Xã hội
Từng bước phát triển hệ thống giao thông gần gũi với người khuyết tật
03:49 PM 08/09/2021
(LĐXH)-Thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 theo Quyết định 1019/QĐ-TTg ngày 05/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Kế hoạch hành động số 3350/KH- BGTVT ngày 29/3/2016 triển khai Đề án 1019 trong ngành giao thông giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 969/QĐ-BGTVT giao Viện Chiến lược và phát triển GTVT thực hiện kế hoạch hành động này. Kế hoạch hành động được cụ thể bằng “Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 ngành Giao thông vận tải” do Viện Chiến lược và Phát triển GTVT thực hiện.
Vỉa hè có thiết kế lối đi dành riêng cho người khuyết tật
Trong giai đoạn 2012-2020, Bộ GTVT đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng, trong đó chú trọng hoạt động hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận để người khuyết tật có thể tiếp cận, sử dụng. Theo đó,  Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 39/2012/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng, cũng như ban hành các quy chuẩn về phương tiện như QCVN 82:2014/BGTVT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để NKT tiếp cận sử dụng, QCVN 18:2018/BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kiểm tra, nghiệm thu toa xe khi sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu….. đồng thời đã tổ chức các đoàn làm việc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về giao thông tiếp cận trong các lĩnh vực chuyên ngành giao thông.
Qua kiểm tra thực tế cho thấy, trong lĩnh vực đường bộ, hiện có khoảng 478 phương tiện xe buýt sàn thấp có hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận sử dụng (chiếm 4,8% tổng số phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên toàn quốc). Hiện nay, có 07/631 tỉnh, thành phố đã ban hành quy định cụ thể về tỷ lệ phương tiện vận tải hành khách đáp ứng nhu cầu đi lại của NKT, 30% bến xe khách trong tổng số 457 bến xe ở Việt Nam đã có hạ tầng bảo đảm người khuyết tật sử dụng. Một số địa phương đã thực hiện chính sách miễn, giảm giá vé với mức miễn giảm từ 25% đến 100% cho người khuyết tật khi tham gia giao thông công cộng.
Trong lĩnh vực đường sắt, tại 16 ga loại 1 đều bố trí cửa vé ưu tiên phục vụ NKT như ga Hà Nội, ga Sài Gòn, ga Lào Cai, ga Đà Nẵng, ga Nha Trang, … Hành khách là NKT khi lên xuống tàu đều được nhân viên trên dưới ga trợ giúp sắp xếp hành lý, chỗ ngồi thuận lợi. Tất cả các ga trên cả nước hành khách là NKT nặng và đặc biệt nặng được giảm 30% giá vé đi tàu. Số hành khách là NKT được vận chuyển bằng đường sắt năm 2012 chỉ đạt 315 HK/năm, đến năm 2018 đạt 8.463 HK/năm.

Trong lĩnh vực hàng không, 22 cảng hàng không nhà ga hành khách đều có đường tiếp cận, xe lăn và nhà vệ sinh cho NKT. Đảm bảo trang thiết bị phục vụ đáp ứng nhu cầu sử dụng xe lăn tại khu vực nhà ga đi, đến; Trên 10 CHK có xe nâng hành khách sử dụng xe lăn khu vực nhà ga đi, đến. Tất cả các hãng hàng không Việt Nam đều có quy định quy trình phục vụ hành khách là NKT. Đồng thời hãng hàng không cung cấp thông tin cụ thể, rõ ràng về quy trình phục vụ, quyền lợi và nghĩa vụ của hành khách khi hành khách mua vé có nhu cầu sử dụng các dịch vụ đặc biệt. Các hãng hàng không đều giảm 20% giá vé từ mức giá trần hạng phổ thông cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng khi mua vé máy bay các tuyến trong nước.

Trong lĩnh vực đường thủy nội địa và hàng hải: hiện có cảng khách quốc tế Hạ Long đáp ứng tiếp cận với NKT. Hầu hết các cảng, bến thủy nội địa chưa có lối lên xuống cầu tàu, nhà vệ sinh... đáp ứng NKT tiếp cận. Các cảng khách phục vụ du lịch cũng đã thực hiện chính sách giảm giá 25% cho người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Lối đi được thiết kế riêng giúp người khuyết tật đi lại dễ dàng hơn

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã hướng dẫn các địa phương xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật tham gia giao thông. Hiện nay cả nước có 61/63 tỉnh, thành phố triển khai vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt với trên 10.000 phương tiện xe buýt, trong đó có 03 thành phố lớn là thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng đã sớm xây dựng các tuyến mẫu và bố trí các phương tiện xe buýt có thiết bị nâng hạ để người khuyết tật vận động có thể tiếp cận và sử dụng thuận tiện.

