Tiền Giang: Người lao động tự do bị mất việc làm do Covid-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mười vừa ký ban hành Quyết định 1910/ QĐ-UBND về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
AI SẼ ĐƯỢC HỖ TRỢ
UBND tỉnh quyết định hỗ trợ người lao động tự do bị mất việc làm, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo quy định tại điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Quyết định nêu rõ các nhóm đối tượng được hỗ trợ.
Nhóm thứ nhất là người lao động tự làm hoặc làm thuê thuộc các nhóm, lĩnh vực sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; làm công việc thu gom rác, phế liệu; làm công việc bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; người bán lẻ xổ số lưu động; người tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Trường hợp có từ 2 người trở lên tự làm tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe không đủ điều kiện được hỗ trợ theo chính sách đối với hộ kinh doanh theo quy định tại điểm 10 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP thì chỉ 1 người đại diện hộ kinh doanh được hỗ trợ.
Người tự làm hoặc làm thuê trong cơ sở làm đẹp (thẩm mỹ, xăm mình, cắt tóc, uốn tóc, nail, spa và làm đẹp khác); phục vụ trong quán bar, vũ trường, karaoke, câu lạc bộ bi-da, các tụ điểm hát với nhau, rạp chiếu phim, rạp hát, câu lạc bộ khiêu vũ, các điểm truy cập Internet và trò chơi điện tử; phục vụ tại các cơ sở tập luyện thể dục thể thao: Thể dục thẩm mỹ, aerobic, phòng tập gym, hồ bơi, yoga, võ thuật (huấn luyện viên, người hướng dẫn, phục vụ,...); lao động giúp việc gia đình.
Nhóm thứ hai là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động làm việc thời vụ, khoán việc tại các doanh nghiệp bị mất việc làm thuộc các lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch.
ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC HỖ TRỢ
Người lao động thuộc các nhóm đối tượng trên đáp ứng 3 điều kiện sau sẽ được hỗ trợ. Thứ nhất, đó là người cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang theo quy định của Luật Cư trú. Thứ hai bị mất việc làm từ 15 ngày liên tục trở lên khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến ngày 31-12-2021. Thứ ba, có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19-11-2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 trong thời gian bị mất việc. Người trong diện được hỗ trợ trên sẽ được nhận 1,5 triệu đồng trong năm 2021.
Quyết định của UBND tỉnh góp phần chia sẻ với người lao động trong lúc khó khăn.
UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh việc hỗ trợ an sinh xã hội này phải đảm bảo nguyên tắc kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; thành phần hồ sơ, thủ tục và quy trình thực hiện đơn giản, ngắn gọn dễ thực hiện; mỗi đối tượng chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ theo quy định, nếu đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách thì chỉ giải quyết hỗ trợ theo chính sách cao nhất, không để xảy ra trùng lắp, không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn hồ sơ (biểu mẫu) thực hiện chính sách này theo nguyên tắc: Đơn giản, ngắn gọn, dễ thực hiện, nhưng phải đảm bảo xác định chính xác, đúng đối tượng.
UBND cấp xã có nhiệm vụ rà soát, hướng dẫn người lao động đáp ứng điều kiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ, tổ chức họp xét với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và công khai với cộng đồng dân cư; niêm yết công khai danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ; đồng thời, gửi danh sách người lao động đủ điều kiện về UBND cấp huyện.
Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15-1-2022. Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định hồ sơ, trình UBND cấp huyện ký trình UBND tỉnh phê duyệt. Căn cứ Quyết định phê duyệt danh sách, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định bổ sung dự toán cho các địa phương hoặc có công văn hướng dẫn địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương để thực hiện. UBND cấp huyện chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chi trả cho người lao động ngay khi được bố trí kinh phí.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội này do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn cải cách tiền lương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Riêng kinh phí hỗ trợ đối với người bán vé số lẻ được đảm bảo từ nguồn kinh phí của Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Tiền Giang./.
Thủy Hà
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48