Giáo dục - Nghề nghiệp
TPHCM: Hơn 200 đại biểu dự Hội thảo khoa học về giải pháp kết nối doanh nghiệp
02:24 PM 22/07/2020
(LĐXH) - Ngày 21/7/2020, Trường Cao đẳng (CĐ) Kinh tế TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất giải pháp phát triển bền vững bộ phận kết nối doanh nghiệp tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN)”.
NGƯT. Lâm Văn Quản - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có ông Hoàng Thái Sơn – Vụ đào tạo chính quy Tổng cục GDNN; ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM; NGƯT.ThS Lâm Văn Quản – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM; Bà Bùi Thị Ninh - Trưởng Văn phòng Giới sử dụng Lao động VCCI HCM; Bà Phạm Thị Diệu Linh- Đại diện Chương trình Aus4skill; ông Khê Văn Mạnh, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cùng gần gần 200 lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị doanh nghiệp, các trường CĐ, trung cấp và các giảng viên, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực GGNN của TPHCM…

Phát biểu khai mạc Hội thảo, NGƯT Lâm Văn Quản – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế TP.HCM cho biết: Năm học 2019-2020 này, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã thực hiện thành công nhiều hạng mục công trình lớn như: Hoàn thành xây dựng phần thô của Khối nhà C – Khối Thực hành Lớp học, và khởi công xây dựng hai Khối nhà A,B;  Mở và tuyển sinh thành công 05 ngành mới gồm Công nghệ thông tin, Quản trị khách sạn, Quản lý công nghiệp, Công nghệ thông tin, Kiểm toán;  Tham gia thành công các khóa tập huấn của Chương trình Aus4skills và dần đưa phương pháp CBTA và vận dụng mô hình DN dẫn dắt trong quá trình tổ chức đào tạo, đánh giá năng lực người học. Và đặc biệt là vào ngày 22/6/2020 vừa qua, Nhà trường đã long trọng khai trương TT Đào tạo và Thẩm định Nghề Du lịch đặt tại Cơ sở 2 của Nhà trường, ngay trong khuôn viên Khách sạn Kỳ Hòa, như một giải pháp toàn diện tạo điều kiện thực hành nghề nghiệp, giúp người học nhanh chóng thích ứng môi trường làm việc tương lai.

Hơn 200 đại biểu dự Hội thảo khoa học về giải pháp kết nối doanh nghiệp

Với những thành tựu đó, một lần nữa Nhà trường khẳng định tầm nhìn chiến lược trở thành trường tiên tiến, trong đó đặt trọng tâm vào tiếp cận mô hình quản trị hiện đại, quản trị nhân sự theo cơ chế tiến đến tự chủ toàn phần, hội nhập quốc tế theo định hướng ứng dụng của Hệ thống Quản lý chất lượng toàn diện thổng thể (TQM), tạo nền tảng phát huy tài năng và nguồn lực trong và ngoài trường, tiến tới đổi mới mô hình phát triển Trường theo định hướng Nhà trường –Doanh nghiệp. Sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà trường - Doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo xây dựng chương trình đào tạo chất lượng, tiên tiến đáp ứng đúng nhu cầu thực tiễn sản xuất kinh doanh.

NGƯT. ThS Lâm Văn Quản cũng cho rằng: Việc kiên định xây dựng và phát triển bền vững Mô hình Nhà trường –Doanh nghiệp  sẽ tăng cường thực hành, thực tập trong các chương trình đào tạo nghề nhằm gia tăng cơ hội trải nghiệm và phát triển nghề nghiệp của sinh viên, đồng thời, cân đối hợp lý giữa thời lượng lý thuyết và thực hành trong các chương trình đào tạo nghề, gắn kết với chuẩn đầu ra. Thông qua đó, Doanh nghiệp cũng dễ dàng tuyển được lao động giỏi, thích hợp với yêu cầu công việc, giảm chi phí đào tạo lại. Thông qua, Hội thảo khoa học tổ chức năm nay, Nhà trường mong muốn có được cơ hội đón tiếp các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý, các đối tác doanh nghiệp thân hữu, các bên liên quan cùng với Tập thể Sư phạm Nhà trường tham gia tập trung thảo luận các vấn đề nhằm xây dựng phát triển bền vững bộ phận kết nối doanh nghiệp tại các Cơ sở GDNN, góp phần tăng cường mối quan hệ gắn kết Nhà trường – Doanh nghiệp ngày càng hiệu quả.

