Thừa Thiên Huế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đào tạo nghề cho lao động
(LĐXH)- Nhằm tạo điều kiện cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tham gia các khóa đào tạo nghề, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vùa ban hành Kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh năm 2023.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từng nội dung hỗ trợ được quy định đối tượng, điều kiện hỗ trợ phù hợp.
Đối với người lao động, hỗ trợ chi phí đào tạo cho người lao động của doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia khóa đào tạo nghề trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo từ 03 tháng trở xuống. Người lao động khi tham gia khóa đào tạo phải đáp ứng điều kiện đã và đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục.
Ngành nghề được hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 3 tháng do doanh nghiệp lựa chọn, xác định trên cơ sở ngành, nghề đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và có trong danh mục nghề được UBND tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.
Doanh nghiệp được lựa chọn cơ sở đào tạo nghề nghiệp trong địa bàn tỉnh nơi doanh nghiệp hoạt động, có ngành nghề đào tạo phù hợp với ngành nghề doanh nghiệp đăng ký kinh doanh để cử người lao động tham gia các khóa đào tạo nghề.
Về chi phí hỗ trợ đào tạo nghề, lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi tham gia khóa đào tạo nghề được miễn chi phí đào tạo nhưng tối đa không quá 2.000.000 đồng/người/khóa học; mỗi người một lần. Các chi phí còn lại để tham gia khóa đào tạo nghề do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, bao gồm: phần chênh lệch trong trường hợp chi phí đào tạo nghề do cơ sở đào tạo quy định cao hơn mức quy định; tiền ăn, đi lại và các chi phí khác phát sinh khi người lao động tham gia khóa đào tạo.
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Lao động - TBXH Thừa Thiên Huế chủ trì, phối hợp với các địa phương và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện. Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chính sách đào tạo lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, điều kiện hỗ trợ đối với lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo của doanh nghiệp; lập kế hoạch sử dụng kinh phí, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hằng năm theo quy định.
Ban Quản lý Khu Kinh tế công nghiệp tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện quyền và trách nhiệm trong công tác đào tạo nghề cho lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Giao UBND các huyện, thị xã và thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn triển khai thực hiện. Tổ chức thống kê, tổng hợp nhu cầu đào tạo lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa; lập kế hoạch đào tạo, sử dụng kinh phí gửi về Sở Lao động – TBXH Thừa Thiên Huế để triển khai thực hiện trên địa bàn.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh thông tin, phổ biến chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp theo quy định của phát luật và hướng dẫn tại Thông tư số 32/2018/TT-BLĐTBXH.
Hằng năm, đề xuất kế hoạch hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, theo hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp hoạt động với các nội dung chủ yếu: Đánh giá kết quả hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp năm trước (nếu có); dự kiến kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; dự kiến số lượng lao động cần đào tạo, ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo và các nội dung khác có liên quan.
Lựa chọn ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp và cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định. Chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, đề xuất việc cử người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tham gia khóa đào tạo nghề theo quy định của pháp luật.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chi trả tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người học trong thời gian đi học theo quy định. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp thỏa thuận với người lao động khi cử tham gia các khóa đào tạo nghề. Tham gia giám sát việc tổ chức đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề nghiệp đối với người lao động do doanh nghiệp cử đi học.
Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm hiểu và có quyền yêu cầu doanh nghiệp phổ biến, hướng dẫn để nắm được các chính sách, quy định về hỗ trợ đào tạo nghề đối với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và yêu cầu đào tạo, phát triển nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện quyền lựa chọn, đề xuất với doanh nghiệp về ngành nghề đào tạo, cơ sở đào tạo nghề nghiệp, địa điểm đào tạo, hình thức đào tạo, thời gian tham gia khóa đào tạo và các hỗ trợ cần thiết khác khi tham gia khóa đào tạo nghề phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của doanh nghiệp…
Minh Quang
-
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
22-11-2024 18:20 48
-
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Dũng thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Quảng Nam
19-11-2024 09:19 32
-
Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II chuyển đổi mạng mẽ sang mô hình đào tạo kép và chuyển chuyển đổi số
21-11-2024 08:58 45
-
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
10-10-2024 09:31 40
-
Trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ kỷ niệm 20 năm thành lập
17-11-2024 09:46 36
-
Trường Đại học LĐ-XH CSII tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam
16-11-2024 17:19 24