Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng giám đốc ILO Guy Ryder khẳng định, sự tham dự của 15 quốc gia tại Tọa đàm đã thể hiện cam kết hành động để chấm dứt lao động cưỡng bức, nô lệ và đặc biệt là lao động trẻ em. Mục tiêu 8.7 là nền tảng ý tưởng để đạt được mục tiêu này bằng cách nhân rộng các giải pháp hiệu quả, tối ưu hóa các nguồn lực hiện có. Hiện nay đã có 22 quốc gia tiên phong đạt mục tiêu 8.7.
Tuy nhiên, ông Guy Ryder cũng cho rằng, đại dịch Covid-19 đã và đang đe dọa cuộc sống, việc làm của hàng triệu người trên thế giới. Đại dịch cũng là nguyên nhân đe dọa tình trạng nô lệ, lao động cưỡng bức và nạn buôn bán người. Chính phủ các nước cần có những giải pháp ngăn ngừa ngừa lao động trẻ em, lao động cưỡng bức. Nhiều trẻ em đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng này và các em không được bảo vệ về y tế, dinh dưỡng, cuộc sống hàng ngày. "Đại dịch sẽ làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Chúng ta cần tăng cường hỗ trợ tài chính bền vững và cam kết chính trị. Mục tiêu 8.7 chỉ đạt được khi đoàn kết quốc gia", ông Guy Ryder nhấn mạnh.
Số liệu đại diện ILO đưa ra cho thấy, hiện có khoảng 152 triệu trẻ tham gia lao động trên toàn thế giới. Tình hình này có thể trầm trọng hơn bởi đại dịch covid. Ngay bây giờ, Chính phủ cùng các doanh nghiệp hãy cam kết thực hiện nghiêm các cam kết quốc tế để xóa bỏ lao động trẻ em. Liên quan đến sinh kế, thu nhập của người dân vì các doanh nghiệp cắt giảm lao động nên Chính phủ đóng vai trò quan trọng để điều phối, và chỉ khi nào Chính phủ có chính sách hợp lý mới giúp vượt qua khủng hoảng, phổ cập bảo trợ xã hội.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, những năm qua, Việt Nam tham gia Liên minh 8.7 với vai trò là một trong các quốc gia tiên phong trong Liên minh. Việt Nam đã phối hợp với tổ chức quốc tế như UNICEF, ILO và các quốc gia tiên phong để thúc đẩy các hoạt động tại Việt Nam, nghiên cứu và sẻ chia kiến thức về các sáng kiến, biện pháp và tăng cường sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xóa bỏ lao động cưỡng bức, chấm dứt nạn buôn người và nô lệ hiện đại, phòng ngừa, xóa bỏ lao động trẻ em dưới mọi hình thức.
Trong thời điểm đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh và việc làm của người lao động gặp nhiều khó khăn, kéo theo sự gia tăng tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm. Nhóm lao động có việc làm phi chính thức, lao động không có hợp đồng, lao động có thu nhập thấp, lao động người cao tuổi, phụ nữ, lao động di cư, nguy cơ lao động trẻ em là những nhóm dễ bị tổn thương dưới tác động của dịch bệnh. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động Việt Nam ghi nhận mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua với 75% dân số trong độ tuổi lao động, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm trước. ILO ước tính, đại dịch Covid-19 khiến hơn 22 triệu người lao động Việt Nam đứng trước rủi ro cao về việc làm.
Chia sẻ các giải pháp về bảo trợ xã hội mà Chính phủ Việt Nam thực hiện nhằm hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch COVID-19, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết: Để hỗ trợ người dân, đặc biệt là các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 24/4/2020, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ với tổng số trên 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD) để hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, Chính phủ dự kiến sẽ cho phép sử dụng từ 3.000 đến 5.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo/đào tạo lại nhằm nâng cao tay nghề cho người lao động; chuyển đổi việc làm cho thích ứng với thị trường lao động hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cuối tháng 5/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP, trong đó đề ra các nhiệm vụ cụ thể nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện các mục tiêu cao nhất trong các nhiệm vụ về kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra. Cùng với đó, Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người có công, người khuyết tật... và bảo đảm công khai, minh bạch, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi cho các đối tượng được hỗ trợ (thông qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, cận nghèo); nhân rộng các mô hình, cách làm hay giúp dân giảm nghèo ở các địa phương, hộ nghèo và các đối tượng chính sách bị ảnh hưởng bởi dịch Covid019 được Ngân hàng chính sách điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giải nhân cho vay mới, tạo điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh.
Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các địa phương công khai việc thực hiện hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để người dân nắm rõ thông tin, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát để hỗ trợ đúng đối tượng, không để trục lợi chính sách.
Riêng đối với trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid - 19, Bộ Y tế xây dựng chiến dịch truyền thông để bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịch Covid - 19 tại gia đình, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cách ly tập trung; Triển khai tuyên truyền các hướng dẫn trên mạng xã hội cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em các kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ em, học sinh trong thời gian nghỉ học tại gia đình (phát hành hơn 50.000 tờ rơi tại gần 400 khu cách ly).
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với ILO, UNICEF tổ chức tọa đàm "Covid 19: Bảo vệ trẻ em khỏi lao động trẻ em, khẩn cấp hơn bao giờ hết" và Chiến dịch truyền thông "Trái tim xanh" dưới hình thức Talk show được livestream trên trang fanpage của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Truyền hình Vì trẻ em, trên website của ILO và UNICEF bàn những tác động của COVID-19 đến lao động trẻ em, các giải pháp ứng phó để giảm thiểu tình trạng lao động trẻ em, trên cơ sở đó tổ chức các hoạt động truyền thông, tập huấn để giúp cán bộ bảo vệ trẻ em, nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch COVID - 19.
Thực hiện những giải pháp ứng phó của Chính phủ hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn, người lao động bị giảm sâu thu nhập do dịch COVID-19 và sự đồng lòng của người dân trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giữ vững an sinh xã hội, kể từ ngày 23/4/2020, Việt Nam là một trong những quốc gia sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Đăng Doanh
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25