Thanh Hóa nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp phục vụ phát triển kinh tế-xã hội
(LĐXH)- Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các sở, ban ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, thị xã, thành phố, công tác GDNN của Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế chuyển dịch nhân lực trên thị trường lao động trong nước và quốc tế, lĩnh vực GDNN cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế-xã hội tỉnh.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã nghiêm túc triển khai đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó có lĩnh vực GDNN. Cùng với đó, thực hiện Kế hoạch số 215/KH-UBND ngày 30/8/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 05/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực từng bước được nâng lên, GDNN Thanh Hoá ngày càng được khẳng định và đạt được những kết quả nổi bật:
Thứ nhất, mạng lưới cơ sở GDNN được rà soát, sắp xếp theo hướng đảm bảo tinh gọn, cơ cấu hợp lý và phát triển ổn định. Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 101 cơ sở đào tạo nghề nghiệp, gồm 41 cơ sở GDNN (31 công lập, 10 tư thục) và 60 cơ sở khác có hoạt động GDNN. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh còn 66 cơ sở GDNN, gồm 11 trường cao đẳng (6 công lập: 4 trường công lập trực thuộc tỉnh, 02 trường của Bộ đóng trên địa bàn; 5 tư thục), 15 trường trung cấp (09 công lập: 08 trường trực thuộc tỉnh; 01 trường của Bộ; 06 tư thục), 31 trung tâm GDNN (trong đó có 24 trung tâm GDNN-GDTX công lập cấp huyện đổi tên, sáp nhập theo Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBH-BGDĐT-BNV ngày 19/10/2015; 07 trung tâm GDNN tư thục) và 9 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN.
Đồng chí Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa
Thứ hai, chất lượng đào tạo được chú trọng và từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Năm 2023, toàn tỉnh ước tuyển sinh và đào tạo nghề cho 83.080 người, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%. Công tác đào tạo nghề đã từng bước tiếp cận sát với nhu cầu của thị trường lao động, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo, xuất khẩu lao động và các mục tiêu xã hội khác; lao động được đào tạo đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Hiện có 09 trường cao đẳng, trung cấp công lập được Bộ LĐTB&XH phê duyệt đầu tư 16 ngành, nghề trọng điểm (01 nghề cấp độ quốc tế, 03 nghề cấp độ ASEAN và 15 nghề cấp độ quốc gia) giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025, gồm các nghề thuộc nhóm công nghệ, kỹ thuật và dịch vụ có nhu cầu tuyển dụng cao như: Hàn, Công nghệ ô tô, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, May thời trang, Công nghệ thông tin (ứng dụng phần mềm), Kỹ thuật chế biến món ăn, Nghiệp vụ khách sạn nhà hàng, Dược, Điều dưỡng...
Ở nhiều nghề trọng điểm, kỹ năng nghề của lao động trong tỉnh đã đạt chuẩn quốc gia và khu vực. Lao động qua đào tạo nghề nghiệp tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp; trên 80% người học có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp; ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt gần 100%. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trình độ cao đẳng đạt trên 90%, trình độ trung cấp đạt trên 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%. Nhiều ngành, nghề học sinh, sinh viên ra trường có việc làm 100% như: Hàn, May thời trang, Điện công nghiệp…
Thứ ba, phát triển và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý tại các cơ sở GDNN. Chất lượng đội ngũ nhà giáo các cơ sở GDNN cơ bản đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngày càng được nâng cao. Tổng số nhà giáo GDNN hiện nay là 1.801 người, trong đó tiến sỹ 21 người (1,17%); thạc sỹ 372 người (20,66%); đại học 894 người (49,64%), cao đẳng 176 người (9,77%); trung cấp và trình độ khác 338 người (18,76%).
Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐTB&XH về tăng cường tính tự chủ, các cơ sở GDNN đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo. Một số cơ sở GDNN đã phối hợp với doanh nghiệp trong việc xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức hội nghị mời các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động do nhà trường đào tạo đang làm việc tại doanh nghiệp, tìm hiểu yêu cầu của doanh nghiệp đối với người lao động về kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề để có những điều chỉnh trong nội dung, chương trình đào tạo cho phù hợp; đồng thời, mời chuyên gia, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo. Sở LĐTB&XH đã hướng dẫn các cơ sở GDNN xây dựng, triển khai chuẩn đầu ra các trình độ trong GDNN theo quy định của Bộ.
Thứ tư, công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông được tăng cường. Việc phân luồng học sinh sau THCS được triển khai dưới nhiều hình thức: Tư vấn, tuyên truyền hướng nghiệp cho học sinh lựa chọn đi học nghề và chọn nghề sau tốt nghiệp THCS; kế hoạch hoá chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT toàn tỉnh...
Năm 2023, Sở LĐTB&XH đã tổ chức 23 hội nghị truyền thông tư vấn hướng nghiệp cho hơn 10.000 học sinh các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX thuộc các huyện: Cẩm Thủy, Lang Chánh, Như Thanh, Nông Cống, Hậu Lộc, Quảng Xương. Từ đó, nhận thức của người học, người dân và xã hội về GDNN đã có những chuyển biến tích cực. Kết quả tuyển sinh những năm gần đây đã bắt đầu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.
Thứ năm, không ngừng nâng cao hiệu quả liên kết, hợp tác giữa nhà nước-nhà trường-doanh nghiệp. Sở LĐTB&XH chỉ đạo các cơ sở GDNN quan tâm và chú trọng thực hiện các hoạt động kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động.
Hầu hết các cơ sở GDNN đã liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp, thông qua nhiều hình thức như: Phối hợp trong việc xây dựng chương trình đào tạo; sử dụng thiết bị của doanh nghiệp để dạy thực hành; hỗ trợ giáo viên là cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, thợ lành nghề... Điển hình như thực hiện ký kết hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Tập đoàn SunGroup với các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; ký hợp tác với Tập đoàn JHL Việt Nam thực hiện “Dự án 30.000 lao động chất lượng cao”.
Trong giai đoạn tiếp theo, để phát triển GDNN theo hướng mở, đa dạng, linh hoạt với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, không những của địa phương mà trên phạm vi toàn quốc, cũng như quốc tế, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch 215/KH-UBND ngày 30/8/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNNđến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045’’ và Kế hoạch số 146-KH/TU ngày 05/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Thứ hai, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội và nhân dân về giáo dục nghề nghiệp; rà soát, quy hoạch lại cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, gắn đào tạo với nhu cầu của xã hội, khuyến khích mở rộng đào tạo các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tiếp tục xây dựng và phát triển các trường đào tạo nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực ASEAN, quốc tế, trong đó ưu tiên phát triển một số trường đào tạo nghề chất lượng cao như Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp, Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn… để đào tạo nhân lực chất lượng cao hội nhập thị trường lao động trong nước, khu vực và quốc tế. Khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực GDNN theo Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ.
Thứ ba, chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN. Đầu tư cơ sở vật chất; cũng như đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, trình độ; xây dựng chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra đáp ứng yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách gắn kết GDNN với doanh nghiệp, góp phần đào tạo nghề cho người lao động gắn với giải quyết việc làm một cách bền vững. Khuyến khích việc hợp tác, liên kết giữa các cơ sở GDNN của tỉnh với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước để bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, đào tạo các nghề trọng điểm.
Thứ năm, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2019 của Chính phủ phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025, Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về phân luồng học sinh sau trung học cơ sở.
Thứ sáu, nâng cao chất lượng dự báo báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn thông tin thị trường lao động, nhu cầu nguồn nhân lực; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu lao động để các cơ sở GDNN xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; tiếp tục phát triển và hoàn thiện các hình thức thông tin thị trường lao động để định hướng lựa chọn ngành nghề đào tạo và tìm kiếm việc làm.
Thứ 7, chuyển đổi hoạt động của các cơ sở GDNN công lập đủ điều kiện sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, hạch toán như doanh nghiệp; kiên quyết chuyển sang cơ chế tự đảm bảo hoàn toàn về tài chính, tổ chức nhân sự và thực hiện nhiệm vụ đào tạo những ngành, nghề có khả năng xã hội hóa cao, trên cơ sở tỉnh thực hiện lộ trình đảm bảo kinh phí hoạt động có thời hạn./.
Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội
Từ khóa:
-
Hơn 400 tân sinh viên một trường nghề dự sự kiện “Kết nối doanh nghiệp - Kết nối tương lai”
18-09-2024 09:09 40
-
Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tiếp đón và làm việc với đoàn công tác bang Bavarian, Cộng hòa Liên bang Đức
05-09-2024 21:00 19
-
Huyện Kế Sách: Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động
10-09-2024 11:56 01
-
Việt Nam - Hàn Quốc thắt chặt hợp tác khởi nghiệp tại Tuần lễ Đầu tư và Khởi nghiệp Hàn Quốc 2024
05-09-2024 08:59 14
-
Cuộc thi “Sinh viên với Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo NTTU 2024
04-09-2024 14:11 51
-
Phát động Cuộc thi Sinh viên Kinh doanh số 2024
29-08-2024 22:50 06
English Review
MoLISA strengthens cooperation with Germany in vocational education
English Review | 18-09-2024 10:15 55