Thời sự
Tiếp tục đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
10:28 AM 26/06/2021
(LĐXH)- Đây là một nội dung tại Thông báo 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Thông báo nêu rõ, dịch bệnh COVID-19 tại nước ta đang tiếp tục được kiểm soát, nhưng cục bộ tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương đang diễn biến phức tạp, khó dự báo và một số tỉnh có nguy cơ cao có thể bùng phát bất kỳ khi nào ở bất cứ đâu. Vì vậy, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Trong đợt dịch này, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương toàn ngành y tế, các lực lượng tuyến đầu chống dịch như quân đội, công an..., các tỉnh, thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh đã nỗ lực, cố gắng, kiềm chế, đẩy lùi được dịch bệnh, đồng thời bảo đảm điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh hiện cũng đang rất nỗ lực phấn đấu với tinh thần cao nhất để thực hiện mục tiêu kép.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đánh giá đúng tình hình, kịp thời biểu dương khen thưởng những nơi làm tốt, phổ biến nhanh cách làm hay, kinh nghiệm quý; kiểm điểm, xử lý nghiêm minh hành vi, biểu hiện vi phạm quy định phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại cuộc họp trực tuyến về phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh: chinhphu.vn)
Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu:
1- Ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường.
2- Bảo đảm mục tiêu kép: Phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì sản xuất, kinh doanh để có nguồn lực phòng, chống dịch và phục vụ nhân dân.
3- Tập trung hỗ trợ các tỉnh có tâm dịch, trước hết là Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương để dập dịch thành công, trong đó đặc biệt lưu ý đến mục tiêu ngăn chặn dịch lây lan vào các khu công nghiệp, bệnh viện.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm phương châm “5K + vaccine” và tích cực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch; đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... phải thực hiện nghiêm yêu cầu về kiểm tra và cập nhật lên hệ thống an toàn COVID-19.
Phòng ngừa phải chủ động, tích cực, phát hiện phải sớm, khoanh vùng, cách ly phải nhanh, điều trị phải hiệu quả, xử lý dứt điểm nhanh chóng ổn định tình hình, bảo đảm cuộc sống, sản xuất kinh doanh cho người dân.
Trong áp dụng biện pháp khoanh vùng, phong tỏa, giãn cách xã hội cần lưu ý xác định phạm vi phù hợp trên cơ sở, căn cứ dịch tễ, không máy móc áp dụng theo đơn vị hành chính; kiểm soát chặt chẽ bên trong các khu vực phong tỏa, giãn cách, cách ly, tránh lây nhiễm chéo; phát huy vai trò, hiệu quả giám sát của Tổ COVID cộng đồng ở cấp cơ sở.
Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình, thực hiện việc cách ly y tế tại nhà.
Xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm, cách ly, phong tỏa kịp thời là chìa khóa dập dịch thành công. Khi có dịch phải thần tốc xét nghiệm, chú ý xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng, xét nghiệm tại các cơ sở y tế, xét nghiệm ngay đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng. Bộ Y tế nghiên cứu, xây dựng cơ chế xã hội hóa xét nghiệm COVID-19, có thể thực hiện thí điểm ở một số nơi rồi rút kinh nghiệm, mở rộng dần.
Đề xuất chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh
Cũng tại Thông báo, Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục thúc đẩy, đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Y tế đề xuất khung giá chung cho việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch, bảo đảm giá cạnh tranh, công khai, minh bạch, khách quan, chống độc quyền, ngăn ngừa có hiệu quả tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
Bộ Y tế kiểm tra, rà soát kỹ lại quy trình mua sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch, bảo đảm vì lợi ích chung, không được để lợi ích nhóm, không để xảy ra tiêu cực, tránh cạnh tranh không lành mạnh; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn ngay các hiện tượng giá cao nhưng lại mua nhiều, giá thấp nhưng lại mua ít. Khẩn trương đánh giá các sản phẩm được sản xuất trong nước để có chính sách ưu tiên dùng hàng Việt Nam một cách công khai, minh bạch, khách quan, bình đẳng, hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân ở vùng đang có dịch. Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông... theo chức năng rà soát, ban hành, hoàn thiện các quy định, quy chế và giám sát, kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, hiệu quả; không để ách tắc, đình trệ các hoạt động sản xuất, giao thương, lưu thông hàng hóa, vận tải đi - đến vùng có dịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông an toàn, hiệu quả, bảo đảm quyền lợi học sinh, giảm phiền hà cho phụ huynh và học sinh.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ 
Tại cuộc họp vào ngày 25/6 của Bộ Chính trị để cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương trong việc triển khai chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Việc triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay từ khi dịch mới bắt đầu bùng phát trong năm 2020 có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng, góp phần hỗ trợ người dân, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp, nhờ đó hạn chế những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân, tiếp tục nâng cao niềm tin trong nhân dân về các chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, mặc dù đã đạt được một số thành tựu, kết quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, vì thế không được chủ quan.
Đối với những người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, chúng ta có chủ trương hỗ trợ để tiếp tục bảo đảm sản xuất, vừa chống dịch vừa phải bảo đảm sản xuất kinh doanh, đấy là thực hiện mục tiêu kép.
Bộ Chính trị đồng ý chủ trương tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, trên cơ sở bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội; rút kinh nghiệm từ việc thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và các biện pháp hỗ trợ của các nước để tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, thiết thực./.
Nguyễn Lại Thìn
Từ khóa: