Để khởi động cho việc xây dựng mạng lưới, tăng cường hợp tác đa ngành trong bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, ngày 12/7/2018, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam (ChildFund), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet - ICT) tổ chức Hội thảo "Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" với sự tài trợ của Microsoft, Quỹ SecDev Foundation và Quỹ UN.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định cùng với các quyền của trẻ em ngày càng được tôn trọng và cam kết thực hiện, thế giới ngày nay vẫn và sẽ còn những nguy cơ xâm hại trẻ em. Do đó, các quyền được bảo vệ, được an toàn của trẻ em – cả trên môi trường mạng - cần được quan tâm và bảo đảm hơn nữa vì trẻ em chính là lớp công dân kiến tạo thế giới số. Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là môi trường để trách nhiệm và mối quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông được thực hiện rõ rệt và cụ thể hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray, Giám đốc chương trình quỹ Sec Dev từ Canada chia sẻ: “Việc kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là hoạt động rất thức thời và hợp xu hướng từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tại Việt Nam. Trong thời đại công nghệ số phát triển rộng rãi và len lỏi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu để có thể bao phủ giải quyết nhiều vấn đề một lúc liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp, tới hỗ trợ”.
Cố vấn xây dựng chuyên môn và kỹ thuật cho mạng lưới, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cho rằng sáng kiến mạng lưới là một sáng kiến phù hợp xu hướng. “Việc này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện giúp trẻ em – tương lai của chúng ta có thể thích ứng, được trao quyền để làm chủ công nghệ, là các công dân số có tri thức, kỹ năng và được bảo vệ”, bà Linh nhấn mạnh.
Đặc biệt, đóng vai trò tích cực trong vận hành và phát triển mạng lưới bảo vệ trẻ em, theo bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, là hoạt động của các cơ quan truyền thông. Với chức năng và nhiệm vụ của mình, các cơ quan truyền thông sẽ góp phần xây dựng các tiêu chuẩn đạo đức và tiêu chuẩn cộng đồng phù hợp tuân thủ việc truyền thông dựa trên quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; truyền thông giáo dục cộng đồng và vận động các bên liên quan thực hiện các nguyên tắc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tích cực trong việc giám sát và phản biện về việc thực hiện các cam kết của các bên liên quan. Tuy nhiên, đại diện Cục Trẻ em cũng đề nghị các cơ quan truyền thông quan tâm hơn nữa việc kiểm tra, xác minh thông tin trước khi truyền thông. Theo đó, tại Điều 33 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em giải thích rõ thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em. Kể cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, chúng ta đã có khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em và mục tiêu cuối cùng cần hướng đến là bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, đảm bảo trẻ lớn lên trong một môi trường lành mạnh, không có bất kỳ nguy cơ hay rủi ro nào.
Vấn đề này cũng được đại diện diễn giả trẻ em, em Ngô Hoàng Thuỳ Linh, học sinh trường THPT Nguyễn Tất Thành, chia sẻ tại phiên thảo luận: Em tin tưởng rằng, mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ giúp chúng em rất nhiều để trưởng thành, phát triển toàn diện thành các công dân số thông minh, biết tận dụng những lợi ích mà công nghệ mang lại và tự bảo vệ mình, hoặc biết tìm kiếm sự trợ giúp từ mạng lưới quốc gia khi cần thiết. Song, điều em mong muốn là việc truyền thông cung cấp kiến thức về sử dụng mạng an toàn không đi vào tính hình thức và cách thức cha mẹ bảo vệ con cái cần phải tính đến việc không xâm phạm quyền riêng tư của con trẻ.
Theo các chuyên gia, mỗi chủ thể khác nhau có vai trò bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng riêng, song, về cơ bản, cần lưu ý: Đối với trẻ em, cần có kỹ năng để bảo vệ mình trên mạng xã hội như không nên nói chuyện với người lạ trên internet, không nên cung cấp cho người khác thông tin cá nhân, gia đình... Đối với phụ huynh, nên cài đặt "chế độ trẻ em" trên các thiết bị có truy cập internet; không nên chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, tình trạng gia đình, con cái, họ tên, các địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ, hoàn cảnh... một cách công khai trên internet. Hỗ trợ, giám sát việc truy cập internet của con cái tránh khỏi các nguy hiểm do các tương tác trên môi trường mạng mang lại. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần tăng cường việc đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em tốt hơn. Xác minh độ tuổi truy cập vào các trang dịch vụ chỉ dành cho người lớn. Có những hành động can thiệp kịp thời đối với các hoạt động khiêu dâm trẻ em trên mạng qua các dịch vụ video/hình ảnh trực tuyến. Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần ban hành các hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em một cách toàn diện hơn, không chỉ là bảo vệ trên mạng.
Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ trẻ em được ký kết có hiệu lực đến tháng 6/2020
Trong khuôn khổ hội thảo, Microsoft Việt Nam, ChildFund Việt Nam và Cục Trẻ em ký kết Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Thỏa thuận hợp tác này, Microsoft sẽ hỗ trợ ChildFund, hợp tác với Cục Trẻ em trong hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, giảm các nguy cơ bạo lực, bóc lột, xâm hại trẻ em; trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ, can thiệp để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Theo đó, các bên sẽ tập trung vào các hoạt động: Truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các chính quyền, gia đình, cộng đồng, nhà trường và trẻ em thông qua các chiến dịch, sự kiện truyền thông, đặc biệt là các hoạt động được thực hiện trong Tháng hành động vì trẻ em, hội thảo cấp quốc gia xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Xây dựng hệ thống thông tin bảo vệ trẻ em và báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại để tăng cường khả năng thích ứng của trẻ em và thanh thiếu niên tại cộng đồng; Phát triển ứng dụng, giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng./.
Đăng Doanh
-
Chương trình "Tết cho trẻ em nghèo" trao tặng hàng chục suất quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn
12-01-2025 20:07 40
-
Hà Nội: Chợ đồ cũ Vạn Phúc sầm uất, tiểu thương vẫn gặp khó
12-01-2025 13:33 05
-
Hà Nội: Tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay tín dụng chính sách xã hội
12-01-2025 13:32 51
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47