Triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ công nhân, người lao động phòng, chống dịch
Diễn biến dịch COVID-19 tại các khu công nghiệp (KCN) có đông người lao động đang vô cùng phức tạp, đặc biệt là KCN Trung Vân, KCN Quang Châu (Việt Yên, Bắc Giang) hay KCN Quế Võ, KCN Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh).
Hiện đã có công nhân, người lao động ở rất nhiều tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Hà Nội, Hưng Yên, Phú Thọ… đều đã dương tính với SARS-COV-2. Vì thế khẩn trương hỗ trợ công nhân lao động (CNLĐ) phòng, chống dịch là yêu cầu cấp bách đặt ra với tổ chức công đoàn hiện nay.
Đang là điểm nóng của làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4 này, hàng nghìn công nhân, người lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đang rơi vào cảnh khốn khó. Theo con số của LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, tính đến sáng 17/5, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch. Số CNLĐ dương tính với virus SARS-CoV-2 là 321 người. Trên 10.700 công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) là F1, F2, trong đó có trên 6.500 công nhân tại các KCN. Ngoài ra, có trên 31.000 CNVCLĐ đang tự cách ly tại nhà.
Đến nay, có 57 doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 (KCN có 27 doanh nghiệp); 299 CNLĐ phải nghỉ việc do 3 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì hết nguyên liệu. Có 51.042 CNLĐ của 54 doanh nghiệp phải nghỉ việc do phải cách ly và doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVD-19 (người lao động không đi làm được vì thực hiện cách ly, nằm trong vùng giãn cách xã hội, không có xe đưa đón công nhân, không thuê được nhà trọ).
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Cảnh cho biết, việc CNLĐ tạm nghỉ việc, lại tập trung đông dễ gây mất ổn định, nguy cơ lây nhiễm cao. Chưa kể, người lao động bị giảm thu nhập, thậm chí mất thu nhập. “Tham gia vào công tác phòng, chống dịch, những ngày qua, 100% công đoàn cơ sở đã phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch, bảo đảm thực hiện "5K" tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp có tổ chức bữa ăn ca đã thực hiện lắp vách ngăn tại các bàn ăn. Các xe đưa đón công nhân thực hiện giãn cách, giữ khoảng cách, số lượng người trên xe chỉ chiếm 50% so với số lượng người được phép chở. Đoàn viên, CNVCLĐ thực hiện đeo khẩu trang, thực hiện khai báo y tế theo quy định, không tụ tập đông người; khi đến làm việc phải thực hiện đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, doanh nghiệp thực hiện phun thuốc khử khuẩn tại nơi làm việc”, ông Cảnh cho biết.
Cũng là địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, đến nay Bắc Ninh đã có 255 ca dương tính, hơn 3.000 F1. Trong đó, có 9 đoàn viên công đoàn là F0, 456 đoàn viên công đoàn là F1, 4.672 đoàn viên công đoàn là F2. “Cuộc sống của nhiều người dân địa phương và công nhân lao động gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm việc làm, thậm chí một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất.
Theo thống kê chưa đầy đủ của 3 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, đến 9h sáng 17/5 đã có hàng nghìn CNLĐ ngoại tỉnh phải cách ly y tế, không có việc làm, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, cuộc sống hết sức khó khăn. Trong đó địa phương đông nhất là huyện Thuận Thành với 3.300 người”, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh cho hay.
Để hỗ trợ công nhân, người lao động phòng, chống dịch, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh đã chủ động tham gia các cơ chế chính sách cho người lao động ảnh hưởng bởi dịch, đảm bảo người lao động được bố trí làm việc, duy trì ổn định thu nhập; hỗ trợ tiền ăn đối với các trường hợp F1 phải đi cách ly... Các cấp công đoàn tổng hợp danh sách đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng, trước hết là các F0, F1 để hỗ trợ kịp thời. Dự kiến các trường hợp khó khăn thuộc diện F0 là 3 triệu đồng/người, F1 là 1 triệu đồng/người từ nguồn tài chính công đoàn và xã hội hóa.
“Trước khó khăn của người lao động, các cấp công đoàn tỉnh Bắc Ninh đang vận động các doanh nghiệp, các chủ nhà trọ, các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm chung tay hỗ trợ công nhân lao động ngoại tỉnh như: Miễn, giảm tiền thuê phòng trọ, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, hỗ trợ lương thực thực phẩm… Chúng tôi cũng mong muốn Tổng LĐLĐ Việt Nam cần sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn từ nguồn tài chính công đoàn. Cụ thể, thuộc diện F0 từ 3-5 triệu đồng/người; F1 hỗ trợ 1 triệu đồng/người, hỗ trợ gạo cho công nhân trong vùng dịch...”, bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh kiến nghị.
Theo đại diện LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, hiện nay công tác phòng dịch cho CNLĐ trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn như: Nhu cầu CNLĐ xét nghiệm lớn; khi CNLĐ tập trung đông mà không có việc gì thì dễ mất ổn định, nguy cơ lây nhiễm cao; khi CNLĐ xét nghiệm xong về địa phương, chưa có kết quả xét nghiệm sẽ bị cách ly; CNLĐ nghỉ việc sẽ bị giảm thu nhập; một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 36 của Bộ luật Lao động.
“Đề nghị Tổng LĐLĐ đẩy nhanh tiến độ làm thiết chế để có nhà ở cho công nhân thuê, giảm bớt khó khăn trong việc đi lại. Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ chỉ đạo và sớm ban hành hướng dẫn về công tác chăm lo cho công nhân lao động, giáo viên phải nghỉ việc do ảnh hưởng của dịch bệnh để họ yên tâm và đảm bảo cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Giang đề xuất.
Theo đại diện của Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ ngày 27/4 đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường, nâng cao mức độ cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định dành kinh phí trên 1,5 tỷ đồng để tổ chức một số đợt thăm hỏi, động viên, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự kiến 1.550 suất với trị giá 1 triệu đồng/suất. Đồng thời dành kinh phí 1 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ, công nhân, viên chức của 10 bệnh viện đang bị cách ly phong tỏa, mỗi đơn vị 100 triệu đồng.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Tổng LĐLĐ đã yêu cầu các cấp công đoàn hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do dịch COVID-19. Bên cạnh đó, đề nghị các cấp công đoàn cần nắm chắc tình hình đoàn viên, người lao động để kịp thời phản ánh với Ban chỉ đạo của các địa phương và Tổng LĐLĐ Việt Nam. “Vừa qua, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp, có một số quyết định về các chính sách đặc thù: Hỗ trợ đoàn viên, người lao động là F0 mức 3 triệu đồng/trường hợp; hỗ trợ các chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại các bệnh viện dã chiến, khu cách ly, trước mắt mỗi đơn vị 50 triệu đồng. Cùng với đó, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục họp bàn để ban hành các chính sách hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên, người lao động. Văn bản này sẽ sớm về các địa phương để các cấp công đoàn triển khai thực hiện”, ông Khang cho hay./.
Phan Hoạt
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48