Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc: Nhiều giải pháp kết nối cung - cầu lao động dịp cuối năm
(LĐXH) - Dịp cuối năm, thị trường lao động Vĩnh Phúc ổn định trở lại khi các doanh nghiệp tập trung phục hồi, tăng tốc sản xuất, kinh doanh sau thời gian trầm lắng bởi dịch Covid-19. Để kích cầu thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp kết nối cung - cầu, dự báo thị trường lao động, đồng thời kết nối, hỗ trợ người lao động tìm việc làm.
Vĩnh Phúc là tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, với hơn 300 dự án FDI còn hiệu lực đầu tư, có tổng nguồn vốn hơn 4 tỷ USD. Trên địa bàn tỉnh còn có gần 800 hợp tác xã, 70.000 hộ kinh doanh cá thể phi nông, lâm nghiệp, thủy sản… Do đó, nhu cầu tuyển dụng lao động là rất lớn. Dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ cần từ 15.000-20.000 lao động/năm do nhiều công ty đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện, chuẩn bị đi vào sản xuất; một số khác đang mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh.
Từ đầu năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động rất lớn đến tình hình lao động, việc làm, để giúp người lao động tìm việc làm mới, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, linh hoạt xây dựng kế hoạch tư vấn, giới thiệu việc làm qua tổng đài, website, facebook và fanpage của Trung tâm. Ngoài ra, các cán bộ làm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm còn tích cực giới thiệu việc làm cho người lao động qua zalo, trang facebook cá nhân. Ngay sau khi Chính phủ xác lập tình trạng bình thường mới, Trung tâm đã tổ chức lại hoạt động của Sàn giao dịch việc làm, giao dịch vào các ngày thứ năm hàng tuần và phối hợp với các trường Cao đẳng nghề trên địa bàn mở các phiên giao dịch việc làm lưu động.
Ông Hà Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Phúc cho biết: Những tháng cuối năm, lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã ổn định bởi sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã phục hồi được sản xuất. Thời điểm này, người lao động không có tư tưởng thôi việc bởi cuối năm, Tết đã cận kề, lao động mong đợi tiền thưởng Tết và các chế độ ưu đãi cuối năm từ doanh nghiệp. Đặc biệt, số lao động thất nghiệp cũng giảm hẳn; một số doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh nên muốn giữ chân người lao động.
Theo đánh giá của các nhà tuyển dụng, nhu cầu tuyển dụng lao động những tháng cuối năm 2020 của các doanh nghiệp tăng chủ yếu ở các ngành nghề: May mặc, sản phẩm gỗ, điện tử, bất động sản… Sự suy giảm việc làm diễn ra ở lao động làm công hưởng lương tại các doanh nghiệp thương mại điện tử, du lịch, khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, giao nhận...
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc được tổ chức cuối tháng 11/2020 có sự tham gia của 6 doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ khí, may mặc… với nhu cầu tuyển dụng gần 450 lao động, trong đó, 95% tuyển dụng lao động phổ thông; 5% dành cho lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Anh Nguyễn Văn Mạnh ở huyện Yên Lạc chia sẻ: "Tôi đang muốn tìm việc làm liên quan đến quản lý máy móc, thiết bị cơ điện phù hợp với ngành đã học. Phiên giao dịch việc làm đã giúp em trực tiếp nắm bắt thông tin tuyển dụng cũng như yêu cầu của các doanh nghiệp, ngành nghề cần tuyển dụng để có thể dễ dàng lựa chọn công việc phù hợp với bản thân".
Chị Trần Hà Vi, 27 tuổi, ở huyện Tam Dương vốn là nhân viên khách sạn tại Hà Nội. Nhưng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên chị đã phải nghỉ việc. Không có việc làm, chị Vi đã về quê tìm việc mới. Đến với sàn giao dịch việc làm, chị được tiếp cận nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và được phỏng vấn trực tiếp. Chị tin tưởng sẽ tìm được công việc thích hợp với khả năng để ổn định cuộc sống ngay tại địa phương.
Để ổn định sản xuất, kinh doanh, Công ty TNHH Quốc tế Cerie Việt Nam chuyên sản xuất may mặc đã kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để tuyển dụng lao động. Theo bà Phạm Thị Anh Xuân, Trưởng Phòng Hành chính nhân sự của công ty, tại các phiên giao dịch việc làm, công ty đã tiếp cận và có cơ hội tuyển dụng được nguồn lao động chất lượng cao. Thông qua phiên giao dịch việc làm, công ty đã sơ tuyển được 100 lao động vào các vị trí việc làm phù hợp.
Tính đến cuối năm 2020, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức 38 phiên giao dịch việc làm (trong đó có 6 phiên giao dịch việc làm lưu động được tổ chức tại các trường cao đẳng nghề, các xã trên địa bàn tỉnh). Có 351 lượt doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tham gia sàn giao dịch việc làm; nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp 16.763 vị trí việc làm; số người đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch việc làm 2.197 lượt người; số người đạt sơ tuyển là 1.634 người.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tiếp tục tăng, nhất là lao động thời vụ. Vì vậy, với vai trò là cầu nối giữa người lao động và doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các biện pháp tư vấn, giới thiệu việc làm hiệu quả./.
Minh Cảnh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48