Tọa đàm khoa học về Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2030
(LĐXH)- Ngày 15/12, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) tổ chức Tọa đàm khoa học Các đột phá trong Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, cho rằng: Chiến lược Phát triển giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021 - 2030 là vấn đề thời sự, quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học đã tư vấn, góp ý nhiều nội dung liên quan đến phát triển GDNN. Dự thảo Văn kiện đã xác định GDNN nằm trong 1 trong 3 đột phá trong phát triển nguồn nhân lực. Trong đó nhấn mạnh việc phải hiện đại hóa, đổi mới phương thức đào tạo của GDNN.
"Trọng tâm của Chiến lược phát triển GDNN là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính vì vậy, đây là cơ hội lớn để bàn về Chiến lược Phát triển GDNN trong thời gian tới, chọn vấn đề nào để đột phá, giải pháp nào để đột phá" - Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng, trao đổi.
Tại hội thảo, bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục GDNN), chia sẻ: Kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển cho thấy, nhân lực có kỹ năng, nhất là những người có tay nghề cao có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần tạo ra năng suất lao động vượt trội, thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đòi hỏi về đội ngũ lao động có kỹ năng càng đặt ra bức thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 khi công nghệ mới đòi hỏi kỹ năng cao, tiết kiệm lao động nên các ngành nghề phổ thông thuộc nhóm trung bình sẽ dần biết mất và lao động giá rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cuộc cách mạng 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung (trung cấp, cao đẳng) cũng sẽ bị ảnh hưởng, nếu như họ không được trang bị những kỹ năng mới – kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0.
“Dự thảo Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 theo đó đã hướng đến trọng tâm là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, hình thành đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp cao, có năng lực thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và thị trường lao động dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” - bà Khương Thị Nhàn, thông tin.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, yêu cầu tất yếu về nguồn nhân lực có kỹ năng nghề đòi hỏi hệ thống GDNN phải đổi mới hoạt động đào tạo, không chỉ trang bị kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải trang bị cho người học kỹ năng thích ứng với sự thay đổi. Đồng thời phải tăng cường các hoạt động đào tạo lại cho người lao động.
Nhấn mạnh vai trò của kỹ năng nghề, một số chuyên gia chia sẻ nhận định của Ngân hàng thế giới (WB) – Thế kỷ 21 được gọi là kỷ nguyên kinh tế dựa vào kỹ năng. Vũ khí cạnh tranh quyết định ở thế kỷ này là giáo dục và kỹ năng của lực lượng lao động. Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) mới đây cũng nhấn mạnh, kỹ năng nghề được goi là một trong 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh toàn cầu của các nền kinh tế. Thậm chí kỹ năng còn được xem như là một “đơn vị tiền tệ” mới trên thị trường lao động toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam, nhất là nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo…
Dự thảo Chiến lược Phát triển GDNN giai đoạn 2021 - 2030 theo đó đã đưa ra mục tiêu tổng quát là hình thành và phát triển hệ thống GDNN phù hợp theo hướng mở, linh hoạt, chất lượng, hiệu quả, dễ tiếp cận, công bằng và bền vững.
Cụ thể như, thực hiện “mở” trong quản lý GDNN theo hướng trao quyền và phân quyền, chuyển dần chức năng quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN sang chức năng hỗ trợ và giám sát. Đồng thời, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở GDNN. Cùng với đó, dỡ bỏ các “rào cản” đối với người học (về địa điểm, khoảng cách địa lý, thời gian, kinh tế, tuổi tác, sức khỏe, nội dung, phương thức…) để mọi người có cơ hội được học và học được nhằm chuẩn bị cho việc làm trong thị trường lao động hoặc chuyển tiếp sang bậc trình độ khác trong hệ thống GDNN cũng như trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Bên cạnh đó, cơ sở GDNN cần tổ chức các hoạt động đào tạo linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, của người nghèo và các nhóm yếu thế…
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Trường Trung cấp Lục Yên gắn đào tạo với giải quyết việc làm
26-11-2024 14:10 53
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác nhằm thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
26-11-2024 10:31 07
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Nghề Kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính Trường Cao đẳng nghề TP.HCM đã đạt chuẩn kiểm định
18-11-2024 11:01 13
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00