Lao động
Tìm giải pháp phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế
06:35 PM 29/05/2024
(LĐXH)- Theo số liệu được Bộ Y tế công bố, trong giai đoạn 2020 - 2023, trung bình mỗi năm có khoảng 3.000 - 5.000 trường hợp nhân viên Y tế mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện. Sức khỏe nghề nghiệp không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ y tế và hiệu quả công việc của cả hệ thống.
Vừa qua, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Khối thi đua số 3 Công đoàn Y tế Việt Nam đã tổ chức buổi Tọa đàm về sức khỏe nghề nghiệp của nhân viên y tế tại bệnh viện với sự tham gia của đại diện 12 đơn vị trong Khối thi đua.
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Xuân Tuyên nhấn mạnh vai trò quan trọng của Công đoàn và chính quyền trong việc phối hợp để đưa ra các biện pháp phòng, tránh bệnh nghề nghiệp cho đoàn viên và nhân viên y tế. Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, sức khỏe nghề nghiệp không chỉ là vấn đề cá nhân mà còn ảnh hưởng lớn đến chất lượng dịch vụ y tế và hiệu quả công việc của cả hệ thống.
Thạc sĩ Phạm Xuân Thành, Phó Trưởng phòng Sức khỏe lao động, Cục Quản lý Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động của nghệ nghiệp tác động đối với người lao động. Bệnh nghề nghiệp thuộc 6 nhóm gồm: Các loại bệnh phổi và phế quản; các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp; các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý; các bệnh da nghề nghiệp; các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp; bệnh ung thư nghề nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam phát biểu tại tọa đàm.

Theo số liệu được Bộ Y tế công bố, trong giai đoạn 2020 - 2023, trung bình mỗi năm có khoảng 250.000 - 350.000 người lao động được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; có 3.000 - 5.000 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được phát hiện (chiếm trên 1%), giám định chỉ chiếm 10% tổng số mắc. Tích lũy số trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm đến hết năm 2022 là 30.228 trường hợp.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ, bác sĩ Hà Lan Phương, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường chia sẻ: Yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế đa dạng về các chủng loại và nguồn phát bệnh. Để đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế cần thực hiện đúng và đầy đủ các nội dung: Khám sức khỏe trước khi bố trí làm việc; khám sức khỏe phát hiện bệnh nghề nghiệp; quan trắc sức khỏe người lao động... Bên cạnh đó các cơ sở y tế cần phải thực hiện: Quan trắc môi trường lao động, khám bệnh nghề nghiệp, danh sách công bố trên Cổng Thông tin của Bộ Y tế.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, để bảo vệ tốt sức khỏe đoàn viên, người lao động, tránh mắc bệnh nghề nghiệp thì trước hết nhận thức của mỗi đoàn viên, cán bộ y tế là hết sức quan trọng. “Công đoàn cần tham mưu cấp ủy, phối hợp lãnh đạo đơn vị triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tạo môi trường làm việc an toàn và lành mạnh. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động bền vững”, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình nói.
Toàn cảnh Tọa đàm.
Bên cạnh những ý kiến đóng góp, chia sẻ, thảo luận của các đại biểu về thực trạng công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ngành Y tế, trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tặng quà và trao hỗ trợ cho đoàn viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo thuộc Khối thi đua số 3 Công đoàn Y tế Việt Nam nhân dịp Tháng Công nhân, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024.
Theo bà Phạm Thanh Bình, chăm lo, hỗ trợ đoàn viên bị bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo là hoạt động thường niên và nằm trong chuỗi các hoạt động nhân Tháng Công nhân, Tháng hành động ATVSLĐ và hướng tới kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
“Đây cũng là dịp vô cùng ý nghĩa để các cấp Công đoàn tri ân, động viên, chia sẻ những khó khăn với những chiến sĩ áo trắng đã vì sức khỏe của người dân, cộng đồng chịu thiệt thòi cho bản thân”, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam Phạm Thanh Bình nhấn mạnh và khẳng định: Trong thời gian tới, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm chăm lo và huy động nhiều hơn nữa sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ các đoàn viên, người lao động ngành Y tế có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam và ông Phan Hoàng Hiệp,

Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương trao hỗ trợ cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tin tưởng rằng, hoạt động trao hỗ trợ cho đoàn viên Công đoàn ngành Y tế có hoàn cảnh khó khăn sẽ tạo hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, thúc đẩy sự quan tâm, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân viên y tế trên toàn quốc. Qua đó, tạo động lực giúp đoàn viên, người lao động ngành Y tế vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục phấn đấu và cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của nhân dân mà Đảng và Nhà nước đã giao phó cho ngành Y tế.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao vai trò của Công đoàn Y tế Việt Nam đã luôn chủ động, linh hoạt đề xuất kịp thời với Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Y tế nhiều giải pháp, các chế độ chính sách ý nghĩa, thiết thực nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở y tế; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động ngày một tốt hơn.
“Những phần quà trao tặng tuy giá trị tuy không lớn nhưng khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn luôn đồng hành, kề vai sát cánh, chia sẻ những khó khăn với đoàn viên, người lao động ngành Y tế”, ông Nguyễn Xuân Hùng khẳng định./.

Hải Uyên