Tham dự Hội nghị có ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM (Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 112 – Thành phố); ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH (Phó Trưởng ban thường trực Chương trình 112 – Thành phố và đại diện các Trường Đại học (ĐH) Lao động - Xã hội (CSII) TP.HCM; Trường ĐH Sư phạm TP.HCM; Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM; Trường ĐH Tôn Đức Thắng; Trường Đại học Mở TP.HCM; Học viện Cán bộ TP.HCM; Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam TP.HCM.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, công tác xã hội được nhìn nhận là một hoạt động mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới hàng thế kỷ nay. Tính chuyên nghiệp của CTXH được thể hiện rất rõ trong huy động nguồn lực, tăng cường năng lực giải quyết vấn đề xã hội đối với cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần đảm bảo nền an sinh xã hội của quốc gia.
Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của hoạt động này, ngày 25/3/20210, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg (Quyến định số 32/2010/QĐ-TTg) phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH tại Việt Nam giai đoạn 2010-2020. Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng hệ thống pháp lý liên quan đến CTXH, phát triển mạng lưới dịch vụ và nhân viên CTXH có trình độ nhằm tăng cường năng lực cho những người yếu thế, nhóm người dễ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh khó khăn, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi, gia đình nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt.
Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, trên cơ sở triển khai thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, Thành phố đã ban hành Quyết định số 1511/2011/QĐ-UBND ngày 25/3/2011 về phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn Thành phố. Trong đó xác định tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho CBCV các Sở, ngành, phường, xã, thị trấn; tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể xã hội; các Trung tâm BTXH công lập, cơ sở giáo dục lao động xã hội(LĐXH) là mục tiêu và nhiệm vụ quan trọng.
Kết quả, sau 10 năm thực hiện: đã tổ chức 319 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội cho 23.912 lượt người là CBCVVC các Sở, ngành, phường, xã, thị trấn; tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể xã hội; các trung tâm BTXH công lập, Cơ sở giáo dục LĐXH tham dự. Bên cạnh đó,mở lớp đào tạo trình độ Trung cấp, Đại học nghề CTXH cho 797 CBCVVC của phường, xã, tổ chức chính trị - xã hội, trung tâm BTXH công lập, cơ sở giáo dục LĐXH.
Ông Dương Anh Đức cho biết, cùng với cả nước, những năm qua TP.HCM luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội. Luật pháp và các chính sách đối với trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng BTXH được thể chế hoá, tạo môi trường pháp lý để Thành phố triển khai thực hiện. Nhiều chương trình, giải pháp được thực hiện nhằm giải quyết tốt những vấn đề xã hội phát sinh trong từng giai đoạn như: Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình phổ cập giáo dục bậc phổ thông trung học;chương trình bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế tự nguyện; chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn;chương trình phòng, chống HIV-AIDS; chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em;chương trình tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện ma túy, người mại dâm hoà nhập cộng đồng...Các đối tượng thụ hưởng chính sách được mở rộng, mức chuẩn trợ giúp xã hội tại Thành phố được nâng lên, các đối tượng BTXH được hỗ trợ về y tế, giáo dục, việc làm, nhà ở tham gia vào hoạt động cộng đồng... Từ đó đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng xã hội từng bước được cải thiện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Ông Dương Anh Đức nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, không chỉ đề cập tới sự liên kết toàn cầu của các lĩnh vực kinh doanh, thương mại mà của cả hoạt động xã hội. Do đó, để thực hiện hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, đòi hỏi yêu cầu phát triển CTXH chuyên nghiệp tại Việt Nam nói chung và tại TP.HCM nói riêng là hết sức cấp thiết và là nhiệm vụ quan trọng cho những năm sắp tới.
Ngày 4/10/2022,UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3359/QĐ-UBND triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển CTXH trên địa bàn TP.HCM giai đoạn đến năm 2030, với mục tiêu:Tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại Thành phố, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội theo từng giai đoạn.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phát biểu tại hội nghị
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, để Chương trình phát triển nghề CTXH trên địa bàn Thành phố đạt được thành công và đi vào thực tiễn, UBND Thành phố đã giao cho Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực thực hiện Chương trình có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, UBND các quận, huyện và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chương trình; nghiên cứu đánh giá tình hình thực hiện các chính sách, pháp luật về CTXH; xây dựng mạng lưới tổ chức cung cấp các dịch vụ CTXH; tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho cho đội ngũ CBCCVC và nhân viên CTXHđủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến của Thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM tiếp thu, ghi nhận toàn bộ những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức. Đồng thời, cam kết cụ thể hóa thành các nội dung hành động cụ thể vào Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành phố, của ngành LĐ-TB&XH để thực hiện đúng trọng tâm, đạt yêu cầu về chất lượng và hiệu quả như mong muốn của Lãnh đạo Thành phố.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, nhận thức được vai trò quan trọng trong việc phát huy các nguồn lực từ cơ sở đào tạo ngành CTXH để thực hiện hiệu quả mục tiêu chung của Thành phố đến năm 2030 là “xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến trên địa bàn Thành phố“.
Theo đó, Sở LĐ-TB&XH đã trao đổi, thảo luận, xin ý kiến Ban Giám hiệu và Lãnh đạo 7 Trường ĐH và Học viện có đào tạo ngành CTXH trên địa bàn Thành phố để mời hợp tác thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trên tinh thần đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH Thành phố cùng với các đơn vị phối hợp các hoạt động như: tổ chức Kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam và Ngày CTXH Quốc tế; tổ chức cáchội thảo, hội nghị cấp Thành phố và quốc tế về CTXH; phối hợp thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng CTXH đối với CBVC nhân viên và cộng tác viên CTXH đáp ứng yêu cầu Thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, phối hợp nghiên cứu, phát triển, chia sẻ các mô hình, cách làm hay và nghiên cứu các đề tài khoa học cấp Thành phố, Quốc gia để áp dụng vào thực tiễn hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm… phù hợp với đặc điểm của TP.HCM. Cuối cùng là phối hợp xây dựng mạng lưới cơ sở thực hành CTXH và đội ngũ cán bộ hướng dẫn sinh viên thực hành công tác xã hội chuyên nghiệp (kiểm huấn viên), quy trình giới thiệu sinh viên đến thực tập tại các đơn vị BTXH công lập, ngoài công lập phù hợp và đáp ứng yêu cầu của từng trường, học viện.
TS. Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Cơ sở II, Trường ĐH Lao động-Xã hội chia sẻ về thông tin về nghề CTXH tại hội nghị
“Công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo ngành CTXH trước đây đã được triển khai, thực hiện; tuy nhiên tính chất công tác phối hợp chỉ dừng lại ở các chương trình, đề án riêng lẻ, chưa hệ thống hóa thành một kế hoạch hợp tác dài hơi và quy tụ nhiều bên tham gia, có hệ thống mục tiêu chỉ tiêu rõ ràng. Chính vì vậy chưa phát huy hết nội lực và thế mạnh của các cơ sở đào tạo ngành CTXH để nghề CTXH của Thành phố có cơ hội được phát triển mạnh mẽ nhất. Chương trình ký kết hợp tác hôm nay, được Sở LĐ-TB&XH đề xuất như là một mô hình sáng tạo, cách làm mới để góp phần tạo điều kiện phát triển CTXH lên một tầm cao mới”, ông Lê Văn Thinh khẳng định.
Chia sẻ tại hội nghị, TS. Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Cơ sở II, Trường ĐH Lao động-Xã hội cho rằng, vinh dự và tự hào đến đây để tham gia sự kiện ký kết hợp tác giữa Trường ĐH Lao động -Xã hội (CS2) TP.HCM với Sở LĐ-TB&XH TP.HCM về chương trình phát triển CTXH trên địa bàn Thành phố đến năm 2030. Sự kiện là một bước quan trọng nhằm tạo ra những thay đổi tích cực trong lĩnh vực CTXH của TP.HCM nói riêng và cho xã hội nói chung.
Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM tặng hoa chúc mừng các đơn vị
TS. Phạm Ngọc Thành cho biết, Trường ĐH Lao động - Xã hội là cơ sở giáo dục đại học công lập duy nhất của ngành LĐTBXH trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao theo định hướng ứng dụng đang đào tạo 15 ngành, với thế mạnh là các ngành Quản trị nhân lực, CTXH, Bảo hiểm, Kế toán và Quản trị kinh doanh, luật; là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế - lao động – xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, đất nước và hội nhập quốc tế.Đặc biệt, năm 2020 Trường được phép đào tạo cấp chứng chỉ nghề CTXH viên (hạng 3) và nhân viên CTXH (hạng 4).
CTXH là một nghề mới tại Việt nam, vì thế gặp nhiều thách thức đòi hỏi cần có sự chung tay, phối hợp giữa các ban ngành, cơ sở đào tạo để thúc đẩy sự phát triển của nghề CTXH. Do vậy, việc ký kết hợp tác giữa các bên để cùng phát triển nghề CTXH là điều cần thiết và vô cùng ý nghĩa. “Chúng tôi không chỉ đơn thuần là ký kết một văn bản, mà là hứa hẹn sẽ xây dựng một mối quan hệ chặt chẽ, trong đó cả hai bên đều có trách nhiệm hỗ trợ và chia sẻ thông tin, nguồn lực.Chúng tôi cam kết đồng hành với Sở LĐ-TB&XH TP.HCMcùng chung tay xây dựng một xã hội mà mọi người đều có cơ hội, không bị bỏ lại phía sau”, TS. Phạm Ngọc Thành nói. Đồng thời, TS.Thành khẳng định, Nhà trường sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo và hỗ trợ nghề nghiệp, nhằm giúp tạo ra những nhân lực trình độ cao có đầy đủ kỹ năng và sẵn sàng làm việc trong môi trường thực tế.
Ông Dương Anh Đức và các đại biểu dự hội nghị chụp hình lưu niệm
Hiện nay, đội ngũ nhân viên làm việc công tác xã hội toàn TP.HCM có khoảng 6.500 người, cụ thể: 3.000 người làm việc trong các cơ sở xã hội, cơ sở cai nghiện..., thuộc Sở LĐ-TB&XH và Lực lượng Thanh niên xung phong thành phố; trên 1.000 người là cán bộ nhân viên thuộc Phòng LĐ-TB&XH quận, huyện và phường, xã, thị trấn; khoảng 1.000 người thuộc các Sở, ngành quản lý (Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tư pháp, .....); trên 500 người thuộc các Hội, các đoàn thể (Hội Liên hiệp phụ nữ, Thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh,.....) quản lý; gần 1.000 người thuộc các cơ sở xã hội ngoài công lập và nhân viên xã hội thuộc các Tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài.
Về mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn Thành phố, có 92 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 28 cơ sở trợ giúp xã hội công lập (Trung tâm bảo trợ xã hội, Cơ sở cai nghiện ma túy) và 64 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập đang quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng 20.699 đối tượng. Hiện nay, toàn Thành phố có trên 136.036 người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.
Trương Đăng
-
Huyện Nam Trực (Nam Định) đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
13-12-2024 09:34 35
-
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
25-12-2024 06:53 12
-
Hanoi Bartender Cup 2024: Sân chơi của những người trẻ đam mê nghề pha chế
24-12-2024 09:54 30
-
VRG vinh danh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ
17-12-2024 20:08 04
-
240 thí sinh tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV
16-12-2024 15:23 57
-
Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
16-12-2024 14:46 37