Thời sự
Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn
08:34 AM 21/10/2016
(LĐXH) - Ngày 20/10, tại Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Hội nghị Đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì Hội nghị.
Dự hội nghị còn có các lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương là ủy viên Ban chỉ đạo 504; Đại sứ quán Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504
phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Trưởng cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 cho biết: Chiến tranh ở Việt Nam đã chấm dứt từ nhiều thập kỷ trước song bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại vẫn gây ra hậu quả đau thương, lấy đi sinh mạng của 50 ngàn người và làm bị thương hơn 60 ngàn người. Trong số những nạn nhân trên, chủ yếu là người lao động chính của các gia đình, đặc biệt là các em gái, thế hệ tương lai của đất nước. Bom mìn, vật nổ dưới lòng đất không chỉ là mối nguy hiểm tiềm ẩn mà còn là rào cản đối với việc phát triển kinh tế-xã hội, là tác nhân gây ô nhiễm nặng nề với môi trường. Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đều bị ô nhiễm bom mìn với số lượng 9.116/11.134 xã phường... Các cuộc chiến tranh kéo dài đã để lại một số lượng bom mìn, vật nổ vô cùng phức tạp, đa dạng và hết sức nguy hiểm cho cuộc sống của người dân và đồng thời đặt ra nhiều thách thức lớn về khoa học, công nghệ để Việt Nam không còn bom mìn, hoặc ít nhất không còn những nạn nhân bom mìn, đặc biệt là trẻ em.
Khắc phục hậu quả bom mìn là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chính phủ đã ưu tiên nghiên cứu phát triển xây dựng cơ sở dữ liệu, xây dựng khung chính sách và thể chế nhằm thúc đẩy tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn... Trong công cuộc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ và hợp tác tích cực của cộng đồng quốc tế thông qua sự chia sẻ các nguồn lực và là một trong những nội dung quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và các đối tác trong khu vực và quốc tế.

Chủ tọa Hội nghị
Tại Hội nghị, Đại sứ quán Mỹ, Ấn Độ và tổ chức phi chính phủ đã ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua đối với kết quả khắc phục hậu quả bom mìn cũng như khó khăn mà Việt Nam đang phải giải quyết và cam kết sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong tương lai nhằm hạn chế những tác hại của bom mìn...
Ông Ted Osius, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam
Theo báo cáo của Trung tâm VNMAC, trong 5 năm qua, từ 2011-2015, Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 504 đã chủ động tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các hoạt động đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thực trạng và hậu quả của ô nhiễm bom mìn, vật nổ tồn sót sau chiến tranh; kí kết các bản ghi nhớ với Chính phủ các nước và tổ chức quốc tế nhằm thể chế hóa quan hệ hợp tác về khắc phục hậu quả bom mìn giữa Việt Nam và quốc tế, qua đó nâng cao vị thế của Việt Nam... Chương trình rà phá bom mìn hàng năm đã thực hiện từ 30-50 ngàn ha, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình 504 còn nhiều khó khăn, thách thức do khối lượng đất đai bị ô nhiễm bom mìn rất lớn, chiếm hơn 18% diện tích cả nước. Nguồn lực chủ yếu là vồn ngân sách, chưa huy động được nhiều từ các nguồn tài trợ. Tai nạn bom mìn vẫn còn xảy ra, việc cấp cứu, hỗ trợ nạn nhân tại tuyến y tế cơ sở còn hạn chế do chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện...
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, VNMAX đã công bố bản đồ ô nhiễm bom mìn ở Việt Nam. Với mong muốn trở thành quốc gia không còn tác động của bom mìn trong vài thập kỉ nữa, Việt Nam cam kết chia sẻ và hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế nhằm đẩy nhanh tốc độ rà phá bom mìn đồng thời nhận được sự ủng hộ của các nước và tổ chức quốc tế thông qua Chương trình 504./.
PV
Từ khóa: