Lao động
Tín hiệu tích cực về vấn đề lao động, giải quyết việc làm của tỉnh Cà Mau trước đại dịch Covid-19
05:08 PM 10/11/2021
(LĐXH)-Tỉnh Cà Mau có 02 khu công nghiệp và 01 khu kinh tế (Khu công nghiệp Khánh An, Khu công nghiệp Hòa Trung và Khu kinh tế Năm Căn). Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 4.300 doanh nghiệp, trong đó có 07 doanh nghiệp nhà nước; 4.300 doanh nghiệp dân doanh; 01 doanh nghiệp FDI.
Cà Mau tạo điều kiện hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động trở về từ vùng dịch

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh từ đầu tháng 5/2021 do đó trước thời điểm tháng 4/2021 các hoạt động doanh nghiệp bình thường. Dịch bệnh bùng phát trở lại diễn biến phức tạp, dẫn đến đến giãn cách xã hội trung tuần tháng 7/2021 kéo dài hết tháng 9/2021. Theo đó, làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh hoanh của nhiều doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp nhỏ, tác động của đại dịch làm biến động tăng giảm doanh nghiệp trước và sau thời điểm tháng 4/2021 có biến động, một số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chủ yếu các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải tạm dừng hoạt động, một số doanh nghiệp sản xuất có quy mô vừa và lớn thực hiện phương án làm việc 3 tại chỗ. Hiện nay, sau khi tỉnh nới lõng giãn cách xã hội, nhìn chung các doanh nghiệp dần khôi phục hoạt động trở lại hoạt động trong trạng thái bình thường. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ tháng 4-11/2021, tỉnh có 05 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động 14 ngày do bị phong tỏa phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 01 doanh nghiệp tạm ngừng 07 ngày. Số người bị nhiễm F0 là 05 người chủ yếu lây nhiễm ngoài cộng đồng và có trên 20 người F1 do tiếp xúc F0. Hiện các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường sau khi kết thúc phong tỏa.

Theo số liệu báo cáo đến 6 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp là trên 78.630 lao động. Trong đó, lao động trong doanh nghiệp nhà nước là trên 1.200 lao động, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 110 lao động, còn lại là trong doanh nghiệp dân doanh. Do tác động dịch đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ trung tuần tháng 7 kéo dài đến cuối tháng 9/2021, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thực phương án “3 tại chỗ” làm xuất hiện tình trạng biến động lao động là giảm trên 6.493 lao động và việc thực hiện giãn cách xã hội đã làm cho nhiều doanh nghiệp có quy mô nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh tạm dừng hoạt động dẫn đến trên 100 nghìn lao động tạm thời ngừng việc ngắn hạn, chủ yếu là lao động phổ thông.

Trong quý 4/2021, có nhiều doanh nghiệp trong tỉnh Cà Mau có nhu cầu tuyển dụng

Sau khi nới lõng giãn cách xã hội các doanh nghiệp quy mô nhỏ thu hút lao động trở lại hoạt động bình thường, một số doanh nghiệp có quy mô lớn khôi phục sản xuất thu hút đông đảo lao động quay lại làm việc; sau hơn 1 tháng lao động bị tạm ngừng việc do thực hiện phương án “3 tại chỗ”, 17 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm trên 4.400 lao động. Nhìn chung, sau khi các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trở lại hoạt động mặt dù dẫn còn gặp không ít khó khăn bởi vừa sản xuất vừa chống dịch, nhưng gặp thuận lợi về nhu cầu tuyển dụng lao động do có nhiều lao động tự phát trở về địa phương từ sau ngày 30/9/2021.

Tính đến thời điểm đầu tháng 11/2021, tỉnh có 58.683 lao động làm việc ngoài tỉnh trở về địa phương phòng tránh dịch, cụ thể: Về tỉnh trước ngày 30/9/2021  là 36.737 lao động;  Về tỉnh sau ngày 30/9/2021 là 21.946 lao động.

Trước sự bùng phát lao động trở về tỉnh số lượng lớn, tỉnh Cà Mau chỉ đạo thực hiện rà soát nắm tình hình lao động, xác định rõ số lao động muốn quay lại nơi làm việc cũ và phối hợp với tỉnh bạn có những giải pháp đưa lao động quay lại nơi làm việc an toàn; Số lao động không tiếp tục tham gia thị trường lao động có nhu cầu phát triển kinh tế hộ gia đình và hỗ trợ vay vốn tạo việc làm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương nắm tình hình, tổng hợp chi tiết lao động trở về địa phương theo trình độ, nghề nghiệp nhằm kịp thời đưa ra giải pháp hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động phù hợp với nhu cầu từng lao động. Tăng cường công tác thu thập thông tin, tuyên truyền trên websitehttps://vieclam.camau.gov.vn.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng tăng cường đổi mới hình thức tổ chức phiên giao dịch việc làm, thực hiện kết nối thông tin thị trường lao động qua trực tuyến hoặc trực tiếp đảm bảo phù hợp bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trung tâm cũng phối hợp hỗ trợ DN có nhu cầu tuyển lao động, hỗ trợ pháp lý, kết nối người lao động, người sử dụng lao động trong, ngoài tỉnh về nhu cầu tuyển dụng lao động, qua đó góp phần tạo điều kiện giúp cho người lao động sớm có việc làm, ổn định cuộc sống

Bên cạnh đó, thời gian qua, người lao động cũng nhận được sự quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Đối với lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động theo quy định được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP; Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Đối với lao động không giao kết hợp đồng lao động hoặc lao động tự do bị mất việc theo yêu cầu cấp thẩm quyền để phòng chống dịch Covid-19, được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh theo điểm 12, mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện các chính sách duy trì việc làm, thu hút lao động quay trở lại làm việc, phục hồi thị trường lao động thông qua nhiều hình thức tuyên truyền vận động lao động và doanh nghiệp chung sức phòng chống dịch, thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà nước, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động.

Đặc biệt, trong thời gian thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động nhiều doanh nghiệp thỏa thuận trả lương cơ bản và đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động, thu hút sự gắn bó của lao động với doanh nghiệp. Doanh nghiệp duy trì thực hiện cơ bản tốt chính sách an sinh xã hội cho người lao động, phối hợp hỗ trợ giúp doanh nghiệp xét nghiệm, tiêm vắc xin,…

Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Cà Mau cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã tiếp nhận hơn 3.600 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp và trình Sở LĐ-TBXH ra quyết định hưởng trợ cấp cho hơn 3.300 trường hợp. Khác với một số tỉnh, tỉnh Cà Mau thực hiện tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Theo Trung tâm DVVL tỉnh, thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trung tâm được bố trí quầy số 21 tại Trung tâm giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Tại đây, có 4 viên chức trực phụ trách giải quyết thủ tục về BHTN cho người lao động. Thời điểm này, trung bình mỗi ngày trung tâm hỗ trợ giải quyết thủ tục về BHTN cho khoảng 200 người.
Tính đến hết tháng 8/2021 toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.650/39.300 lao động, đạt 52,54% kế hoạch, trong đó lao động trong tỉnh 4.253, lao động ngoài tỉnh 16.332 và lao động ngoài nước là 65. Đồng thời, đã hoàn tất thủ tục cho 35 lao động chuẩn bị xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. 

Theo số liệu tổng hợp từ Website, mới đầu quý 4/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 17 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với trên 4.400 người, chủ yếu ngành nghề chế biến thủy sản, trong đó lao động qua đào tạo khoảng 12%, còn lại là lao động phổ thông. Dự kiến năm 2022, nhu cầu tuyển dụng lao động khoảng từ 8.000 người đến 10.000 người. Nhìn chung nhu cầu tuyển dụng lao động chủ yếu trình độ phổ thông nên khả năng đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là những tín hiệu tích cực đối với những lao động đang bị mất việc làm và những lao động mới quay trở lại địa phương sinh sống./.


Mỹ Hạnh

 

Từ khóa: