Giáo dục - Nghề nghiệp
Vĩnh Phúc đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho gần 1.800 lao động
05:47 PM 01/07/2021
(LĐXH)- Trong năm 2021, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 1.796 lao động; trong đó, nhóm nghề nông nghiệp là 1.563 lao động, nghề phi nông nghiệp 233 lao động; đào tạo trình độ sơ cấp 1.238 lao động và dưới 03 tháng 558 lao động…
UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng cho lao động nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021 theo Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tỉnh sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với tạo việc làm tại chỗ và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời, yêu cầu công tác đào tạo phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương và quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở cấp xã; không tổ chức dạy nghề cho lao động khi chưa xác định được nơi làm việc và có mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề. Sau đào tạo, có từ 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.

Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề Lập Thạch (Vĩnh Phúc) thực hiện tốt nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Theo Kế hoạch, đối tượng học nghề, bao gồm: lao động nữ, người khuyết tật, lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (từ đủ 15 tuổi đến 55 tuổi với nữ, đến 60 tuổi với nam) có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với nghề cần học. Ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm, lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
UBND tỉnh quy định đối tượng hỗ trợ; nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ; nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ học nghề cụ thể cho từng đối tượng thực hiện theo Quyết định số 1315/QĐ-UBND ngày 4/5/2017 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Đối với những nghề có mức chi phí đào tạo lớn hơn mức hỗ trợ tối đa quy định tại Quyết định, cơ sở đào tạo chủ động huy động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các nguồn tài trợ hợp pháp khác để đảm bảo chi phí đào tạo.
Điều kiện tham gia đào tạo là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục, các trung tâm khuyến nông, lâm, ngư nghiệp, khuyến công, hợp tác xã và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... được tham gia dạy nghề cho lao động Vĩnh Phúc theo quy định…
UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện việc khảo sát, bổ sung nhu cầu học nghề hàng năm của người lao động; nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ có nhu cầu sử dụng từ 10 lao động trở lên trên địa bàn làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động phù hợp với địa phương.
Việc tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng theo các nghề trong danh mục quy định của tỉnh phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động, nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường lao động; phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, lựa chọn các cơ sở đào tạo đủ điều kiện dạy nghề, có địa chỉ đầu ra về giải quyết việc làm hoặc bao tiêu sản phẩm cho người học sau khóa học tham gia đào tạo.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc yêu cầu việc thực hiện các mô hình phải có sự phối hợp 4 bên: cơ sở đào tạo - người học - doanh nghiệp - địa phương. Qua đó, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo, vừa đảm bảo việc làm cho người lao động sau đào tạo, vừa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Chỉ tổ chức đào tạo nghề cho người lao động khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau học nghề…
Theo Kế hoạch, UBND tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, các cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn các huyện, thành phố tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch. Thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện trong phạm vi quản lý. Định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị báo cáo UBND tỉnh, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội theo quy định.
UBND các huyện thành phố giao nhiệm vụ và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện việc đặt hàng đào tạo (Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội đặt hàng đào tạo nghề phi nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp hoặc Phòng Kinh tế đặt hàng đào tạo nghề nông nghiệp); quản lý, tổ chức đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề, vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập để người lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề…

Chí Tâm

Từ khóa: