này đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía các chuyên gia, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cán bộ có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá công tác PCTN. Mặc dù còn một số ý kiến về các chỉ tiêu của Bộ chỉ số và cách tính điểm số chưa theo đúng hướng dẫn tại một số địa phương, việc triển khai thành công công tác này đã cho thấy sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đặc biệt là lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, thành phố... Theo đó, báo cáo đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2016 có thể chưa phản ánh được toàn diện công tác PCTN nhưng về cơ bản đã phản ánh được tình hình tại các địa phương, qua đó, giúp lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhìn nhận lại công tác PCTN thời gian qua để có phương hướng hành động trong giai đọan sắp tới./.
Hà Giang
Từ khóa:
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn
16-11-2024 05:44 41
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46
-
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
16-10-2024 15:40 32