Riêng Hà Nội, đã bố trí 924 xe buýt có chỗ ngồi ưu tiên cho người khuyết tật, đầu tư 200 xe buýt có sàn thấp và bán thấp đảm bảo người khuyết tật sử dụng thuận tiện.  Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 2.514 xe có bố trí ghế dành riêng cho người khuyết tật, 117 xe sàn thấp và bán thấp để người khuyết tật tiếp cận, sử dụng, 166/500 nhà chờ được cải tạo lối lên xuống cho người khuyết tật đi xe lăn tiếp cận sử dụng. Tại Đà Nẵng, tổng số 08 xe buýt có lắp thiết bị nâng hạ phục vụ người khuyết tật đi lại. Hiện thành phố đang triển khai việc cải tạo bó vỉa hè các tuyến đường trên địa bàn thành phố để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận.

Một số địa phương khác như Bắc Ninh (02 tuyến xe buýt mẫu), Bạc Liêu (đưa 05 xe buýt sử dụng sàn thấp và có hệ thống cầu nâng cho xe lăn), Hà Nam đóng mới và đưa vào sử dụng 02 xe buýt có sàn thấp phục vụ NKT.

Để nâng cao hiệu quả trợ giúp NKT tham gia giao thông, Bộ GTVT còn giao các đơn vị trực thuộc xây dựng các chương trình, giáo trình, tài liệu và tập huấn cho lái xe phục vụ hành khách là người khuyết tật sử dụng phương tiện giao thông. Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải đã giao Viện Chiến lược và Phát triến GTVT biên soạn giáo trình, tài liệu tuyên truyền quy định pháp luật về trợ giúp người khuyết tật với 2.000 cuốn sách và 20.000 tờ rơi đã được phát hành đến các Sở, ban/ngành, Hội người khuyết tật, các đầu mối vận tải bến xe khách, ga tàu…

Cùng với đó, Bộ GTVT đã htrợ nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông thuận tiện.  Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất thử nghiệm thiết bị, công cụ và phương tiện giao thông để người khuyết tật tham gia giao thông thuận tiện cũng đã được thúc đẩy và triển khai tại các đơn vị nghiên cứu cũng như tại Tổng công ty vận tải đường sắt, Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO), Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải…. Một số sản phẩm đã được đưa vào sử dụng như toa tầu tiếp cận được bố trí trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (năm 2016 đã sử dụng đặt tại ga Hải Phòng); các thiết bị nâng hạ hỗ trợ người khuyết tật được lắp đặt trên một số xe buýt thành phố Hồ Chí Minh. Hiện nay, các xe buýt sản xuất mới đều lắp đặt các thiết bị âm thanh, màn hình led hỗ trợ người khuyết tật khiếm thính, khiếm thị khi tham gia sử dụng.

Đến nay, Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai chương trình, đề án trợ giúp NKT tham gia giao thông trong giai đoạn tới, cụ thể đã phê duyệt Dự án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giao thông vận tải nhằm tăng cường năng lực của hệ thống giao thông tiếp cận phổ quát thuộc Hợp phần B Chương trình Aus4Transport tại Quyết định số 2209/QĐ-BGTVT ngày 26/11/2020. Đây là Dự án sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Ốt-xtrây-li-a, thực hiện năm 2021-2022 thí điểm tại 04 tỉnh/thành phố (Hải Phòng, Huế, Tiền Giang, Cần Thơ) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quy định hiện hành để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng giao thông tiếp cận phổ quát; tăng cường năng lực cho các cán bộ quản lý về giao thông địa phương về giao thông tiếp cận phổ quát và nâng cao cơ hội hợp tác với các hiệp hội về NKT, người cao tuổi; hỗ trợ cán bộ địa phương xây dựng kế hoạch hành động triển khai thí điểm giao thông tiếp cận phổ quát trong các dự án cơ sở hạ tầng giao thông.

Có thể nói, việc thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 ngành Giao thông vận tải đã mang lại những kết quả khả quan, những thay đổi tích cực hướng đến việc phát triển một hệ thống giao thông tiếp cận toàn diện, đáp ứng nhu cầu đi lại của tất cả mọi đối tượng trong xã hội./.


Mỹ Hạnh


Từ khóa: