Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh: Cơ sở dậy nghề “Xanh” trên quê hương Quan họ
(LĐXH)- Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh đã có bề dày hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Trong quá trình hoạt động, Ban lãnh đạo nhà trường chủ trương cùng với việc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của Bắc Ninh và cả nước, còn phải xây dựng một ngôi trường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn, thân thiện, một cơ sở dạy nghề uy tín, được phụ huynh và học sinh tín nhiệm và yêu thích.
Trường được thành lập ngày 19/5/1970, đã trải qua nhiều thời kì phát triển với nhiều tên gọi khác nhau để mang tên gọi Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh như hiện nay.
Ths Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh có 10 phòng, khoa, trung tâm với chức năng, nhiệm vụ đào tạo nhân lực kĩ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ với các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo thường xuyên nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỉ luật, tác phong công nghiệp; đồng thời tạo điều kiện để họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Các loại hình đào tạo của Trường rất đa dạng như: chính quy tập trung, từ xa - vừa làm vừa học (liên kết đào tạo), bán thời gian, ngoài giờ hành chính. Hiện Trường chủ yếu đào tạo các nghề: Điện- Điện tử, Công nghệ cơ khí, Công nghệ ô tô và khoa Khoa học - Kinh tế CNTT.
Trong quá trình tổ chức đào tạo, lãnh đạo nhà trường luôn xác định nhân tố con người mà quan trọng nhất là đội ngũ giáo viên có tính chất quyết định đến chất lượng đào tạo, do đó việc chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy được đặt lên hàng đầu.
Chương trình đào tạo được định kì rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn trên cơ sở chương trình khung do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp ban hành. Đề cương bài giảng được nghiên cứu, soạn thảo kĩ lưỡng nhằm đảm bảo những thông tin khoa học được truyền đạt là chính xác và được trình bày khoa học, dễ hiểu.
Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, Trường liên tục nghiên cứu, đổi mới phương pháp dạy và học gắn với thực tiễn, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh nói riêng, cả nước nói chung.
Một trong những điểm sáng trong hoạt động đào tạo của Nhà trường chính là việc phối hợp với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh thực hiện mô hình “Đào tạo kép”, gắn kết chặt chẽ việc học lý thuyết và thực hành, trang bị cho học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều kỹ năng mềm để thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp hiện đại.
Mô hình “đào tạo kép” giúp doanh nghiệp được tham gia vào quá trình đào tạo và thuận lợi hơn trong tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng; đồng thời giúp Nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo, tạo cơ hội cho HSSV có việc làm ngay sau khi ra trường.
Với hiệu quả mang lại cho cả nhà trường, doanh nghiệp và xã hội, mô hình này đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia như: Công ty TNHH Canon Việt Nam - Chi nhánh Tiên Du, Công ty TNHH Samsung Display Yên Phong, Công ty Sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT…
Đối với HSSV năm cuối cần được thực tập thường xuyên, Nhà trường xây dựng phương án phối hợp với doanh nghiệp tổ chức thực tập theo mô hình “3 tại chỗ” (học tập, ăn uống và nghỉ ngơi) ngay tại trường. Dưới sự hỗ trợ, giám sát, hướng dẫn của các kỹ thuật viên từ doanh nghiệp, các giảng viên, HSSV của Trường có điều kiện được thực hành, thực tập ở nhiều chuyên ngành như: Chế tạo máy, thiết kế cơ khí, cơ điện tử, điện tử công nghiệp, tự động hóa… Đây là bước đổi mới có tính đột phá trong công tác tổ chức dạy và học của nhà trường.Với mô hình đào tạo này, tỷ lệ HSSV của Trường sau tốt nghiệp có việc làm đạt trên 95%.
Bên cạnh mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, Ban lãnh đạo Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh rất chú trọng công tác bảo vệ môi trường, xây dựng đơn vị trở thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp sáng, xanh, sạch, đẹp; một điểm đến an toàn, thân thiện, được yêu thích của các cán bộ, giáo viên nhà trường cũng như các em HSSV và các bậc phụ huynh.
Các khu nhà làm việc của Ban giám hiệu và bộ phận giáo vụ của Trường, khu vực giảng đường, lớp học, xưởng thực hành, khu vực chơi thể thao, khu vực để xe, vườn hoa, thảm cỏ... của Trường đi qui hoạch, bố trí khoa học, hợp lý, thuận tiện trong các hoạt động học tập và làm việc thường ngày. Sân trường, đường đi lối lại đều được bê tông hóa sạch đẹp, khang trang.
Khu làm việc, khu học đường xây dựng kiên cố, đảm bảo điều kiện làm việc, học tập của cán bộ, giáo viên và HSSV. Trang thiết bị giảng dạy và thực hành theo công nghệ mới hiện đại và thường xuyên bổ sung, tăng cường từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn Dự án đầu tư của nước ngoài.
Nhà trường được đầu tư xây dựng xưởng công nghệ cao và đã đi vào hoạt động từ tháng 7/2015. Xưởng được xây dựng theo mô hình một nhà máy thu nhỏ, được trang bị dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại. Không gian trường học có nhiều cây xanh, vườn hoa cây cảnh đã tạo cảnh quan tươi đẹp, không khí trong lành, đa dạng hóa các khu học tập và tự học của sinh viên không chỉ giới hạn trong phòng học mà còn ở các không gian mở, học nhóm dưới bóng mát của những cây xanh.
Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, Ban giám hiệu Nhà trường rất coi trọng việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho HSSV, coi đây là việc làm cần thiết để qua đó rèn luyện nên những thế hệ lao động tương lai có trách nhiệm cao với môi trường.
Hàng năm, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5/6, Ngày thứ 7 tình nguyện, Chủ nhật xanh…, sinh viên toàn trường chung tay dọn dẹp vệ sinh môi trường trong khuôn viên Trường và khu vực xung quanh. Cùng với việc tạo không gian xanh, Nhà trường còn rất quan tâm đến việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, thu gom rác thải vào các thùng chứa đặt các vị trí thuận lợi, đảm bảo mỹ quan, giúp cảnh quan môi trường luôn sạch sẽ, văn minh.
Cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, môi trường sạch đẹp, không khí trong lành, môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại đã góp phần quan trọng tạo động lực học tập và giảng dạy của giáo viên và các em HSSV ./.
Thảo Lan
-
Huyện Nam Trực (Nam Định) đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn
13-12-2024 09:34 35
-
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng quá trình xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
25-12-2024 06:53 12
-
Hanoi Bartender Cup 2024: Sân chơi của những người trẻ đam mê nghề pha chế
24-12-2024 09:54 30
-
VRG vinh danh nhiều tập thể, cá nhân xuất sắc tại Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ
17-12-2024 20:08 04
-
240 thí sinh tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIV
16-12-2024 15:23 57
-
Yên Bái không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
16-12-2024 14:46 37