Tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề
Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, một số trường cao đẳng, trung cấp nghề tại thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều khó khăn. Mặc dù sinh viên không đến trường nhưng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp này vẫn phải duy trì hệ thống và chi phí vận hành. Hiện các trường đã đưa ra kiến nghị để cơ quan chức năng hỗ trợ trong thời điểm khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân (số 15K Phan Văn Trị, phường 7, quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh), hiện có khoảng 200 sinh viên đang theo học ở 7 ngành. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên nhà trường phải tạm ngừng dạy, trong khi vẫn phải trả lương cho đội ngũ giảng viên, trả tiền thuê mặt bằng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Tình trạng trên cũng đang xảy ra tại nhiều trường, như: Trường Cao đẳng An ninh mạng iSPACE, Trường Cao đẳng Bách Việt, Trường Cao đẳng Miền Nam, Trường Cao đẳng Quốc tế Kent, Trường Cao đẳng Y dược Sài Gòn…
Trước thực trạng này, nhiều nhà trường đã kiến nghị và mong muốn cơ quan chức năng hỗ trợ để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Tiến sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho hay: "Để vượt qua khó khăn này, chúng tôi rất mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ các đơn vị, từ doanh nghiệp đến trường học".
Còn Tiến sĩ Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn cho biết: "Nguồn tài chính chủ yếu của nhà trường là từ học phí của sinh viên. Trong bối cảnh sinh viên nghỉ phòng chống dịch, để giúp các nhà trường, chúng tôi kiến nghị các ngân hàng hỗ trợ bằng cách miễn giảm lãi vay hoặc cho khoanh nợ để các trường an tâm, tiếp tục ổn định công tác đào tạo và tuyển sinh trong thời gian tới khi dịch bệnh đi qua".
Trong lúc chờ chính sách hỗ trợ tổng thể từ các cấp chính quyền, để chia sẻ phần nào khó khăn với đội ngũ giáo viên các cơ sở giáo dục, Công đoàn ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Văn bản số 039/CV-CĐGD về việc triển khai nội dung thông báo của Tổ chức Tài chính vi mô (CEP) về giảm lãi suất cho vay sản phẩm tín dụng tăng thu nhập cho đoàn viên công đoàn. Cụ thể, lãi suất cho vay sản phẩm tín dụng tăng thu nhập cho đoàn viên công đoàn ngành Giáo dục sẽ được giảm 0,05% tháng (tính theo dư nợ ban đầu) đối với khách hàng tại các đơn vị trường học, cơ sở giáo dục. Mức giảm lãi suất cho vay trên áp dụng cho các đợt vay được giải ngân kể từ ngày 18-3-2020 cho đến khi có thông báo mới.
Rõ ràng, còn cần nhiều hơn các chính sách hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các tổ chức khác để giúp hệ thống giáo dục nói chung, trường nghề nói riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 đồng thời duy trì được hoạt động khi dịch bệnh qua đi..
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh, toàn thành phố hiện có 567 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổng số sinh viên, học sinh, học viên theo học tại khối giáo dục nghề nghiệp là 135.669 người. Tổng số nhà giáo, người lao động tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 11.383 người./.
Theo HNMO
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00