Lao động
Thanh Hóa tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp
09:46 AM 03/12/2021
(LĐXH)- Từ khi triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), Thanh Hóa đã tạo được sự đồng thuận, tin tưởng và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tính nhân văn, ưu việt của chính sách này và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, số người tham gia BHTN của tỉnh liên tục tăng qua các năm. Cụ thể, đến hết năm 2019 có 324.837 người tham gia, năm 2020 có 329.235 người; tính đến hết tháng 9/2021 là 353.331 người và dự ước đến hết năm 2021 sẽ là 361.462 tham gia BHTN. Tỷ lệ người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi đến cuối năm 2021 là 21,9%.
Phải khẳng định rằng, BHTN một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội với mục tiêu hỗ trợ người lao động bảo vệ, duy trì phát triển việc làm, ngăn ngừa thất nghiệp; thay thế, bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi thất nghiệp; hỗ trợ người thất nghiệp tham gia học nghề để nâng cao trình độ kỹ năng nghề hoặc chuyển đổi nghề nghiệp; tư vấn, giới thiệu việc làm để người lao động chóng tìm được việc làm mới. Ngoài ra, chính sách BHTN còn giúp cho người lao động được hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTN tới người lao động, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm thực hiện, triển khai đồng bộ. Tỉnh thường xuyên chú trọng đổi mới phương pháp, nội dung truyền thông theo hướng linh hoạt, phù hợp thực tiễn; kết hợp hài hòa giữa tuyên truyền thường xuyên và truyền thông theo chiến dịch. Áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo, tạp chí…), trực tiếp thông qua hội nghị khách hàng và áp dụng phương thức tuyên truyền mới qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Youtube…). Qua đó, tạo sự đồng thuận, tin tưởng và nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHTN.

Đến nay, rất nhiều lao động ở Thanh Hóa đã hiểu được tính nhân văn, ưu việt của chính sách BHTN

Thực hiện hướng dẫn của Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) về chính sách BHTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện tốt chính sách BHTN; phối hợp với một số địa phương trong tỉnh đặt 06 văn phòng đại diện tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký, hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Thông qua các phiên giao dịch việc làm định kỳ thứ 2 hàng tuần, Sở đã chỉ đạo Trung tâm phát băng tuyên truyền về chính sách pháp luật lao động, chính sách BHTN đến người dân, người lao động trên địa bàn tỉnh...; đồng thời, cung cấp địa chỉ các trang báo điện tử, Website có đăng tin bài về chính sách BHTN, tra cứu các thông tin về việc làm, học nghề cho người lao động.
Đặc biệt, để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc thực hiện và giải quyết chế độ chính sách về BHTN theo quy định của pháp luật, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Thanh Hóa chủ động bố trí cán bộ hợp lý, ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ người lao động đến đăng ký, nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như được tiếp cận thông tin thị trường lao động nhanh nhất, tìm kiếm việc làm phù hợp trong thời gian ngắn nhất.
Tuy nhiên, từ khi làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ tư xuất hiện, đã khiến không ít doanh nghiệp ở Thanh Hóa tiếp tục phải thu hẹp sản xuất hoặc tạm dừng sản xuất dẫn tới nhiều lao động phải nghỉ việc, số lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng nhanh... Trước khó khăn chung đó, tỉnh Thanh Hóa luôn sát cánh, đồng hành cùng với người lao động thực hiện tốt chính sách BHTN khi họ bị mất việc làm, kịp thời hỗ trợ họ trong thời điểm khó khăn về tài chính lúc thất nghiệp và tư vấn, giới thiệu việc làm. Nhờ đó, đã có rất nhiều lao động không chỉ được nhận tiền hưởng trợ cấp BHTN, mà họ còn tìm kiếm được việc làm mới sau khi mất việc.
Ông Nguyễn Xuân Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa, cho biết: Tính từ đầu năm đến tháng 11/2021, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 18.000 hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động. Trong số này, Trung tâm đã đánh giá, phân loại và giải quyết cho hầu hết hết các hồ sơ. Số lao thất nghiệp nói trên chủ yếu thuộc lĩnh vực giầy da, may mặc, kỹ thuật viên điện tử, thợ lắp ráp... và một số lao động có tay nghề cao của một số nhà máy từ các địa phương trở về. 
Theo thống kê, Thanh Hóa có khoảng 300.000 người lưu trú ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, phần lớn là lao động trẻ tập trung ở nhóm tuổi 15 - 35, chiếm 65%. Người lao động chủ yếu làm việc trong nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao với các lĩnh vực như điện tử, may mặc, giày da hoặc hành nghề tự do. Thời gian qua, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lao động trở về Thanh Hóa và có nhu cầu việc làm tại quê nhà lên đến hàng chục nghìn người.
"Trên cơ sở thu thập thông tin việc làm trống trong thời gian qua, Trung tâm đã và đang tư vấn, hỗ trợ cho người lao động trên địa bàn tỉnh nói chung và lao động từ các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trở về Thanh Hóa tìm kiếm việc làm mới. Bằng nhiều hình thức, trung tâm tư vấn, kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên cơ sở việc làm, phù hợp với trình độ, kinh nghiệm và nguyện vọng của người lao động trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay" - Phó Giám đốc Nguyễn Xuân Vinh, thông tin.
Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trao đổi: Trong bối cảnh vừa bảo đảm các yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tốt chức năng quản trị thị trường lao động thông qua thực thi chính sách BHTN, giúp người lao động bảo đảm một phần cuộc sống, vượt qua những khó khăn trước mắt. Thời gian tới, Sở tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung tư vấn, giới thiệu với người lao động thất nghiệp một số nghề trọng tâm dần quay trở lại hoạt động ổn định; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người lao động về chính sách BHTN. Bởi lẽ, khi tham gia BHTN, ngoài được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động còn được hỗ trợ đào tạo nghề, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tư vấn giới thiệu việc làm, được chuyển đổi ngành nghề khác…

Chí Tâm

Từ khóa: