Lao động
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Bạc Liêu cần đẩy nhanh thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người lao động
08:17 AM 02/11/2021
(LĐXH) - Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Bá Hoan đề nghị tỉnh Bạc Liêu tiếp tục triển khai, rà roát hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ người lao động.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Bạc Liêu cần đẩy nhanh việc hỗ trợ, không để người dân nào phải chờ đợi thêm

Thực hiện kế hoạch công tác, ngày 01/11/2021, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan làm trưởng đoàn công tác của Bộ đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu về công tác thực hiện triển khai theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và các Nghị quyết liên quan của Chính phủ về hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19.

Báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác bà Lê Thanh Giang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạch Liêu cho biết, hiện tỉnh Bạc Liêu đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 530 doanh nghiệp, có 16.935 lao động với tổng số tiền là 1.672 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh đã chi hỗ trợ cho 115 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương với tổng số tiền trên 461 triệu đồng. Tỉnh hỗ trợ cho 325 đối tượng là trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly với số tiền là 431 triệu đồng; Hỗ trợ 45 viên chức hoạt động nghệ thuật và 5 hướng dẫn viên du lịch với số tiền 185 triệu đồng.

 

Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu trao tặng bức tranh lưu niệm cho Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan

Đến nay toàn tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện chi hỗ trợ cho 2.173 hộ kinh doanh với số tiền 6.519 triệu đồng (số phê duyệt là 3.629 hộ); hỗ trợ cho 127.840 lao động tự do với số tiền 206.616 triệu đồng, đạt hơn 97,1% so với số người đề nghị. Về mức giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến nay tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ cho 10.466 người lao động thuộc 317 doanh nghiệp, đơn vị với tổng số tiền đã chi trên 23.707 triệu đồng.

Bà Lê Thanh Giang - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạch Liêu báo cáo với Thứ trưởng và đoàn công tác của Bộ về thực hiện NQ 68 của Chính phủ tại địa phương

Ngoài ra, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiếp nhận 636.970 tấn gạo từ Tổng cục Dự trữ Quốc gia và đã cấp phát đến 13.596 đối tượng bảo trợ xã hội và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ cho 18.393 hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 7.356 triệu đồng, từ nguồn Quỹ vì người nghèo tỉnh và Quỹ vì người nghèo - An sinh xã hội tỉnh; Ủy Ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên đã phối hợp với các ngành đã vận động cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiền mặt, trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên 68 triệu đồng.

Về tình trạng lao động tại địa phương, bà Giang cho biết, qua rà soát, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng mới khoảng 5.200 lao động. Tuy nhiên, việc thiếu hụt lao động không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đề nghị: Bạc Liêu cần quan tâm và đẩy mạnh hoạt động cung cầu lao động trong nước và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, đề nghị: Bạc Liêu cần quan tâm và đẩy mạnh hoạt động cung cầu lao động trong nước và đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ thanh niên và người lao động, đặc biệt là số lao động mới trở về địa phương từ các tỉnh thành khác, sau đợt dịch vừa có điều kiện học nghề, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp trong ngoài tỉnh và doanh nghiệp tuyển dụng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. “Trong thời gian vừa qua do dịch bệnh Covid-19, một số thị trường lao động xuất khẩu tạm ngưng, nhưng hiện nay dịch  bệnh đã giảm nhiều thị trường đã bắt đầu mở cửa tiếp nhận lao động, trong đó có thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản,… sẽ tiếp nhận một lượng lớn lao động của Việt Nam. Theo đó, Bạc Liêu cần có chính sách hỗ trợ người lao động để đi làm việc có thời hạn ở những thị trường tiềm năng này”: ông Liên thông tin.

Ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM đánh giá cao công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại Bạc Liêu

Cũng tại buổi làm việc, ông Phạm Anh Thắng - Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TP.HCM đánh giá cao công tác thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, đặc biệt là chi hỗ trợ cho người lao động tự do; trẻ em và phụ nữ mang thai.

Về tình hình thiếu hụt lao động của Bạc Liêu, ông Thắng cho rằng: Qua khảo sát về cung cầu lao động, Bạc Liêu là địa phương có nguồn cung lao động khá lớn, theo đó không lo về thiếu lao động khi các doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động bình thường trở lại. Theo đó, Bạc Liêu cần quan tâm đến hoạt động kết nối cung cầu lao động giữa địa phương với các tỉnh thành khác. Đặc biệt, Bạc Liêu cần khảo sát nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm của hơn 17.000 người lao động mới trở về địa phương xem họ có nhu cầu làm việc tại địa phương hay muốn trở lại làm việc tại TP.HCM , Bình Dương, Đồng Nai,... Qua đó, tư vấn, đào tạo nâng cao tay nghề và kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động với doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.

“Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên hệ, tiếp cận với các doanh nghiệp để phối hợp đào tạo , bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, trong đó có số lao động mới trở về địa phương. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh có những chính sách hỗ trợ cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho người lao động”, ông Thắng gợi ý.

 

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận, Tỉnh ủy, UBND Bạc Liêu cơ bản đã triển khai kịp thời các chính sách đến người dân và doanh nghiệp. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, chưa phát hiện khiếu kiện.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan ghi nhận, Tỉnh ủy, UBND Bạc Liêu cơ bản đã triển khai kịp thời các chính sách đến người dân và doanh nghiệp. Tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả, chưa phát hiện khiếu kiện.

Một số chính sách tốt như: Chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và trẻ em, tỉnh đã thực hiện tốt, rà soát, thống kê đầy đủ, có chính sách mới để hỗ trợ thêm cho phụ nữ mang thai và trẻ em, là một điểm sáng trong thực hiện chính sách đảm bảo an sinh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch, đạt 100% so với phê duyệt; Hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác, đạt 79,65% so với số người được phê duyệt.

Theo Thứ Trưởng, thời gian qua Bạc Liêu đã triển khai thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg và các chính sách an sinh xã hội của địa phương một cách đồng bộ, tuy nhiên nhìn chung kết quả đạt thấp. Theo đó, thời gian tới tỉnh Bạc Liêu cần tiếp tục cần đẩy nhanh việc thực hiện hỗ trợ đối với phụ nữ mang thai và trẻ em đã được phê duyệt.

Đối với chính sách hỗ trợ lao động tự do và các đối tượng đặc thù, tỉnh Bạc Liêu đã đẩy nhanh rà soát, mở rộng đối tượng hỗ trợ đạt hiệu quả cao, việc thực hiện chi hỗ trợ cho gần 126 ngàn đối tượng với kinh phí trên 206 tỷ đồng đã góp phần vào công tác đảm bảo san sinh xã hội, hỗ trợ để người dân yên tâm chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho số đối tượng đã được phê duyệt để tránh gây bức xúc, so bì trong nhân dân.   

“Tiếp tục rà roát đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, đẩy nhanh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong khu vực chính thức và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19; đối với số hồ sơ đã được phê duyệt, cần thực hiện ngay việc hỗ trợ không để người dân phải chờ đợi thêm”: Thứ trưởng nhấn mạnh.

Đối với số lao động trở về địa phương từ vùng dịch, tỉnh cần phân loại, thống kê xem có bao nhiêu % là người trong độ tuổi lao động, từ đó rà soát ngành nghề, trình độ đào tạo để có hướng giải quyết việc làm; bên cạnh đó, cần quan tâm kết nối với các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, … để phối hợp đưa người lao động quay trở lại làm viêc; kết nối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động để tuyển dụng, đào tạo đưa đi làm việc ở nước ngoài, đối với những người có nhu cầu.

Ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, những gì chưa làm được tỉnh sẽ tiếp tục triển khai bằng mọi cách để cố gắng đưa hỗ trợ đến người dân và doanh nghiệp sớm, kịp thời nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện nay tình hình dịch Covid-19 tại địa phương đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp, đặc biệt qua xét nghiệm, sàng lọc cho thấy ở đâu cũng có ca F0. Từ đầu tháng 10 đến nay người từ các địa phương khác về tỉnh hơn 26.000 người và hiện nay số người vẫn tiếp tục về mỗi ngày vài trăm người. Phó chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cũng cho biết, khó khăn lớn nhất của tỉnh hiện nay là việc thực hiện Nghị định 68 và Quyết định 28, vì ngân sách của tỉnh còn hạn hẹp.

Tiếp thu ý kiến của Thứ trưởng và đoàn công tác, ông Phan Thanh Duy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu khẳng định, những gì chưa làm được tỉnh sẽ tiếp tục triển khai bằng mọi cách để cố gắng đưa hỗ trợ đến người dân và doanh nghiệp sớm, kịp thời nhất.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và đoàn công tác của Bộ làm việc với lãnh đạo UBND phường 5, TP Bạc Liệu

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã tặng những phần quà đầy ý nghĩa cho những lao động vừa từ TP.HCM trở về tỉnh Bạc Liêu.

Trước khi làm việc với UBND tỉnh Bạc Liêu, sáng cùng ngày đoàn đã có buổi thực địa về tình hình thực hiện công tác an sinh xã hội theo Nghị quyết 68, Quyết định 23 tại phường 5, TP. Bạc Liêu.

Tại buổi thực địa, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã tặng những phần quà đầy ý nghĩa cho những lao động vừa từ TP.HCM trở về tỉnh Bạc Liêu.

Trương Đăng

 

 

Từ khóa: