Ý Yên tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
(LĐXH)- Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định luôn quan tâm đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, tạo điều kiện cho người dân được học nghề, được tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.
Huyện Ý Yên 265.300 người, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu lao động theo ngành nghề, lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chiếm tỷ trọng cao 55,6%, các ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 27,1%, khu vực dịch vụ chiếm 17,3%. Các địa phương có nghề truyền thống từ lâu đời được duy trì và phát triển mạnh như: Đúc đồng mỹ nghệ thị trấn Lâm, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xã Yên Ninh, tre nứa chắp, sơn mài xã Yên Tiến... Bên cạnh đó sản xuất hàng may mặc cũng phát triển mạnh tại các xã, thị trấn trong huyện, điển hình như xã Yên Trị, Yên Đồng, Yên Bình, Yên Thọ... với nhiều doanh nghiệp thu hút hàng trăm lao động đến làm việc.
Huyện tập trung giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh đào tạo các nghề truyền thống, nghề may, thêu ren, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, trồng rau, cây vụ đông…, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất kinh doanh, làm giàu chính đáng ngay tại quê hương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xã Yên Cường có trên 11 nghìn dân, trong đó, có trên 6.000 người trong độ tuổi lao động. Thực hiện Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm, UBND xã chỉ đạo Trung tâm học tập cộng đồng và các đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tổ chức 5-7 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 150-200 lao động; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật chăn nuôi, giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao. Trên địa bàn xã có 2 HTX Bắc Cường và Nam Cường thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức sản xuất nông nghiệp; khuyến khích người dân tập trung ruộng đất phát triển các mô hình sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn thu hút trên 2.500 lao động địa phương. Đồng thời, Yên Cường xã hội hóa huy động các nguồn lực mở các lớp dạy nghề phi nông nghiệp; khuyến khích các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất đẩy mạnh truyền nghề người lao động. Đến nay, toàn xã có trên 40 tổ hợp sản xuất, chế tạo cơ khí, cơ sở chế biến nông sản, may mặc, nghề mộc.
Tại Yên Thắng, để thực hiện mục tiêu đạt xã NTM kiểu mẫu vào năm 2023, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, Đảng bộ và chính quyền xã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng các mô hình sản xuất, vận động người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường gắn ứng dụng khoa học công nghệ mới, phát triển các hình thức sản xuất tập thể theo chuỗi sản xuất hàng hóa. Trong sản xuất nông nghiệp, Yên Thắng xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn tại thôn Phúc Chỉ có 199 hộ tham gia, với tổng diện tích gần 40ha. Chuyển đổi gần 16ha khu vực cánh đồng Cây Si, Mắt Rồng của HTX Phúc Thịnh và khu vực cánh đồng Triều Thần của HTX Đông Thắng, cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá. Phối hợp với Công ty TNHH Toản Xuân và Công ty xuất nhập khẩu APO hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa chất lượng cao, với diện tích gần 40ha, sản lượng 218 tấn lúa và tiêu thụ cá, với diện tích 5ha, sản lượng 50 tấn. Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể trong xã đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề và giới thiệu việc làm, cùng với tận dụng nhiều nguồn vốn từ các chương trình hỗ trợ sản xuất, vốn giảm nghèo, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn Ngân hàng NN và PTNT hỗ trợ nhiều hộ dân thực hiện các mô hình kinh tế để thoát nghèo hiệu quả.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Song, Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết: Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW, ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư (Khóa XI) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” đã góp phần nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nói chung và lao động nông thôn nói riêng, qua đó người lao động được lựa chọn những ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình, áp dụng và phát huy được những kiến thức đã học vào quá trình sản xuất, kinh doanh đảm bảo có hiệu quả, tạo việc làm và thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Trên cơ sở kế hoạch của huyện, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền chủ trương đào tạo nghề cho lao động nông thôn bằng nhiều hình thức cho hội viên, đoàn viên và nhân dân; giúp người lao động có việc làm, nâng cao nhận thức, trình độ, góp phần nâng cao thu nhập, tăng mức sống, giúp giảm nghèo bền vững, góp phần xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM nâng cao, thôn (xóm) kiểu mẫu.
Đến tháng 9-2022, Hội LHPN huyện đã mở được 28 lớp đào tạo nghề thêu ren, nghề may, móc sợi, kỹ thuật chế biến món ăn, chăn nuôi gia cầm với 1.190 hội viên tham gia; Đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện phối hợp với các trung tâm dạy nghề tổ chức tư vấn hướng nghiệp dạy nghề cho trên 35 nghìn thanh niên; Hội Nông dân huyện đã mở được 51 lớp cho 1.715 hội viên tập trung ở các xã Yên Thành, Yên Cường, Yên Trị, Yên Phương, Yên Lợi… Qua công tác dạy nghề đã thu hút các hộ nông dân có cùng phương thức sản xuất thành lập các HTX, tổ hợp tác về sản xuất, kinh doanh phù hợp với khả năng, điều kiện của từng địa bàn; thông qua các hoạt động của HTX, các tổ hợp tác, nông dân có điều kiện tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiếp cận thị trường; trao đổi, chia sẻ lợi ích trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường mối quan hệ làng xóm, cộng đồng, thu hút được nguồn lao động lúc nông nhàn ở nông thôn… Đến nay, huyện Ý Yên đã thành lập mới được 56 HTX; Hội Nông dân các xã, thị trấn đã thành lập được các tổ hợp tác như tổ hợp tác chăn nuôi lợn ở Yên Phương, Yên Thành, Yên Thọ, tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản ở Yên Phúc, tổ hợp tác nuôi gà ở Yên Nghĩa…
Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” gắn liền với xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện trung lãnh đạo, chỉ đạo các xã, thị trấn phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện cho các ngành nghề phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực trong sản xuất nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng của quê hương để tạo thương hiệu và gia tăng giá trị của các sản phẩm. Các mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết cũng được duy trì và mở rộng, phát huy hiệu quả nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông sản đặc trưng của từng địa phương. Nhiều mô hình liên kết sản xuất có quy mô ở các địa phương trong huyện đã xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của mình. Tiêu biểu như mô hình liên kết của HTX chăn nuôi Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa thu hút 15 hộ tham gia chăn nuôi gà đẻ cung cấp trứng sạch theo tiêu chuẩn VietGap đã được cấp giấy chứng nhận. Đến nay, huyện Ý Yên đã có 21 sản phẩm được Hội đồng OCOP tỉnh công nhận, xếp hạng 3 sao và 4 sao như: Trứng gà Phú Nghĩa ở xã Yên Nghĩa; Dầu lạc Thuận Hồng ở Yên Dương; Gạo sạch Toản Xuân; Dầu vừng An Nhiên ở xã Yên Cường; Tương ớt Quang Minh và sa tế Oihinsu ở xã Yên Bằng; các loại rau sạch của HTX Nam Cường…
Đến nay, toàn huyện có 29/31 xã, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 93,5%), 88 thôn (xóm), tổ dân phố của 22 xã, thị trấn đạt mô hình thôn/xóm NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm trong huyện đạt trên 80-85%, tương đương với gần 4.100 lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Để nâng cao chất lượng dạy nghề, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp “Tam nông” thời kỳ mới, huyện tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của huyện về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để nâng cao nhận thức về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề theo nhu cầu học nghề của người lao động, gắn với các chương trình, đề án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn huyện. Làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp cho người lao động trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với thị trường lao động trong và ngoài nước; tổ chức dạy nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo. Tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ với các trường dạy nghề, các cơ sở dạy nghề tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2025 bảo đảm đồng bộ giữa tổ chức dạy nghề gắn với đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng người học, nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo./.
Quang Tuấn
Từ khóa:
-
Việt Nam có trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ công trình xanh EDGE uy tín toàn cầu
25-11-2024 19:40 02
-
Trường đại học Lao động - Xã hội và Công ty Cổ phần Phát triển Liên Việt ký kết bản ghi nhớ hợp tác thành lập Trung tâm Giáo dục Quốc tế tại Việt Nam
25-11-2024 17:25 12
-
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
22-11-2024 18:20 48
-
Khởi động Chương trình INTENSE: Cơ hội học tập việc làm cho sinh viên Việt Nam
18-11-2024 10:56 45
-
Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Kiên Giang long trọng tổ chức Lễ Khai giảng năm học 2024 – 2025
15-11-2024 13:33 00
-
Huyện Ngọc Hiển: Tạo sinh kế bền vững cho lao động vùng nghèo, vùng khó khăn
10-10-2024 09:31 40