Giảng viên Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, phát biểu tham luận

Tại Hội thảo, đại diện của Khoa Tài chính- Ngân hàng, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM chia sẻ về công tác đào tạo như: đào tạo phải đáp ứng với nhu cầu của xã hội, đáp ứng được cái cần của doanh nghiệp. Sinh viên qua đào tạo phải có đam mê, nắm vững kiến thức chuyên môn thường xuyên trau dồi các kỹ năng, kỹ năng làm việc và các kỹ năng mềm,… Tuy biết là vậy, song chúng ta vẫn còn loay hoay trong công tác đào tạo, còn thực tế thì sinh viên tốt nghiệp ra trường vẫn tiếp tục thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng được với cái cần từ doanh nghiệp. Sinh viên ra trường, nhất là ngành Logistics nhiều em chỉ đáp ứng được vị trí, đi giao hàng. Chính vì vậy, trong thời gian Khoa Tài chính- Ngân hàng, Trường CĐ Kinh tế TP.HCM đã xây dựng giáo trình giảng dạy có các buổi học kiến tập. Đồng thời đưa sinh viên đến thăm quan, học thực hành tại các ngân hàng và sàn chứng khoán. Qua những buổi học kiến tập giúp sinh viên hiểu rõ hơn về công việc trong thực tế, xác định được sau khi ra trường các em sẽ xác định mình sẽ làm việc được công việc gì, ở vị trí nào.

Theo đại diện Khoa Tài chính – Ngân hàng Trường CĐ Kinh tế TPHCM, bộ phận kết nối doanh nghiệp của các cơ sở GDNN là chiếc cầu nối quan trọng để tạo mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Bộ phận này cần kết nối với các khoa của trường để xây dựng đề án đào tạo đúng theo mô hình nhà trường đã ký kết với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bộ phận kết nối doanh nghiệp cũng cần kết nối các cựu sinh viên của Nhà trường đang làm việc ở các doanh nghiệp, để giới thiệu tạo cơ hội để cho sinh viên gặp gỡ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực mình đang học. Qua tiếp xúc với cựu sinh viên sẽ tạo cho sinh viên của nhà trường hiểu được rõ hơn các vị trí mình sẽ làm sau khi ra trường. Qua công tác kết nối này, nhà trường sẽ thu thập được thông tin về doanh nghiệp, còn doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo lại nhân lực.

Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM phát biểu tham luận

Còn theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, để đáp ứng nhân lực theo yêu cầu của của xã hội các cơ sở GDNN phải kết nối được với các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp thì cần phải cung cấp thông tin để các cơ sở GDNN có hướng đào tạo theo sát với nhu cầu sử dụng mình. Đồng thời, có trách nhiệm tiếp nhận sinh viên đến thực tập và làm việc. “Doanh nghiệp phải tiếp nhận người đã qua đào tạo. Về phía nhà trường, cần ban hành nghị quyết xây dựng mối quan hệ với doanh nghiệp. Theo đó, các khoa chuyên môn chủ động tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp phù hợp với ngành nghề đào tạo của mình. Trên cơ sở đó, nhà trường chủ động ký kết với doanh nghiệp cùng xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá chất lượng người học. Nhà trường nên thành lập mới hoặc phân công bộ phận chuyên trách về vấn đề này.

Tiểu ban 1: Góc nhìn doanh nghiệp Thảo luận tại Hội thảo

Theo đánh giá và góc nhìn của các doanh nghiệp tại hội thảo cho rằng: Hiện nay, Doanh nghiệp (DN) và Nhà trường (NT) có nhu cầu giống nhau nhưng chưa kết nối được với nhau. DN luôn thiêú nhân sự giỏi, về phía nhà trường thì sinh viên vẫn còn chưa có được việc làm. 

Nguyên nhân của vấn đề này về phía Nhà trường là do  sư chủ động từ nhà trường chưa cao, chưa năng nổ và chủ động tích cực kết nối, cũng như chưa có được kế hoạch bài bản, đưa ra những nhu cầu của nhà trường. Còn về phía DN: 1 số doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến việc hỗ trợ SV thực tập, chưa có sự đầu tư tốt nhất. VD: chỗ ngồi cho SV thực tập, chưa bố trí những nhân sự có tính chuyên môn cao, chưa coi việc hướng dẫn SV thực tập như 1 chiến lược phát triển nhân sự cho DN.

Chính vì vậy, để mối quan hệ 2 bên tốt hơn, các doanh nghiệp đưa ra một số giải pháp như: Xây dựng 1 chương trình cụ thể có sự bắt tay giữa Nhà trường và Doanh nghiệp.  Đồng thời, Nhà trường lên kế hoạch hành động cụ thể và có triển khai thực hiện KH.

Còn ở góc nhìn nhận từ phía các cơ sở GDNN lại cho rằng: Thời gian qua hầu hết các cơ sở GDNN đều có bộ phận kết nối với DN dựa trên 3 yếu tố: Quan hệ cá nhân, Quan hệ với cựu giảng viên và đội ngũ cựu sinh viên. Đặcv biệt, 1 số ngành nghề đặc thù Nhà trường có thể đưa sinh viên đi thực tập thuận lợi. Doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho sinh viên thực tập. Tuy nhiên, so với Khối ngành Kỹ thuật thì khối ngành kinh tế còn đang gặp khó khăn khi đưa sinh viên đến thực tập tại doanh nghiệp. Ngoài ra, các trường cũng đề cập đến những khó khăn khi gửi sinh viên, giảng viên xuống thực tập, cũng như việc chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sinh viên chưa tốt.

 

Ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng GDNN, Sở LĐ - TBXH TPHCM phát biểu tại Hội thảo

Bà Bùi Thị Ninh - Trưởng Văn phòng Giới chủ VCCI – HCM  nhận định: Hiện nay, các trường Cao đẳng đã có bộ phận kết nối với DN, trước đây các trường Đại học tới với VCCI nhiều hơn. Vai trò của doanh nghiệp được nâng cao hơn trong Giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các bộ phận kết nối doanh nghiệp chưa đc đầu tư đúng mức và đầy đủ. Tương tư như vận hành công ty, bộ phận kết nối mang ý nghĩa như bộ phận sale và Marketing. Nhà trường cần đầu tư chi phí  cao vào nội dung này. Bộ phận kết nối doanh nghiệp cần có sự chia sẻ thông tin của các khoa, với các thông tin cụ thể, đầy đủ để cung cấp cho doanh nghiệp khi cần thiết. Năng lực của đội ngũ thực hiện nhiệm vụ kết nối doanh nghiệp còn chưa cao, do trường còn chưa chú trọng. Làm việc trong bộ phận này cần có khả năng hiểu được thực trạng của doanh nghiệp, quy mô doanh nghiệp như thế nào để có sự giới thiệu phù hợp. Việc nắm bắt thông tin các bạn sinh viên học gì, làm gì và phản hồi của DN như thế nào vòn khá hạn chế và chưa đồng đều giữa các trường.

Còn về phía nhà trường có thể liên hệ với Hiệp hội doanh nghiệp để có những thông tin bao trùm, đầy đủ hơn để hướng nghiệp, hướng dẫn cho sinh viên của mình. Theo bà Ninh, Mô hình doanh nghiệp dẫn dắt ngày càng phổ biến, 1 mô hình điển hình là Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) đã thành lập, Hội đồng này bao gồm các thành viên từ Tổng cục GDNN, các cơ sở GDNN, Hiệp hội Logistics. Hội đồng cung cấp các thông tin cho các trường, các trường qua kênh này sẽ có nhiều thông tin hơn, được kết nối bài bản hơn. Do đó, Trường nên có những đầu tư phù hợp hơn về bộ phận kết nối doanh nghiệp.

Tiểu ban 2: Góc nhìn cơ sở GDNN thảo luận tại Hội thảo

Ở khía cạnh khác, ông Trần Thuận Hòa - Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư Central Law chia sẻ: Với vai trò là DN và thành viên HĐ KH của K.TC-NH ông cho rằng,  cần tư vấn chương trình đào tạo  ngay khi xây dựng chương trình là việc cực kì quan trọng, vì liên quan đến kiến thức các em được  đào tạo có phù hợp hay không. Thực tiễn: kiến thức sinh viên được trang bị có độ vênh với yêu cầu của DN. Tuy các trường đã có cố gắng cải thiện nhưng bộ phận tư vấn cần phải làm liên tục. 1 số trường tuy chương trình tương đối chuẩn nhưng vẫn nghiêng về lý thuyết, khá nặng và thiêú thực tiễn. Những kiến thức  liên quan đến doanh nghiệp cần được trang bị nhiều hơn. 1 bộ môn nên có 1 số lượng tiết phù hợp đan xen mời chuyên gia, để nói cho SV hiểu đc thực tế, SV có kết nối với thực tiễn tuy không nhiêu nhưng nên có. Về mặt chính sách: ở DN không có chứng chỉ sư phạm dẫn đến khó khăn trong việc mời Chuyên gia. Do vậy, Nhà trường cần xem xét để không vi phạm quy định. Ngoài ra, Nhà trường nên thường xuyên có những buổi trao đổi thực tế, những bộ môn đã đăng ký tuy khó thay đổi nhưng có thể thay đổi thời lượng bên trong mỗi môn học.

Ông Trần Văn Hùng - Cố vấn trường Cao đẳng Kinh tế - Nguyên Hiệu trưởng trường Trung cấp du lịch & khách sạn Saigon Tourist cho biết: Nhà trường kết hợp với doanh nghiệp để hướng đến 2 bên đều có lợi. Hiện nay chúng ta nên thay đổi cách thức, trong đó không nên làm nặng gánh cho doanh nghiệp đồng thời nên có thời gian thực tập nhiều hơn để sinh viên có thể nắm bắt và thực hiện được công việc. Ngoài ra, cần có các buổi ngoại khoá rất cần thiết cho sinh viên, biến chuyển thành những học kì DN thực hành, Doanh nghiệp trả thù lao cho SV. Đây là một trong những Trung tâm kết nối DN là rất cần thiết, không để các Khoa liên hệ DN mà nên tập trung tại 1 đầu mối là Trung tâm.  Có những khoản chi cho DN cho dù là ít, Doanh nghiệp là người thực hiện việc đánh giá và phản hồi về SV của trường.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Trực - Giám đốc Trung tâm Khoa học Công nghệ và Hỗ trợ đào tạo, Khoa các khoa học liên ngành, ĐHQG Hà Nội chia sẽ một số kinh nghiệm của đơn vị thực hiện trong thời gian qua: Trung tâm KHCN&HTĐT hiện nay chú trọng vào đào tạo ngắn hạn cho DN, những DN lớn có ban đào tạo do đó Trung tâm hướng đến DN nhỏ, siêu nhỏ và DN gia đình. Với nội dung: cập những những kỹ năng, công nghệ, bổ sung những kiến thức. GV đào tạo khoá ngắn hạn có đặc thù: GV trong trường đại học  thiếu những thực tiễn từ DN, do đó phải mời những GV – những chuyên gia giỏi, diễn giả, CEO của DN là những người có thực tiễn thì mới có thể thu hút được người nghe. Mô hình đào tạo ngắn hạn xen kẽ lý thuyết và thực hành, kể cả những khoá học ngắn dưới 7 ngày nhưng vẫn phải có 1 buổi thực hành.

Sự cạnh tranh giữa nhà trường và DN đào tạo:  Hiện nay các DN đào tạo hoạt động rất hiệu quả. VD: VCCI có sự kết nối tốt và nguồn Giảng viên giỏi. Tận dụng những thế mạnh của họ để triển khai các khoá đào tạo. Do đó, các trường CĐ có phòng thí nghiệm, đội ngũ Giảng viên, cần tận dụng những thế mạnh này của Nhà trường.

Để có kết nối tốt giữa DN và NT cần có những quan hệ đến từ lãnh đạo nhà trường với DN, đây là sự khởi đầu của mối quan hệ.

Ở góc độ quản lý GDNN, ông Đặng Minh Sự - Trưởng phòng GDNN, Sở LĐTBXH TP.HCM cho rằng: Hội GDNN là 1 trong những tổ chức giúp cho quan QLNN hiểu rõ nhu cầu của các  cơ sở GDNN là gì. Vai trò của Hội GDNN cần được nâng cao. Kiến nghị Hội GDNN nên tổ chức 1 buổi hội thảo với Hiệp hội DN TP.HCM để gắn kết nhà trường với Doanh nghiệp. 2 bên Nhà trường và doanh nghiệp đều có lợi khi kết nối và từ đó tạo điều kiện cho sinh viên ra trường được làm việc đúng ngành nghề. Ngoài ra, ông Đặng Minh Sự cũng ghi nhận các ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp và các cơ sở GDNN nêu ra tại Hội thảo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM sẽ triển khai thực hiện những nội dung phù hợp, các nội dung vượt thẩm quyền Sở sẽ kiến nghị Bộ LĐ – TBXH tham mưu KH thực hiện Chỉ thị 24 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo

Tại Hội thảo, nhiều ý kiến của các doanh nghiệp cũng như các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng nêu ra nhiều giải pháp quan trọng trong việc kết nối giữa nhà trường và doanh nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu thực tế hiện  nay. Nhiều đại biểu cũng cho rằng: Để thành công trong công tác đào tạo nguồn nhân lực hiện nay đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng và kết nối các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện thực tập và có cơ hội cọ xát thức tế với những kỹ năng và chuyên ngành của các em đang học để sau khi tốt nghiệp không còn bở ngỡ. Điều này cũng là một trong những giải pháp mà các doanh nghiệp hiện đang đặt hàng đào tạo tại các cơ sở GDNN nhằm giúp sinh viên tiếp cận các ngành, nghề đang học sát với thực tế sau khi các em tốt nghiệp sẽ bắt tay vào làm việc ngay mà không phải còn huấn luyện, bồi dưỡng mất nhiều thời gian…

 V.Linh - T. Đăng

Từ khóa: